Triển vọng xuất khẩu xi măng, clinker thêm khó vì đề xuất tăng thuế xuất khẩu
Đề xuất tăng thuế xuất khẩu sẽ khiến ngành xi măng thua lỗ
Mặc dù là ngành hàng vẫn tăng trưởng tốt những tháng đầu năm nhưng với mục tiêu hạn chế xuất khẩu tài nguyên không tái tạo, Bộ Tài Chính mới đây đã đề xuất Chính phủ tăng thuế xuất khẩu đối với mặt hàng clinker từ mức hiện tại 5% lên 10%.
Lý do được Bộ Tài Chính đưa ra là trong bối cảnh hiện nay, việc đẩy mạnh xuất khẩu xi măng và clinker không phải giải pháp lâu dài và bền vững vì quá trình sản xuất hai mặt hàng này chủ yếu dựa trên việc khai thác, sử dụng tài nguyên không tái tạo, đặc biệt là sử dụng điện với giá thấp.
Điều này đi ngược lại với chiến lược phát triển vật liệu xây dựng ở Việt Nam với ưu tiên hạn chế xuất khẩu những sản phẩm sử dụng nhiều nguyên liệu, nhiên liệu là tài nguyên khoảng sản không tái tạo, trong đó, riêng clinker và xi măng không vượt quá 30% tổng công suất thiết kế trong giai đoạn 2021 – 2030.
Tuy nhiên, theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam, với quy mô công suất vượt 100 triệu tấn và khả năng sản xuất lớn hơn thế, ngành xi măng Việt Nam được coi là có quy mô và sức ảnh hưởng đáng kể tới các thị trường xi măng trong khu vực.
Trên thị trường thế giới, Việt Nam đang xếp thứ 5 trên thế giới về năng lực sản xuất xi măng chỉ sau Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ và Nga.
"Nếu tăng thuế xuất khẩu clinker thêm 5%, từ 5% lên 10% thì khả năng sẽ không xuất khẩu được vì giá cả biến động liên tục và nhiều khi xuống rất thấp nên ngành xi măng sẽ rất khó khăn nếu đề xuất này được thực thi.
Bên cạnh đó, mục tiêu của tăng thuế xuất khẩu còn để tăng thu ngân sách nhưng nếu ngành hàng không xuất khẩu được thì cũng sẽ không thể tăng thu ngân sách vì thuế tăng, sản lượng bị sụt giảm và ùn ứ ở bên trong thì tình hình ngành xi măng sẽ thua lỗ", ông Nguyễn Quang Cung nhận định.
Đại diện Hiệp hội xi măng nhấn mạnh thuế phải là công cụ vừa tăng thu ngân sách vừa tạo điều kiện cho sản xuất phát triển nhưng với ngành xi măng nếu tăng thuế như vậy sẽ không thể giúp ngành hàng phát triển.
"Hiệp hội không đồng tình với đề xuất này và cũng chưa thể đưa ra giải pháp ứng phó nếu đề xuất này được thực thi. Nhưng chắc chắn ngành hàng sẽ gặp khó khăn, sản xuất trong nước sẽ bị tác động và doanh nghiệp sẽ chịu cảnh thua lỗ", ông Nguyễn Quang Cung chia sẻ.
Tiêu thụ xi măng, clinker sẽ bị cản trở bởi COVID-19
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết tính từ đầu năm đến 15/7 xuất khẩu xi măng và clinker đạt hơn 22.600 tấn, trị giá hơn 878,6 triệu USD, tăng lần lượt 26% về lượng và hơn 30% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Trị giá bình quân xuất khẩu mặt hàng này đạt khoảng 38,8 USD/tấn, tăng nhẹ 3,4% trong khi cùng kỳ 2020 là 37,5 USD/tấn.
Cũng theo Tổng cục Hải quan trong nửa đầu năm, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ xi măng lớn nhất nước ta với 10,3 triệu tấn, trị giá hơn 368,6 triệu USD, chiếm 49,4% về lượng và 45,6% tổng kim ngạch xuất khẩu xi măng của cả nước.
Có thể thấy hoạt động xuất khẩu xi măng và clinker của Việt Nam trong nửa đầu năm 2021 đang có sự tăng trưởng cao. Điều này cũng đã được thể hiện ở kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành.
Điển hình như Công ty CP Xi măng Hà Tiên 1 (Mã: HT1) ghi nhận doanh thu thuần 6 tháng đầu năm đạt 4.001 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 335 tỷ đồng, lần lượt tăng 6% và 7%. Với kết quả này, Xi măng Hà Tiên 1 đã thực hiện được 50% kế hoạch doanh thu và 52% chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2021.
Hay với Công ty CP Xi măng Bỉm Sơn (Mã: BCC) lũy kế 6 tháng đầu năm 2021 doanh thu thuần đạt 2.247 tỷ đồng, tăng 5,2% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt 97 tỷ đồng, tăng 59,8% và vượt trên 13% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm.
Công ty Cổ phần Vicem Thạch cao Xi măng (Mã: TXM) cũng ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu cao trong nửa đầu năm, tăng 64% so với cùng kỳ năm 2020 đạt 100 tỷ đồng, và giảm lỗ một nửa, chỉ còn lỗ hơn 900 triệu đồng, trong khi năm ngoái lỗ 1,8 tỷ đồng.
Chia sẻ với người viết, ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA), cho biết: "Tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu xi măng, clinker nửa đầu năm tăng cao so với cùng kỳ là nhờ vào mức tăng trưởng từ tháng 1 đến tháng 4 là những tháng trước dịch đợt dịch tái bùng phát".
Cũng theo ông Cung, thị trường tiêu thụ gần như không thay đổi, ở mức trung bình khoảng 200 triệu tấn, tuy nhiên nhờ sức cạnh tranh của xi măng, clinker Việt, có thể kể đến như lợi thế về đường biển đã giúp mặt hàng tăng trưởng xuất khẩu.
"Lượng lớn xi măng, clinker Việt Nam xuất khẩu chủ yếu qua Trung Quốc, thị trường này không thiếu nguồn cung nhưng nếu các nhà sản xuất tự vận chuyển đến các vùng ven biển sẽ rất ra trong khi nếu vận chuyển bằng đường biển của Việt Nam thì gần hơn, nên đây là lợi thế để xuất khẩu xi măng, clinker sang quốc gia này", ông Cung chia sẻ.
Dù đã ghi nhận được sự tăng trưởng cao trong những tháng đầu năm khi có nhiều chuyển biến tích cực sau khi tình hình dịch COVID-19 đã được kiểm soát. Tuy nhiên, dịch bệnh lại tái bùng phát từ cuối tháng 4, hàng loạt các dự án xây dựng trên địa bàn hai thành phố Hà Nội và TP HCM tạm thời dừng thi công khiến nhu cầu tiêu thụ xi măng dự báo sẽ sụt giảm đáng kể.
"Từ tháng 5 đến nay tình hình tiêu thụ trong nước bắt đầu bị ảnh hưởng vì lệnh giãn cách, bên cạnh đó, xuất khẩu xi măng, clinker cũng đã sụt giảm khi các cảng trên thế giới đều giảm tải vì COVID-19, đặc biệt là các cảng Trung Quốc nên đối tác dù muốn nhập cũng không nhập được, cùng với chi phí vận tải tăng đã khiến lượng xuất khẩu của ngành hàng giảm đi.
Theo đó, tình hình tiêu thụ nội địa và xuất khẩu xi măng, clinker trong tháng 7, tháng 8 chắc chắn sẽ càng khó khăn trong bối cảnh các thị trường lớn nhất là TP HCM và Hà Nội đang áp dụng biện pháp chống dịch theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ", Chủ tịch VNCA chia sẻ.