Triển vọng tươi sáng của ngành dịch vụ hậu cần điện tử Việt Nam
Đề xuất giải phóng sân golf Tân Sơn Nhất làm khu hậu cần | |
Logistics thương mại điện tử ở Việt Nam: Cơ hội và thách thức |
Sự bùng nổ của xu hướng mua sắm trực tuyến và giao hàng tận nơi tại Việt Nam những năm gần đây mở ra nhiều cơ hội cho các nhà cung cấp dịch vụ hậu cần điện tử.
Ảnh minh họa. Nguồn: Retail News Asia. |
Chỉ trong năm 2017, hơn 50 nhà cung cấp dịch vụ hậu cần điện tử trong và ngoài nước đã gia nhập thị trường được dự báo sẽ đạt 200 triệu USD vào năm 2020, trong đó có Lazada, Giao Hàng Nhanh, Grab Express và Speedlink.
Sự kết hợp giữa sự am hiểu toàn cầu và địa phương đã định hình các giải pháp độc đáo cho thị trường dịch vụ hậu cần điện tử Việt Nam, tạo ra tiềm năng tăng trưởng bất tận trong lĩnh vực này, ông Fabian Wandt, Giám đốc vận hành Lazada eLogistics Việt Nam, cho biết.
Trong khi đó, một nhà cung cấp dịch vụ hậu cần khác là Giao Hàng Nhanh cũng rất lạc quan về triển vọng của thị trường giao nhận hàng, đặc biệt với nhiều khoản đầu tư từ các công ty trong và ngoài nước để cải tiến công nghệ, mạng lưới và ưu đãi cho khách hàng.
Ông Nguyễn Trần Thi, Tổng giám đốc Giao Hàng Nhanh, cho biết công ty có kế hoạch mở rộng hoạt động hơn gấp đôi trong năm nay và đặt mục tiêu đạt 1.500 điểm nhận hàng vào cuối năm nay.
Hưởng lợi từ hệ thống pháp lý
Theo các chuyên gia, cơ hội dành cho các nhà cung cấp dịch vụ hậu cần điện tử đang ngày càng lớn hơn, đặc biệt là khi các quy định mới giúp tăng cường sức cạnh tranh của lĩnh vực hậu cần sắp có hiệu lực. Quyết định số 200/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 sẽ có tác động tích cực lên sự phát triển của các doanh nghiệp hậu cần.
Với sự hỗ trợ của chính phủ về công nghệ thông tin, đào tạo nguồn nhân lực và giảm chi phí vận hành, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hậu cần, đặc biệt trong lĩnh vực hậu cần điện tử, có thể nâng cao đáng kể sức cạnh tranh trong thời gian tới.
Trong khi đó, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 163/2017/NĐ-CP với các quy định về kinh doanh dịch vụ hậu cần, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 20/2. Nghị định này được kỳ vọng sẽ mở cửa thị trường dịch vụ hậu cần Việt Nam cho nhà đầu tư nước ngoài.