|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Triển vọng thị trường năm 2025 qua góc nhìn của 6 chuyên gia chứng khoán

11:40 | 09/11/2024
Chia sẻ
Theo góc nhìn từ các chuyên gia đại diện từ 6 công ty chứng khoán tại Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025, thị trường có triển vọng tích cực, VN-Index có thể hướng tới ngưỡng 1.400 điểm.

Trong phiên thảo luận thứ tư tại Diễn đàn Đầu tư Việt Nam (Vietnam Investment Forum) 2025, chuyên gia đại diện từ các công ty chứng khoán đã chia sẻ cho nhà đầu tư góc nhìn thú vị về xu hướng thị trường, những yếu tố hỗ trợ hoặc thách thức thị trường trong năm 2025.

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phân tích CTCP Chứng khoán VPS. Ảnh: BTC.

Giám đốc Phân tích VPS: Thị trường có thể chinh phục mốc 1.400 điểm năm 2025

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phân tích CTCP Chứng khoán VPS cho rằng, năm 2024 là giai đoạn khó khăn nhưng thị trường vẫn tăng 11,7%. Mặc dù vậy, đây vẫn là nền tảng tích luỹ. Nếu nhìn xu hướng dài hơn có thể thấy dòng tiền vẫn đang tích luỹ. Thị trường chưa tăng có thể do nhiều lý do chẳng hạn như tầm nhìn của các nhà đầu tư, vướng mắc về những nút thắt được tháo.

“Nhưng 2025 mới là năm đáng kỳ vọng nhiều hơn. Trên nền thấp của 2023 thì năm nay tăng hơn, đây đã là điều tích cực. Năm 2025 thị trường có thể tốt hơn vì các yếu tố như vĩ mô cải thiện, sự phục hồi FDI, chính phủ đẩy mạnh đầu tư công… Với những nền tảng đó, tôi cho rằng thị trường có thể vượt 1.300 và tiến tới chinh phục mốc 1.400 điểm”, chuyên gia từ VPS mở màn trong phần nhận định triển vọng năm tới.

 Ông Trần Văn Thảo, Giám đốc Đầu tư TPS. Ảnh: BTC.

Giám đốc Đầu tư TPS chỉ ra ba yếu tố hỗ trợ thị trường

Cùng quan điểm với ông Lê Đức Khánh, ông Trần Văn Thảo, Giám đốc Đầu tư TPS nhận định thị trường năm 2025 khá tích cực vì nền tảng vĩ mô phục hồi lên gần 7%, theo dự báo của các tổ chức. Lạm phát duy trì dưới mức 4%. Điều đó giúp chính sách tiền tệ trở nên linh hoạt.

Yếu tố thứ hai là định giá của thị trường hiện nay vẫn rẻ. Tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp vẫn đang cải thiện.

Yếu còn lại liên quan đến bên ngoài như nâng hạng thị trường, chính sách tiền tệ,…

Còn về rủi ro với thị trường, đại diện từ TPS chỉ ra những sự kiện như bầu cử tổng thống Mỹ vừa kết thúc. Chính sách của ông Donald Trump thường nghiêng nhiều về việc đánh thuế hàng nhập khẩu. Điều này ảnh hưởng đến các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.

Ông Đào Minh Châu,Phó Giám đốc Phân tích cổ phiếu, Trung tâm Phân tích Đầu tư - CTCP Chứng khoán SSI (SSI Research). Ảnh: BTC.

Chuyên gia Chứng khoán SSI: Thị trường 2025 hưởng lợi từ nhiều yếu tố nhưng sẽ có nhiều nhịp rung lắc

Trong phần chia sẻ của mình, ông Đào Minh Châu, Phó Giám đốc Phân tích cổ phiếu, Trung tâm Phân tích Đầu tư - CTCP Chứng khoán SSI (SSI Research) đưa quan điểm, năm 2025 vẫn tích cực. Thị trường chứng khoán sẽ được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố như tỷ giá ổn định (Fed có thể tiếp tục giảm lãi suất trong thời gian tới).

Khía cạnh thứ hai được chuyên gia SSI chỉ ra đó là tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết năm sau được dự báo tăng khoảng 20%, cao hơn mức 15% của năm nay. Mức độ phục hồi đồng đều hơn giữa các nhóm ngành.

“Ngoài ra, nếu thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng, nguồn tiền chảy vào thị trường nhiều hơn, có thể lên tới 1,5 tỷ USD, đảo ngược xu hướng bán ròng trong năm nay - vốn là lực cản lớn khiến VN-Index chưa thể vượt mốc 1.300 trong năm nay”, ông Đào Minh Châu dự abso.

Tuy nhiên, những vấn đề thử thách với thị trường cũng được chuyên gia từ Chứng khoán SSI chỉ ra. Năm sau sẽ có nhiều nhịp rung lắc do tân tổng thống của Mỹ. Hiện Việt Nam xuất siêu sang Mỹ. Ngoài ra, tỷ trọng tham gia của nhà đầu tư cá nhân tương đối cao, tỷ lệ margin đã đỉnh lịch sử.

 Ông Đào Hồng Dương, Giám đốc Phân tích Ngành và Cổ phiếu - CTCP Chứng khoán VPBank (VPBankS). Ảnh: BTC.

Chuyên gia VPBankS dự báo xu hướng đầu tư tích cực hơn thời gian tới

Với góc nhìn của ông Đào Hồng Dương, Giám đốc Phân tích Ngành và Cổ phiếu - CTCP Chứng khoán VPBank (VPBankS), xu hướng năm 2025 tiếp tục phục hồi nhờ yếu tố kinh tế vĩ mô tốt hơn.

Thứ nhất, Việt Nam sẽ thúc đẩy tiêu dùng trong nước, tác động tích cực đến hoạt động sản xuất. Thứ hai, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết tiếp tục tăng trưởng. Thứ ba, định giá của thị trường Việt Nam hấp dẫn kéo dài trong nhiều năm.

“Nếu so sánh với với lãi suất tiết kỳ hạn dưới 6 tháng khoảng 3% và 12 tháng là 5%, rõ ràng đang có khỏang cách giữa kênh cổ phiếu so với các kênh cơ bản. Do đó, xu hướng đầu tư tích cực hơn trong thời gian tới”, chuyên gia từ VPBankS nêu quan điểm.

Giám đốc Khối nghiên cứu MBS dự báo VN-Index có thể đạt 1.400 - 1.450 điểm năm 2025

Phân tích về triển vọng năm 2025, bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc Khối nghiên cứu MBS cho rằng đây là năm bản lề. Năm 2025 đánh dấu năm cuối cùng của chu kỳ điều hành. Những chính sách sẽ được đẩy mạnh triển khai quyết liệt hơn, thể chế được khai thông và kinh tế được bứt phá. Đây là yếu kiên quyết, hỗ trợ cho thị trường chứng khoán.

Yếu tố thứ hai, trong bối cảnh kinh tế vĩ mô phục hồi trong năm 2024, sang năm 2025, những phục hồi này sẽ lan toả sang các doanh nghiệp. Từ năm nay lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết có vẻ tăng trưởng nhưng mà là so với nền thấp của năm 2023. Sang năm 2025, sự tăng trưởng sẽ bền vững hơn.

 Bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc Khối nghiên cứu MBS chia sẻ. Ảnh: BTC.

Yếu tố thứ ba là đến từ bên ngoài. Một trong những yếu tố tác động đến dòng vốn chảy ra khỏi Việt Nam trong thời gian qua liên quan đến Trung Quốc.

Trong vòng 5 năm trở lại đây, dòng vốn rút ra khỏi thị trường Trung Quốc rất nhiều và chúng ta bị ảnh hưởng bởi xu thế này. Tuy nhiên, nhiều tín hiệu tích cực từ thị trường chứng khoán Trung Quốc đã xuất hiện khi dòng vốn nhà đầu tư nước ngoài trong 3 tháng trở lại đây tăng khoảng 100 tỷ USD. Đại diện từ MBS hy vọng rằng đây là yếu tố tích cực tác động đến dòng vốn chảy vào thị trường Việt Nam trong thời gian tới.

Tuy nhiên, vẫn có một vài rủi ro được Giám đốc Khối nghiên cứu MBS chỉ ra trong năm tới.

“Gần đây những nhà đầu tư lâu năm như SK rời khỏi thị trường Việt Nam. Điều này ảnh hưởng xấu đến những nhà đầu tư nước ngoài cũng đang tìm kiếm cơ hội lâu dài tại thị trường Việt Nam. Họ sẽ e ngại khi đến với thị trường Việt Nam.

Ngoài ra, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đang phải cạnh tranh với các thị trường chứng khoán trong khu vực. Chúng ta không phải là ứng cử viên duy nhất trong câu chuyện nâng hạng. Nếu không nhanh chân thì các “ứng viên khác” sẽ chen chân vào”.

Dự báo về mức điểm của VN-Index trong năm 2025, đại diện từ MBS dự báo có thể đạt 1.400 - 1.450 điểm.

Nguyễn Thị Phương Lam, Giám đốc Phân tích CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC). Ảnh: BTC.

Giám đốc phấn tích VDSC: Có dòng tiền mới, mới có uptrend

Nhận định về triển vọng chứng khoán năm 2025, theo bà Nguyễn Thị Phương Lam, Giám đốc Phân tích CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), thị trường sẽ theo xu hướng sideway up (kênh song song hướng lên), sẽ không còn đợt giảm mạnh nhờ các yếu tố vĩ mỗ tốt lên. Tuy nhiên, để thị trường tăng mạnh thì cần yếu tố dòng tiền.

“Vừa qua chủ yếu là dòng tiền cũ chảy trên thị trường, chưa có dòng tiền mới. Khi nào có dòng tiền mới, đặc biệt là khối ngọai thì mới có uptrend”, bà Lam nói.

BBT