|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Chuyên gia SSIAM: Triệu phú và nhà đầu tư dưới 30 tuổi sẽ giúp sản phẩm quỹ bứt phá

11:30 | 09/11/2024
Chia sẻ
Các chuyên gia cho rằng nguyên nhân khiến quy mô các quỹ đầu tư còn chưa lớn là do thị trường vẫn chưa có đủ niềm tin, hàng hóa chưa đa dạng, phong phú. Tuy nhiên, theo thời gian, khi niềm tin được xây dựng, các yếu tố về thu nhập, hiểu biết của nhà đầu tư được cải thiện thì các sản phẩm quỹ sẽ có sự bứt phả.

Vì sao các quỹ còn chưa lớn?

Tại Phiên 3 của Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025, các diễn giả đã vạch ra xu hướng đầu tư vào chứng chỉ quỹ tại Việt Nam trong 3 - 5 năm tới. Mặc dù hiệu suất của quỹ đầu tư khá cao trong năm 2024. Tuy nhiên quy mô AUM của ETF hay của toàn bộ AUM của các quỹ tại Việt Nam vẫn còn khiêm tốn.

Theo UBCKNN, tính tới cuối năm 2023, tổng tài sản quản lý của ngành đã đạt 670.500 tỷ đồng, bao gồm các quỹ mở, quỹ chỉ số và tài khoản quản lý riêng lẻ. Mức AUM này chỉ chiếm khoảng 2,4% GDP năm 2023, là con số khiêm tốn nhiều so với các nước trong khu vực với mức từ 10 – 30% GDP, như Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc…

Các diễn giả trong Phiên 3 của Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025. (Ảnh: Ban Tổ chức).

Giải thích hiện tượng này, ông Ngô Thế Triệu, CEO kiêm CIO Công ty TNHH Quản lý Quỹ Eastspring Investments (Eastspring Vietnam), cho rằng thị trường quản lý quỹ mới chỉ phát triển mạnh mẽ trong khoảng 10 năm trở lại đây và vẫn còn non trẻ. 

Thị trường này đã có cơ sở pháp lý để đảm bảo nhà đầu tư thu được tiền, nhưng vẫn cần thời gian để xây dựng niềm tin, ông Triệu nhấn mạnh. 

CEO Eastspring lấy ví dụ rằng công ty mình đang quản lý một số quỹ mở trên thị trường nhưng cũng không thu hút được quá nhiều tiền. Tuy nhiên, quỹ mở mà Eastspring quản lý cho khách hàng của Prudential lại có quy mô tới 20.000 tỷ đồng. 

“Rõ ràng người ta tin cái tên của Prudential, nhưng Eastspring với tư cách là công ty quản lý quỹ thì chưa được nhiều người biết đến”, ông nói.  

Nhìn rộng ra, ông Triệu cho rằng thị trường cần có thời gian để nhà đầu tư cá nhân hiểu công ty quản lý quỹ làm việc như thế nào và tích lũy lượng thành chất. Quá trình này đã diễn ra tại Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và tất cả các nước khác.

Bổ sung ý kiến của ông Triệu, bà Trịnh Quỳnh Giao, Tổng Giám đốc CTCP Quản lý Quỹ PVI (PVI AM), cho rằng thị trường cần thêm niềm tin từ hai phía, từ cả cung lẫn cầu. 

“Về phần cung, anh Triệu có nói là bản thân các công ty quản lý phải tự nâng cao năng lực, tạo ra nhiều sản phẩm”, bà nói.

Đối với phía cầu, Tổng Giám đốc PVI AM cho rằng có hai yếu tố là tăng trưởng thu nhập và trang bị kiến thức cho nhà đầu tư cá nhân. Cụ thể, nếu GDP đạt khoảng 5.000 USD thì nhu cầu về tích sản tăng trưởng rất mạnh. Dự báo đến năm 2025 Việt Nam sẽ đạt được mức này. 

Đồng thời, bà Giao cho biết cần phổ biến hơn nữa về kiến thức tài chính. “Bản thân chúng tôi cũng có những nỗ lực cùng với Uỷ ban Chứng khoán, cơ quan báo chí, cơ quan quản lý… nhưng ở đây, tôi thấy thiếu một thành phần là đội ngũ cố vấn tài chính” bà nói. 

Theo Tổng Giám đốc PVI, công ty quản lý trên thực tế không tiếp xúc trực tiếp với nhà đầu tư cá nhân, ngoại trừ một số nhà đầu tư giàu có (high-networth).

“Để tư vấn cho nhà đầu tư phù hợp với khẩu vị, phù hợp mục tiêu tài chính thì cần đội ngũ cố vấn tài chính. Ở Việt Nam thì phần này chưa phát triển lắm, cũng chưa có quy định rõ ràng”, bà cho hay. 

Bà Giao nhắc đến cuộc khủng hoảng lĩnh vực trái phiếu năm 2022 và cho rằng một phần nguyên nhân đến từ đội ngũ tư vấn chứng chỉ hành nghề, không có kiến thức.

Khi nào thị trường đầu tư thụ động sẽ bứt phá? 

Theo ông Triệu, trong tương lai, nhu cầu quản lý quỹ thông qua một công ty khác để quản lý tài sản một cách chuyên nghiệp sẽ tăng cao. 

“Hiện giờ tỷ lệ nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường là rất lớn, mà rõ ràng trong đợt sóng lên, sóng xuống vừa rồi trên thị trường chứng khoán hoặc biến động trên thị trường trái phiếu, rất nhiều nhà đầu tư cá nhân bị kẹt lại bởi không có đủ kiến thức chuyên môn. Đó là điều rất đáng tiếc” ông cho biết.

Vị CEO của Eastspring Vietnam cho rằng trong tương lai, khi những yếu tố như hàng hóa chất lượng nhiều hơn, sản phẩm tài chính mở hơn, thu hút thêm nhà đầu tư nước ngoài tham gia hay sự xuất hiện của sản phẩm hưu trí sẽ giúp nhà đầu tư trong nước tự tin hơn về các quỹ chuyên nghiệp. 

Ông Triệu dự báo trong 3 - 5 năm tới, chỉ cần vĩ mô Việt Nam ổn định, môi trường kinh doanh, khả năng sinh lời tốt thì tự bản thân thị trường sẽ bùng nổ. Vấn đề còn lại chỉ là các công ty quản lý quỹ đón nhận, chuẩn bị cơ hội trong tương lai như thế nào.

Ông Nguyễn Bá Huy, Giám đốc Đầu tư Công ty TNHH Quản lý Quỹ SSI (SSIAM). (Ảnh: Ban Tổ chức).

Tương tự, ông Nguyễn Bá Huy, Giám đốc Đầu tư Công ty TNHH Quản lý Quỹ SSI (SSIAM), cho rằng khi thị trường chứng khoán sôi động lên, sẽ kéo theo sự tham gia của người dân đối với kênh đầu tư chứng khoán và sản phẩm quỹ sẽ tăng theo. 

Ngoài ra, việc Việt Nam có sự tăng trưởng về người tầng lớp trung lưu, triệu phú cũng sẽ hỗ trợ cho các sản phẩm quỹ. 

“Theo tôi, với những người giàu có quan tâm đến vấn đề làm sao để bảo toàn và gia tăng tài sản trong dài hạn thì việc tự đầu tư rất là khó. Do đó, việc sử dụng một dịch vụ chuyên nghiệp của công ty quản lý quỹ là xu hướng tất yếu”, chuyên gia từ SSIAM nói.  

Đồng thời việc giới trẻ yêu công nghệ cũng có thể là khách hàng tiềm năng cho các công ty quản lý quỹ trong tương lai, ông Nguyễn Bá Huy nhận định. 

“Các nhà đầu tư trẻ dưới 30 tuổi, không ngại thử những sản phẩm mới, ứng dụng công nghệ hiện đang rất là lớn. Việc với số tiền nhỏ vẫn có thể tiết kiệm thông qua uỷ thác các quỹ chuyên nghiệp sẽ tác động đến sự tích cực của thị trường trong thời gian tới”, Giám đốc Đầu tư SSIAM nói.

Minh Quang

ĐHĐCĐ bất thường HSC: Dự báo lợi nhuận 2024 trên 1.300 tỷ đồng, tăng vốn lên 10.800 tỷ đồng
Tổng Giám đốc HSC, cho biết tỷ lệ cho vay margin trên vốn chủ sở hữu của công ty đã áp sát ngưỡng tối đa quy định. Đồng thời, công ty cần chuẩn bị trước cho kịch bản thị trường xuất hiện nhịp tăng, nhu cầu sử dụng margin của khách hàng lên cao trong tương lai vì vậy tăng vốn lên 10.800 tỷ đồng là rất cấp bách.