Triển vọng ngành thép được kỳ vọng nhờ chính sách phòng vệ thương mại
Trong nửa đầu năm 2017, cổ phiếu ngành thép tăng trưởng khá ấn tượng. Cổ phiếu POM của CTCP Thép Pomina tăng cao nhất, tới 89%, chốt giá ngày 19/7 ở mức 16.100 đồng/cp.
Trong khi đó, một số cổ phiếu của công ty chiếm phần lớn thị phần như Hoa Sen Group (HSG) tăng 11%, chốt giá 29.400 đồng/cp; Hòa Phát (HPG) tăng 23%, ở mức 31.800 đồng/cp; Thép Nam Kim (NKG) tăng 37%, ở mức 32.200 đồng/cp.
Diễn biến giá cổ phiếu ngành thép trong nửa đầu năm (Nguồn: VND) |
Không chỉ là câu chuyện về giá cổ phiếu, ngành thép trong 6 tháng đầu năm cũng có nhiều tín hiệu tích cực. Sản lượng tiêu thụ toàn thị trường đạt 6,9 triệu tấn thép xây dựng, ống thép và tôn mạ, cao hơn 14,5% so với cùng kỳ. Nhập khẩu thép trong 6 tháng cũng đạt khoảng 7,5 triệu tấn, thấp hơn 5% về lượng nhưng tăng 22% về giá trị so với cùng kỳ.
Theo đánh giá của Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), lợi nhuận của ngành thép có cải thiện đáng kể trong ngắn hạn và tiếp tục được kỳ vọng nhờ tác dụng của các chính sách tự vệ thương mại lên giá bán thép. Trong dài hạn, các chính sách này sẽ hỗ trợ Bộ Công Thương tái cơ cấu ngành thép bằng cách khuyến khích đầu tư vào chuỗi sản xuất hiện đại kéo dài tới thượng nguồn để tạo ra nhiều giá trị gia tăng đóng góp vào nền kinh tế và giảm sự lệ thuộc vào nhập khẩu.
Tính tới ngày 15/4, lượng nhập khẩu phôi thép và tôn mạ lạnh, tôn mạ kẽm giảm lần lượt 87% và 27% so với cùng kỳ do tác động của thuế Chống bán phá giá (CBPG) và thuế tự vệ. Vì vậy, VDSC dự báo các doanh nghiệp Việt sẽ nâng dần tỷ trọng tiêu thụ nội địa từ mức dưới 50% trong nửa đầu năm 2017. Các doanh nghiệp đang trong giai đoạn mở rộng công suất cũng sẽ có khả năng nắm bắt những cơ hội mới.
VDSC đánh giá HSG và NKG có khả năng thay thế khoảng trống trong nguồn cung, HPG thì đang rục rịch gia nhập thị trường tôn mạ và trực tiếp cạnh tranh tại miền Bắc - thị trường cạnh tranh gay gắt nhất với sản phẩm Trung Quốc bằng nhà máy 400.000 tấn khởi động cuối năm 2017. Nhiều doanh nghiệp tôn mạ cho biết việc chuyển từ xuất khẩu sang tiêu thụ nội địa mang lại lợi nhuận cao hơn nhờ mức giá bán trong nước. Như vậy đối với các doanh nghiệp như NKG, xuất khẩu trên 60% tôn mạ thì cơ hội cải thiện hiệu quả kinh doanh là rất lớn.
Về khả năng nắm bắt cơ hội từ phòng vệ thương mại, các doanh nghiệp đang trong giai đoạn mở rộng có ưu thế hơn, theo VDSC. Cụ thể, HPG và HSG, với tốc độ tăng sản lượng lần lượt 36% và 26% trong giai đoạn 2013 - 2016 là những người tiên phong trong việc tận dụng điều kiện thị trường. Hơn nữa, các doanh nghiệp này cũng tạo nên xu hướng đầu tư vào chuỗi sản xuất theo chiều sâu để tăng tỷ suất lợi nhuận và giảm thiểu tác động của thay đổi giá nguyên liệu.
VDSC đánh giá mặt bằng giá bán thép nội địa được kỳ vọng ổn định trong nửa cuối năm 2017 nhờ tác dụng của chính sách phòng vệ thương mại đang có hiệu lực. Trong khi đó, giá thép đã tăng tương đối ổn định trong nửa đầu năm. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho kết quả kinh doanh của HPG, HSG và NKG, đặc biệt là HSG và HPG bởi sự hỗ trợ của hệ thống phân phối.
VDSC dự báo trong quý III niên độ tài chính 2016 - 2017, HSG có sự tăng trưởng 9,1% về sản lượng, 23% về doanh thu và giảm 5% LNST so với cùng kỳ do HRC tạo đỉnh tại 530 USD/tấn trong tháng 3. Khả năng LN gộp và LNST trong quý IV niên độ sẽ còn thấp hơn so với cùng kỳ nhưng tăng 16% so với quý III niên độ do ghi nhận bất thường từ việc chuyển nhượng cảng Hoa Sen - Germadept.
Về NKG, VDSC dự phóng quý II sẽ ghi nhận 3.385 tỷ đồng doanh thu và 181 tỷ đồng LNST. Trong khi doanh thu tăng 56% cùng kỳ thì LNST lại giảm 25% do năm trước lãi đột biến.
Đối với HPG, lợi nhuận quý II giảm khoảng 23% do tác động của giá đầu vào.
Cần ưu đãi xuất khẩu để xử lý 2,1 triệu tấn xỉ than từ thép lò cao
Trong khi lượng xỉ than thải loại trong quá trình luyện gang của các nhà máy thép trong nước ngày một lớn, các nhà máy ... |