Triển vọng nào cho cổ phiếu ngành than?
Công ty Cổ phần Chứng khoán BIDV (Mã: BSC) vừa công bố báo cáo phân tích ngành than Việt Nam qua những diễn biến thế giới trong 9 tháng đầu năm.
Giá than thế giới phục hồi nhưng chưa chắc chắn
Theo BSC, cách đây 1 năm,cả 3 gã khổng lồ của thị trường khoáng sản là BHP Billiton (NYSE: BHP), RIO Tinto (NYSE: RIO) và Glencore (OTCPK: GLNCY) đều coi than là nhóm tài sản yếu nhất của mình. Tuy nhiên, chỉ số Market Vectors-Coal ETF (NYSEARCA:KOL) đã tăng trưởng tới 110% trong năm 2016.
BSC cho biết chỉ trong hơn 3 tháng qua, giá than thế giới liên tục tăng trưởng – đạt mức tăng 112% trong vòng 1 năm, và đưa giá than từ vùng đáy của nhiều năm về gần với mức giá của 2012.
Biến động giá than thế giới 2009 - 2016. |
Nguyên nhân chủ yếu là do chính sách hạn chế mở của lò than của Trung Quốc khiến nhu cầu nhập khẩu phục vụ công nghiệp của nước này tăng mạnh. Ngoài ra, những cam kết phát triển ngành than của Tân Tổng thống Mỹ cũng đem lại triển vọng cho giá thế giới. Ngay sau ngày có kết quả bầu cử, giá than đã có phiên tăng mạnh gần 20% trong ngày 10/11.
Tuy nhiên, BSC cho rằng giá than vẫn sẽ phụ thuộc vào động thái của các quốc gia có sản lượng tiêu thụ lớn như Trung Quốc, Ấn Độ…và bỏ ngỏ chuyện giá than sẽ phục hồi bền vững.
BSC dự báo, cung về than của kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục thiếu hụt nghiêm trọng trong những năm sắp tới. Việt Nam từ vị thế là quốc gia xuất khẩu than lớn với quy mô trên 25 triệu tấn năm 2009, đã chuyển sang nhập khẩu hơn 10 triệu tấn than chỉ trong năm nay.
Nguồn: Tổng cục hải quan, BSC Reasearch |
Cụ thể, 9 tháng đầu năm,giá trị nhập khẩu than đá tăng mạnh 82,1% trị giá 655 triệu USD; trong đó, nguồn nhập khẩu chủ yếu đến từ Australia, Nga và Trung Quốc. Nhu cầu tiêu thụ than phần lớn đến từ các nhà máy nhiệt điện, các nhà sản xuất công nghiệp thuộc các ngành xi măng, hoá chất, phân bón, luyện kim…
Bộ Công Thương cũng đã ước tính nhu cầu nhập khẩu than của Việt Nam năm 2030 sẽ lên đến 135 triệu tấn.
Cơ hội nào cho cổ phiếu ngành than?
Thực tế, hoạt động của các công ty Việt Nam không giống như các doanh nghiệp than thế giới có quyền của chủ mỏ. Các công ty than Việt Nam phần lớn hoạt động khai thác theo kế hoạch và theo định mức được giao từ Công ty mẹ Vinacomin.
Theo BSC, khi giá than tăng, lượng tồn kho lớn sẽ có lợi cho công ty mẹ, qua đó giảm áp lực cho các công ty con. Các công ty con hưởng định mức lãi theo kế hoạch và theo quy mô doanh thu (khoảng 3%/doanh thu). Xét về hiệu quả kinh doanh, các công ty con sẽ chỉ được lợi khi quy mô doanh thu tăng trưởng hoặc do chủ động tiết kiệm chi phí và nâng cao năng suất, trong đó chi phí lớn nhất của các công ty trong ngành thường là khấu hao, nhân công, và lãi vay.
Tuy nhiên, khi nhìn lại chỉ số các cổ phiếu than, dễ dàng nhận thấy đa số các công ty sau thời gian dài giá cổ phiếu sụt giảm nhanh hơn giá than, đã bắt đầu về mức độ hợp lý. Định giá có chiết khấu so với sổ sách và mức chi trả cổ tức kế hoạch bắt đầu hấp dẫn so với lãi suất ngân hàng.
BSC cho rằng khó có thể đánh giá liệu xu hướng giá than tăng sẽ tiếp diễn bao lâu, nhưng các yếu tổ hiện tại cũng đã đủ đề nhà đầu tư nghiêm túc nhìn lại cơ hội trong nhóm cổ phiếu than. Từ đó lựa chọn các cổ phiếu có định giá hấp dẫn, tỷ lệ cổ tức cao, doanh thu lớn, trữ lượng tốt và thanh khoản đảm bảo.
Trong phiên giao dịch sáng ngày 11/11 chứng kiến cổ phiếu ngành than như: cổ phiếu của Công ty Cổ phần Than Hà Tu (HNX: THT), Than Núi Béo (HNX: NBC), Than Đèo Nai (HNX: TDN), Than Cọc Sáu (HNX: TC6) hay Than Cao sơn (HNX: TCS)…đồng loạt ghi nhận tăng trần.
Biểu giá một số cổ phiếu ngành Than trên TTCK |