Triển vọng năm 2020 của ngành quản lý quỹ Việt Nam
Từ các cuộc khủng hoảng của thị trường chứng khoán các nước trên thế giới như Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, bài học cho thấy tầm quan trọng của các nhà đầu tư tổ chức đối với thị trường tài chính nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng.
Sự suy giảm của thị trường chứng khoán có một phần lớn nguyên nhân từ việc đầu tư mang tính phong trào của số đông các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ với kiến thức hạn chế về kinh tế, tài chính.
Ở các thị trường chứng khoán phát triển, quỹ đầu tư chứng khoán là một nhà đầu tư tổ chức giữ vai trò quan trọng. Khái niệm quỹ đầu tư chứng khoán không mới trên thế giới nhưng trên thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn là tương đối xa lạ và là công cụ đầu tư ít được các nhà đầu tư nhỏ lẻ quan tâm.
Quỹ đầu tư chứng khoán là quỹ hình thành từ vốn góp của nhà đầu tư với mục đích kiếm lợi nhuận từ việc đầu tư vào chứng khoán hoặc các dạng tài sản đầu tư khác, kể cả bất động sản; trong đó việc ra quyết định đầu tư của quỹ sẽ do công ty quản lý quỹ thực hiện.
Từ năm 2006 - 2010, sau khi Luật Chứng khoán ban hành, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực quỹ đầu tư được ban hành nhằm đảm bảo hình thành hệ thống các công ty quản lý quỹ và nâng dần các điều kiện tiêu chuẩn đối với việc thành lập công ty quản lý quỹ nhằm sàng lọc, lựa chọn ra các công ty quản lý quỹ chuyên nghiệp, uy tín; phát triển các sản phẩm như quỹ đóng, quỹ thành viên nhằm hỗ trợ hoạt động cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thu hút vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài.
Từ năm 2011 đến nay, sau khi Luật Chứng khoán sửa đổi ban hành. Đây là giai đoạn tập trung hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực quỹ đầu tư với việc đa dạng hóa các loại hình sản phẩm quỹ đầu tư nhằm đảm bảo thực hiện 2 mục tiêu lớn là: Tái cấu trúc các công ty quản lý quỹ phù hợp với nhu cầu, đặc điểm và quy mô phát triển thị trường chứng khoán, củng cố hoạt động, nâng cao năng lực quản trị công ty theo hướng hoạt động minh bạch, công khai và theo thông lệ quốc tế; Tái cấu trúc nhà đầu tư, tập trung phát triển nhà đầu tư tổ chức, thu hút vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài trung và dài hạn, nhằm tạo nguồn cầu ổn định, bảo đảm sự phát triển của thị trường chứng khoán và các thị trường khác như: thị trường bất động sản, quản lý nợ xấu, quản lý dòng luân chuyển vốn quốc tế.
Điểm nổi bật của chính sách trong giai đoạn này là sự ra đời của văn bản hướng dẫn thành lập và hoạt động hai loại hình quỹ mới với nhiều ưu điểm, bao gồm: quỹ mở và quỹ ETF.
Quỹ mở là sản phẩm nền tảng của thị trường chứng khoán, mà dựa vào đó thành viên thị trường sẽ phát triển lớp các sản phẩm khác nhau vận hành trên cơ chế giao dịch quỹ mở, điển hình như quỹ ETF, các chương trình và quỹ hưu trí tự nguyện. Bản thân các sản phẩm quỹ mở cũng rất đa dạng, phong phú và dễ thiết kế sao cho phù hợp với từng đối tượng nhà đầu tư mà quỹ dự kiến hướng tới.
Quỹ ETF là loại hình quỹ bậc cao, do được thừa hưởng những đặc tính tốt nhất của cả quỹ mở và quỹ đóng, đồng thời loại bỏ những hạn chế của hai quỹ này. Tính minh bạch của loại hình quỹ này cao hơn do danh mục chứng khoán cơ cấu của quỹ ETF được công bố hàng ngày; phù hợp với nhiều loại hình nhà đầu tư, cá nhân và tổ chức.
Chứng chỉ quỹ ETF có tính thanh khoản cao, do được niêm yết và giao dịch hàng ngày trên sở giao dịch chứng khoán. Chứng chỉ quỹ ETF là công cụ đầu tư ít rủi ro do danh mục đầu tư của quỹ được đa dạng hóa. Chi phí quản lý quỹ thấp hơn nhiều so với quỹ đóng, quỹ mở truyền thống do quỹ ETF là loại hình quỹ thụ động, quản lý theo danh mục chỉ số đã được xác định sẵn.
Các văn bản hướng dẫn thi hành liên quan đến lĩnh vực quản lý quỹ đã được xây dựng theo hướng chuẩn hóa dần các quy định theo thông lệ quốc tế và đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Các thông tư hướng dẫn trong lĩnh vực quản lý quỹ đầu tư chứng khoán về cơ bản được ban hành đầy đủ, có nội dung rõ ràng, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội và thống nhất với các văn bản pháp luật có liên quan, phù hợp thông lệ quốc tế, đáp ứng hầu hết các chuẩn mực đánh giá thị trường chứng khoán của IOSCO (FSAP), được đánh giá là đã thực thi phần lớn các chuẩn mực liên quan đến quỹ đầu tư chứng khoán (BI) và hoàn toàn tuân thủ các cam kết quốc tế mà Việt Nam gia nhập.
Các bước phát triển
Ngành quản lý quỹ tại Việt Nam bắt đầu hình thành kể từ tháng 7/2003 với sự ra đời của Công ty liên doanh Quản lý quỹ đầu tư Việt Nam, đánh dấu sự ra đời của một loại hình tổ chức kinh doanh chứng khoán mới trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Số lượng các công ty quản lý quỹ đã liên tục phát triển nhanh từ năm 2003 có 1 công ty quản lý quỹ đến năm 2008 có 44 công ty quản lý quỹ.
Cùng với sự ra đời của công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán đầu tiên, ngày 20/5/2004, Quỹ VF1 - quỹ đầu tư chứng khoán đại chúng dạng đóng đầu tiên tại Việt Nam được cấp giấy phép thành lập và được niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM (HOSE) vào ngày 22/9/2004. Quỹ VF1 huy động vốn từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước với quy mô vốn ban đầu là 300 tỷ đồng.
Ngày 12/3/2006, Quỹ VIF, quỹ thành viên đầu tiên được cấp phép thành lập và hoạt động với tổng số 22 thành viên là các tổ chức trong và ngoài nước. Vốn điều lệ tối đa được phép huy động theo giấy phép là 1.600 tỷ đồng.
Ngày 13/3/2013, quỹ mở đầu tiên được cấp Giấy chứng nhận đăng ký lập quỹ số 01/GCN-UBCK - Quỹ đầu tư trái phiếu MB Capital Việt Nam. Sau đó các quỹ đóng cũng lần lượt chuyển đổi mô hình hoạt động sang quỹ mở, phù hợp với xu hướng phát triển quỹ đầu tư của các nước trên thế giới.
Ngày 18/9/2014, Quỹ hoán đổi danh mục (ETF) đầu tiên - Quỹ ETF VFMVN30 được cấp Giấy chứng nhận thành lập và được niêm yết trên HoSE.
Ngày 29/6/2016, Quỹ bất động sản (REIT) đầu tiên được cấp giấy phép thành lập. Đối với nhà đầu tư, việc tham gia đầu tư vào quỹ đầu tư bất động sản cho phép đa dạng hóa danh mục đầu tư, các tài sản được quản lý chuyên nghiệp hơn và quan trọng hơn là giảm thiểu các xung đột lợi ích giữa nhà đầu tư và nhà quản lý bất động sản.
Nếu như tháng 3/2013, trên thị trường chỉ có 1 quỹ mở thì đến nay, đã có 20 quỹ mở (bao gồm cả quỹ ETF) với tổng tài sản đầu tư ước tính là 3.000 tỷ đồng. Cùng với đó, hoạt động của các công ty quản lý quỹ đã chuyên nghiệp hơn, nâng cao về an toàn tài chính, quản trị công ty.
Sau 12 năm hình thành và phát triển, trên thị trường đã có 30 quỹ đầu tư chứng khoán (số lượng quỹ đại chúng chiếm 73%), bao gồm 1 quỹ đóng, 8 quỹ thành viên, 18 quỹ mở, 2 quỹ ETF và 1 quỹ bất động sản, tính đến 30/9/2016, tổng giá trị tài sản quản lý lên tới 7.171 tỷ đồng. Hầu hết các quỹ đều có mức tăng trưởng NAV (giá trị tài sản ròng) khá ổn định. Trong 9 tháng đầu năm 2016, tổng NAV của các quỹ tăng khoảng 2,6%.
Triển vọng năm 2020
Thực hiện Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 252/QĐ-TTg, mục tiêu phát triển của ngành quỹ đến năm 2020 là đa dạng hóa sản phẩm quỹ đầu tư chứng khoán; tăng quy mô và chất lượng hoạt động của các quỹ đầu tư; đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, khuyến khích nhà đầu tư tổ chức, các quỹ đầu tư chứng khoán đầu tư vào thị trường chứng khoán, phát triển nguồn vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế.
Trong thời gian tới, ngành quỹ Việt Nam sẽ có những bước phát triển mới, với sự ra đời của quỹ bất động sản (REITS), công ty đầu tư chứng khoán (loại hình quỹ đầu tư có tư cách pháp nhân) và quỹ hưu trí tự nguyện. Như vậy, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ có đầy đủ các loại hình quỹ đầu tư chứng khoán, đáp ứng mục tiêu về đa dạng hóa sản phẩm quỹ đầu tư.
Qua tìm hiểu về tình hình quỹ mở tại các thị trường chứng khoán phát triển có thể thấy, số lượng quỹ mở tại các thị trường này là rất lớn, cụ thể: Hồng Kông có 2.183 quỹ mở trong tổng số 2.751 quỹ trên thị trường, Malaysia có 629 quỹ, Singapore có hơn 1.300 quỹ… Cùng với sự tiến triển mang tính quy luật đã được ghi nhận tại các thị trường quốc tế và những điều chỉnh kịp thời về chính sách khuyến khích sự phát triển của mô hình quỹ này, có thể tin tưởng vào sự tăng trưởng về quy mô và chất lượng hoạt động của hệ thống các quỹ mở trong tương lai.
Năm 2016, Chính phủ ban hành Nghị định 88/2016/NĐ-CP về chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện, tạo hành lang pháp lý cho sự ra đời và hoạt động của quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện. Sự ra đời của các quỹ hưu trí tự nguyện hoạt động theo cơ chế quỹ mở sẽ có những tác động vĩ mô, tạo ra kênh dẫn vốn ổn định, hiệu quả đối với trái phiếu Chính phủ, hỗ trợ ngân sách nhà nước huy động vốn đầu tư cho các dự án, mục tiêu kinh tế xã hội dài hạn.
Quỹ hưu trí tự nguyện cho phép các thành viên tham gia kiểm soát được mức hưởng trong tương lai; linh hoạt trong việc lựa chọn quỹ có hiệu quả hoạt động đầu tư tốt để tham gia, mà không phụ thuộc vào nơi thành viên làm việc (người sử dụng lao động); và yên tâm tham gia khi mà các quỹ được quản lý và giám sát chặt chẽ bởi các ngân hàng giám sát, chế độ công bố thông tin định kỳ về danh mục đầu tư và hiệu quả hoạt động…
Có thể thấy rằng, các bước phát triển của ngành quỹ tại Việt Nam diễn ra phù hợp với xu hướng phát triển của quốc tế. Triển vọng phát triển của ngành quỹ không chỉ có ý nghĩa cho thị trường chứng khoán, mà còn mang nhiều ý nghĩa cho những lĩnh vực kinh tế xã hội khác, đáng để kỳ vọng.
(Bài viết được đăng tải trên Đặc san 20 năm ngành chứng khoán của Báo Đầu tư, xuất bản tháng 11 năm 2016)