Trí tuệ nhân tạo sẽ đặt ra những câu hỏi hóc búa cho nhân loại
Trang mạng National Tribune đăng bài viết của tác giả Yingying Lu - chuyên gia nghiên cứu tại Trung tâm phân tích kinh tế vĩ mô ứng dụng, Trường chính sách công Crawford thuộc Đại học Quốc gia Australia (ANU) về khả năng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) làm gia tăng bất bình đẳng và đặt ra những câu hỏi hóc búa cho nhân loại.
Ngày 30/11/2022, công ty công nghệ trí tuệ nhân tạo OpenAI (Mỹ) đã ra mắt ứng dụng công cụ trò chuyện (chatbox) mang tên ChatGTP, và từ đó thế hệ AI mới nhất được phổ biến rộng rãi. Vài tháng sau, Chính phủ Italy cấm ChatGTP vì lo ngại về quyền riêng tư, trong khi những người có ảnh hưởng trong giới công nghệ kêu gọi tạm dừng phát triển AI. Thậm chí các nhà nghiên cứu nổi tiếng cho rằng nên chuẩn bị tấn công vào các trung tâm dữ liệu liên quan đến công nghệ AI tiêu cực.
Việc triển khai AI một cách vội vàng và những tác động tiềm ẩn của công nghệ này đối với xã hội loài người và nền kinh tế đang được thế giới đặc biệt quan tâm chú ý.
AI mang lại ý nghĩa gì đối với năng suất và tăng trưởng kinh tế? Liệu công nghệ này có mở ra một thời đại tự động hóa hiện đại cho tất cả mọi người hay chỉ đơn giản là làm gia tăng trình trạng bất bình đẳng hiện nay? Và AI có ý nghĩa gì đối với vai trò của con người?
Các nhà kinh tế đã nghiên cứu những câu hỏi trên trong nhiều năm. Tác giả bài viết và đồng nghiệp đã tiến hành cuộc khảo sát đánh giá AI dưới góc độ kinh tế vào năm 2021 và nhận thấy rằng còn rất lâu họ mới tìm ra được câu trả lời rõ ràng.
Bức tranh kinh tế lớn
Trong khoảng nửa thế kỷ qua, người lao động trên khắp thế giới chỉ nhận được một phần nhỏ trong tổng thu nhập của cả nền kinh tế. Trong cùng thời gian trên, tăng trưởng về năng suất (số lượng sản phẩm được sản xuất ra so với lượng đầu vào nhất định như lao động và nguyên vật liệu) đã chững lại. Giai đoạn này cũng chứng kiến những bước phát triển vượt bậc trong việc phát minh và ứng dụng công nghệ thông tin và tự động hóa.
Một công nghệ tốt được cho là sẽ giúp tăng năng suất lao động. Sự thất bại rõ ràng của cuộc cách mạng máy tính trong việc mang lại những lợi ích về năng suất là một câu đố mà các nhà kinh tế học gọi là Solow Computer Paradox (Nghịch lý Solow).
Liệu trí tuệ nhân tạo có giúp năng suất toàn cầu thoát khỏi sự sụt giảm kéo dài? Và nếu đúng như vậy, ai sẽ gặt hái lợi ích? Nhiều người tò mò về những câu hỏi trên.
Trong khi các công ty tư vấn thường coi AI là “liều thuốc chữa bách bệnh” cho nền kinh tế, thì các nhà hoạch định chính sách lại quan tâm nhiều hơn đến khả năng người lao động mất việc làm. Cũng không có gì đáng ngạc nhiên khi các nhà kinh tế đang có một cái nhìn thận trọng hơn về vấn đề này.
Thay đổi triệt để và nhanh chóng
Có lẽ nguyên nhân lớn nhất dẫn đến sự thận trọng trên là do chưa có gì đảm bảo về quỹ đạo tương lai của công nghệ AI.
So với các bước nhảy vọt về công nghệ trước đây - chẳng hạn như đường sắt, giao thông cơ giới và gần đây là tích hợp máy tính vào mọi khía cạnh của đời sống con người, AI có thể lan truyền nhanh hơn nhiều. Và AI có thể làm điều này với vốn đầu tư thấp hơn đáng kể.
Điều này là do ứng dụng AI phần lớn là cuộc cách mạng về phần mềm. Phần lớn cơ sở hạ tầng để sử dụng AI, chẳng hạn như thiết bị điện toán, mạng và dịch vụ đám mây, hiện nay đã sẵn có. Không như việc xây dựng một tuyến đường sắt hay lắp đặt hệ thống băng thông rộng tốn khá nhiều thời gian, người dùng có thể sử dụng ứng dụng ChatGPT và vô số phần mềm tương tự đang phát triển nhanh chóng ngay bây giờ từ chiếc điện thoại di động của mình. Việc sử dụng AI cũng tương đối rẻ, giúp giảm đáng kể các rào cản tiếp cận.
Cũng chính những yếu tố trên dẫn đến sự thiếu chắc chắn về phạm vi và lĩnh vực tác động của AI. AI dường như sẽ thay đổi hoàn toàn cách chúng ta làm việc trong nhiều lĩnh vực, từ giáo dục và quyền riêng tư cho đến cấu trúc thương mại toàn cầu. AI có thể không chỉ thay đổi các yếu tố đơn lẻ của nền kinh tế mà còn thay đổi cấu trúc rộng lớn hơn.
Mô hình hóa một cách toàn diện về sự thay đổi phức tạp và triệt để của AI sẽ là thách thức cực kỳ khó khăn và chưa ai thực hiện được. Tuy nhiên, nếu không thiết lập mô hình như vậy, các nhà kinh tế không thể đưa ra những tuyên bố rõ ràng về những tác động có thể xảy đến đối với nền kinh tế nói chung.
Gia tăng bất bình đẳng
Mặc dù các nhà kinh tế có những ý kiến khác nhau về tác động của AI, nhưng các nghiên cứu kinh tế đều nhất trí chung rằng AI sẽ làm gia tăng tình trạng bất bình đẳng. Ví dụ, AI có thể làm suy yếu các thể chế lao động, đồng thời nó cũng có khả năng làm giảm cơ sở thuế, làm suy yếu khả năng tái phân phối của chính phủ.
Hầu hết các nghiên cứu thực nghiệm đều nhận thấy công nghệ AI nói chung sẽ không làm gia tăng tỷ lệ thất nghiệp. Tuy nhiên, công nghệ này có khả năng làm giảm thu nhập tương đối của người lao động có tay nghề thấp, làm gia tăng bất bình đẳng trong xã hội.
Hơn nữa, sự tăng trưởng năng suất nhờ AI dẫn đến việc phân bổ lại việc làm và tái cấu trúc thương mại, dẫn đến xu hướng làm gia tăng bất bình đẳng trong một quốc gia và giữa quốc gia này với quốc gia khác.
Do đó, việc kiểm soát tốc độ ứng dụng công nghệ AI sẽ làm chậm lại tốc độ tái cơ cấu kinh tế và xã hội. Các quốc gia có một khoảng thời gian dài hơn để điều chỉnh khoảng cách giữa những người bị thiệt hại và những người được hưởng lợi. Trước sự xuất hiện ngày càng nhiều người máy và AI, chính phủ các nước có thể giảm bớt bất bình đẳng thu nhập và các tác động tiêu cực bằng những chính sách bình đẳng về cơ hội.
Vai trò của con người trong nền kinh tế
Nhà kinh tế học nổi tiếng Jeffrey Sachs từng nói: “Những gì con người có thể làm trong thời đại AI chỉ là ‘sống như con người’, vì đây là điều mà người máy hay AI không thể làm được”. Trong mô hình kinh tế truyền thống, con người thường đồng nghĩa với từ “lao động”, đồng thời cũng là một tác nhân tối ưu hóa nền kinh tế. Nếu máy móc không chỉ có thể thay thế cho sức lao động mà còn có thể đưa ra quyết định và thậm chí tạo ra ý tưởng, thì công việc gì còn lại cho con người?
Sự trỗi dậy của AI thách thức các nhà kinh tế sắp xếp lại sự hiện diện một cách phức tạp của con người trong nền kinh tế. Như nhà kinh tế học người Mỹ David Parkes và Michael Wellman đã nhấn mạnh, thế giới các tác nhân AI thực sự có thể hành xử như một học thuyết kinh tế hơn là một thế giới con người. So với con người, AI “tôn trọng các giả định được lý tưởng hóa mang tính lý trí tốt hơn so với con người, tương tác thông qua các quy tắc mới và hệ thống kích hoạt hoàn toàn khác biệt với những quy tắc của con người”.
Quan trọng hơn, việc đưa ra một khái niệm rõ hơn rằng thế nào là “con người” trong lĩnh vực kinh tế cũng sẽ giúp chúng ta suy nghĩ về những đặc điểm mới mà AI đem lại cho nền kinh tế.
AI sẽ mang lại cho chúng ta một công nghệ sản xuất mới cơ bản hay nó sẽ sửa đổi các công nghệ sản xuất hiện có? AI chỉ đơn giản là một sự thay thế cho nguồn nhân lực, hay nó là một tác nhân kinh tế độc lập trong hệ thống kinh tế?
Trả lời những câu hỏi trên đặc biệt quan trọng đối với các nhà kinh tế. Đồng thời, giải đáp được những câu hỏi trên sẽ giúp chúng ta hiểu thế giới sẽ thay đổi như thế nào trong những năm tới.