|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Trì hoãn thu phí không dừng: Trách nhiệm của Bộ GTVT ở đâu?

07:13 | 06/03/2019
Chia sẻ
Vấn đề minh bạch các Trạm thu phí BOT đang trở nên nóng hơn bao giờ hết. Đặc biệt, việc triển khai thu phí tự động không dừng (ETC) nhằm minh bạch hoạt động thu phí BOT diễn ra rất chậm. Tiền Phong trao đổi với Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ về những trách nhiệm liên quan của Bộ này.
Trì hoãn thu phí không dừng: Trách nhiệm của Bộ GTVT ở đâu?  - Ảnh 1.

Minh bạch doanh thu thực tế tại các trạm thu phí là yêu cầu bức thiết của người dân và xã hội Ảnh: PT

Trì hoãn thu phí không dừng: Trách nhiệm của Bộ GTVT ở đâu?  - Ảnh 2.

Thứ trưởng GTVT Lê Đình Thọ

Phầm mềm mới giám sát gian lận BOT

Ông đánh giá thế nào về những bất cập trong hình thức thu phí đường bộ thủ công hiện nay? Có hay không việc các đơn vị thu phí, nhà đầu tư BOT giao thông tìm cách giấu doanh thu thực tế, thưa ông?

Qua thực tế triển khai cho thấy, hình thức thu phí thủ công (thu phí 1 dừng) hiện bộc lộ một số bất cập như: Tốc độ xử lý thu phí khi các xe qua trạm chậm, có thể gây ùn tắc, mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường tại các trạm thu phí; Chưa áp dụng được công nghệ hiện đại để giám sát công tác thu phí nhằm tăng cường công khai, minh bạch hoạt động thu phí; phải duy trì một lực lượng lao động lớn để vận hành hệ thống thu phí; chi phí đầu tư hệ thống hạ tầng, thiết bị tại trạm thu phí khá lớn.

Hiện, việc thu phí tại các trạm BOT có sự tham gia giám sát của 4 cơ quan (ngân hàng, nhà đầu tư, cơ quan thuế và cơ quan nhà nước có thẩm quyền). Bộ GTVT xác định việc kiểm tra, quản lý hoạt động thu phí là một trong những chức năng, nhiệm vụ quan trọng trong quá trình vận hành, khai thác dự án đầu tư theo hình thức BOT. Do vậy, Bộ GTVT đã giao cho Tổng cục Đường bộ kiểm tra, giám sát việc tổ chức và doanh thu thu phí như: Theo dõi, kiểm tra doanh thu thu phí; công tác tổ chức thu phí; có biện pháp chống thất thoát doanh thu.

Tổng cục Đường bộ thường xuyên thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát việc thu phí tại nhiều trạm BOT. Tuy nhiên, đến nay chưa phát hiện ra hành vi gian lận, che giấu doanh thu thu phí tại các trạm BOT.

Ngoài ra, Tổng cục Đường bộ cũng đấu thầu và lựa chọn VNPT cung cấp hệ thống giám sát độc lập các trạm thu phí. Theo đó, mỗi xe ô tô qua trạm thu phí sau 3 giây sẽ được truyền thẳng về máy chủ của Tổng cục Đường bộ. Qua dữ liệu này, Tổng cục Đường bộ sẽ kiểm soát được lưu lượng phương tiện, chủng loại phương tiện qua trạm thu phí hàng ngày, thậm chí từng phút. Dự kiến, sau khi thí điểm tại 2-3 trạm thu phí trong thời gian 3-6 tháng sẽ triển khai rộng rãi trên toàn quốc. Hệ thống này, ngoài Tổng cục Đường bộ tiếp cận được dữ liệu còn có thể chia sẻ với cơ quan thuế, các ngân hàng cho vay vốn, các nhà đầu tư để cùng giám sát.

Thu phí tự động không dừng chỉ là 1 yếu tố trong các biện pháp để công khai, minh bạch hoạt động thu phí, nhưng không phải qua thu phí tự động đã đủ công khai. Điều quan trọng phải kết hợp các giải pháp khác, trong đó có hệ thống giám sát độc lập Tổng cục Đường bộ đang triển khai kể trên. 

Ông nói chưa phát hiện gian lận, vậy vụ khởi tố, tạm giam một số cá nhân thực hiện gian lận doanh thu tại Trạm thu phí cao tốc TPHCM-Trung Lương mới đây thì sao?

Trạm thu phí cao tốc TPHCM-Trung Lương do Cty Yên Khánh dùng phần mềm riêng, gian lận và cán bộ có trách nhiệm bị xử lý. Trước đây, phần mềm tại các trạm thu phí do đơn vị thu phí xây dựng, vận hành, nên còn có thể xảy ra gian lận. Tuy nhiên, hiện Bộ GTVT đã quy định các trạm thu phí dù sử dụng phần mềm gì, cũng phải theo tiêu chuẩn, quy chuẩn do Bộ GTVT ban hành và phải được Tổng cục Đường bộ chấp thuận. 

Vừa qua, Bộ GTVT đã chỉ đạo Tổng cục Đường bộ thực hiện công tác thanh kiểm tra đột xuất một số trạm thu phí (không chỉ trạm Dầu Giây của VEC). Các đoàn thanh kiểm tra này có nhiều thành phần, không chỉ riêng lực lượng của Tổng cục Đường bộ.

Bộ GTVT hiểu rất rõ tình hình thu phí đường bộ hiện nay và sự quan tâm của người dân, dư luận. Chúng tôi luôn cầu thị, lắng nghe các ý kiến góp ý của người dân, doanh nghiệp, các bên liên quan; đồng thời quyết liệt, cố gắng bằng nhiều giải pháp để đảm bảo công khai, minh bạch hoạt động và doanh thu tại các trạm thu phí. 

Bộ quản lý kém hay nhà đầu tư bất chấp?

Thu phí tự động không dừng (ETC) được xem là một trong những giải pháp để minh bạch hoạt động thu phí, nhưng tới nay, việc này chậm so với kế hoạch của Thủ tướng giao. Đây có phải do nhà đầu tư BOT chống lệnh hay do năng lực quản lý nhà nước kém, thưa ông?

Theo chỉ đạo của Thủ tướng đến 31/12/2019, toàn bộ các trạm thu phí đường bộ phải triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng, đến thời điểm này cơ bản các trạm trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên đã triển khai vận hành hệ thống thu phí tự động không dừng (26 trạm). Trong thời gian qua, việc triển khai dự án thu phí tự động vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra về số lượng phương tiện tham gia dịch vụ còn hạn chế; các chủ thể tham gia còn bỡ ngỡ do hệ thống thu phí tự động không dừng áp dụng công nghệ mới, đầu tư theo hình thức PPP phức tạp; liên quan đến lợi ích của nhiều chủ thể (nhà đầu tư BOT, nhà cung cấp dịch vụ ETC, các ngân hàng, người sử dụng đường bộ) nên mất khá nhiều thời gian để có sự đồng thuận của tất cả các bên.

"Việc sớm triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng để tăng cường công khai, minh bạch trong công tác thu phí tại các trạm thu phí BOT đang được Quốc hội, Chính phủ và xã hội rất quan tâm. Do vậy, với vai trò cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực giao thông vận tải, Bộ GTVT có trách nhiệm phải triển khai hệ thống thu phí không dừng trên toàn quốc đáp ứng tiến độ yêu cầu theo chỉ đạo của Chính phủ. Trong thời gian tới, tôi sẽ tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện, đảm bảo tiến độ"
Thứ trưởng GTVT Lê Đình Thọ

Bộ GTVT đã tích cực triển khai, tuyên truyền, đàm phán với các nhà đầu tư BOT, các ngân hàng cung cấp tín dụng và bước đầu các bên đã có nhận thức chung, thống nhất chủ trương để triển khai thực hiện dự án, trong đó sự đồng thuận của các nhà đầu tư BOT.

Tới đây, Bộ GTVT sẽ tích cực chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan tập trung thực hiện, đảm bảo lắp đặt, vận hành toàn bộ các trạm thu phí đường bộ trong năm 2019 theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Tại sao Bộ GTVT lại ký Hợp đồng BOO1 chỉ với 1 nhà đầu tư (VETC)? Phải chăng muốn tạo độc quyền cung cấp dịch vụ thu phí tự động, khiến các nhà đầu tư BOT giao thông, ngân hàng không đồng thuận?

Theo Quyết định số 07/2017/QĐ-TTg, để triển khai hệ thống thu phí tự động, Thủ tướng giao các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức lập dự án đầu tư hệ thống thu phí tự động không dừng, lựa chọn các nhà đầu tư (nhà cung cấp dịch vụ) để thực hiện theo quy định.

Hệ thống trạm thu phí trên các tuyến quốc lộ và cao tốc do Bộ chia làm 2 dự án (BOO1 và BOO2) để thực hiện. Đối với dự án BOO1, Bộ GTVT tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư tuân thủ đúng trình tự theo quy định pháp luật như đăng danh mục kêu gọi đầu tư. Trong thời gian đăng danh mục kêu gọi chỉ có 1 nhà đầu tư Liên danh Tasco-VETC (VETC) đăng ký thực hiện. Bộ đã lựa chọn liên danh này đầu tư dự án. Đối với dự án BOO2, hiện nay Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã hoàn thành công tác sơ tuyển (có 4 nhà đầu tư qua sơ tuyển), đang tổ chức đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà đầu tư. 

Ngoài ra, trong thời gian đầu mới triển khai dự án, như tôi đã đề cập ở trên do hệ thống thu phí tự động không dừng áp dụng công nghệ mới, đầu tư theo hình thức PPP phức tạp, liên quan đến lợi ích của nhiều chủ thể (nhà đầu tư BOT, nhà cung cấp dịch vụ ETC, các ngân hàng, người sử dụng đường bộ) nên để triển khai hệ thống cần có sự đồng thuận của tất cả các chủ thể, mất nhiều thời gian. Đến thời điểm này, cơ bản các nhà đầu tư BOT và các ngân hàng cung cấp tín dụng đã đồng thuận, ủng hộ chủ trương triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng.

Trách nhiệm thuộc về Bộ GTVT

Đơn vị thu phí tự động (VETC) nói hệ thống ngân hàng xử lý chậm nên không liên thông được với hệ thống thu phí tự động, chủ xe phải nộp tiền trước vào tài khoản giao thông mới sử dụng được dịch vụ. Phía ngân hàng cho rằng, lý do này chỉ là ngụy biện, công nghệ có thể xử lý được. Điều này khiến chủ xe không hào hứng sử dụng thu phí tự động. Ông có thấy điều bất hợp lý này?

Trước hết, tôi đồng ý với chủ trương phải liên thông tài khoản giao thông và tài khoản cá nhân của chủ phương tiện. Công nghệ này đã được áp dụng tại nhiều nước trên thế giới như tại Đài Loan. Đây là một trong những giải pháp quan trọng để tạo sự thuận lợi cho người sử dụng dịch vụ, góp phần tăng số lượng người tham gia dịch vụ thu phí không dừng, phát huy tối đa hiệu quả của hệ thống.

Để thực hiện giải pháp liên thông này, Bộ GTVT đã cùng các cơ quan đơn vị có liên quan đang tích cực làm việc với Ngân hàng nhà nước, một số ngân hàng thương mại để nghiên cứu giải pháp thực hiện việc liên thông trên. Thông qua quá trình làm việc, chúng tôi nhận thấy giải pháp liên thông là khả thi, hiện các bên liên quan đang hoàn thiện giải pháp.

Việc triển khai thu phí tự động chậm, với nhiều nguyên nhân, trách nhiệm của Bộ GTVT trong vấn đề này ra sao? Bộ GTVT sẽ xử lý thế nào với các cá nhân, tổ chức liên quan khiến việc triển khai thu phí tự động bị chậm? 

Việc sớm triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng để tăng cường công khai, minh bạch trong công tác thu phí tại các trạm thu phí BOT đang được Quốc hội, Chính phủ và xã hội rất quan tâm. Do vậy, với vai trò cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực giao thông vận tải, Bộ GTVT có trách nhiệm phải triển khai hệ thống thu phí không dừng trên toàn quốc đáp ứng tiến độ yêu cầu theo chỉ đạo của Chính phủ. Trong thời gian tới, tôi sẽ tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện, đảm bảo tiến độ.

Tuy nhiên, như đã đề cập ở trên, việc triển khai hệ thống còn gặp một số khó khăn vướng mắc cần được Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo, phối hợp tháo gỡ trong thời gian tới để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, cũng như tăng số lượng phương tiện tham gia dịch vụ, phát huy hiệu quả đầu tư của hệ thống như: Tháo gỡ một số cơ chế trong Quyết định số 07/2017/QĐ-TTg; các cơ chế liên quan đến liên thông, kết nối thanh toán giữa các ngân hàng; đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành các Chỉ thị chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, các địa phương nghiêm túc tham gia sử dụng dịch vụ;…

Bộ GTVT sẽ thường xuyên đôn đốc, rà soát kết quả thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan đơn vị có liên quan và trường hợp cá nhân, đơn vị nào vi phạm sẽ có các hình thức xử lý trách nhiệm theo quy định.

Thủ tướng chỉ đạo Bộ GTVT làm rõ vấn đề báo Tiền Phong phản ánh

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng vừa có văn bản gửi Bộ GTVT truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về thu phí điện tử tự động không dừng (ETC), sau loạt bài của Tiền Phong phản ánh.

Theo đó, từ ngày 13/2/2019, báo Tiền Phong đã có loạt bài phản ánh về thu phí thủ công thiếu công khai, minh bạch, khó giám sát, dễ bị đơn vị thu phí giấu doanh thu. Trong khi đó, việc triển khai thu phí tự động không dừng của Bộ GTVT chậm so với tiến độ Thủ tướng giao. Loạt bài viết đã đề cập tới nhiều lý do khiến thu phí tự động dù được ủng hộ nhưng chậm tiến độ. Trong đó có lý do đằng sau các dự án BOT giao thông là các ngân hàng tài trợ vốn, đó mới là ông chủ thực sự của dự án. Tuy nhiên, Bộ GTVT lại ký hợp đồng với 1 đơn vị duy nhất cung cấp dịch vụ thu phí tự động (Cty VETC), tài khoản của cả đơn vị thu phí tự động và tài khoản giao thông của chủ phương tiện đều chỉ duy nhất tại 1 ngân hàng. Điều này khiến các ngân hàng khác cung cấp vốn cho các dự án BOT không hào hứng với thu phí tự động.

"Về thông tin nêu trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ GTVT làm rõ và trả lời báo Tiền Phong", văn bản của Văn phòng Chính phủ nêu rõ.

Cùng ngày, liên quan hoạt động thu phí BOT đường bộ, Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ trưởng GTVT kiểm tra, làm rõ thông tin phản ánh của báo chí; có biện pháp kiểm soát chặt chẽ, đúng quy định với hoạt động thu phí tại các trạm thu phí BOT trên cả nước. Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng GTVT và chủ tịch UBND các tỉnh thành chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện nghiêm việc triển khai thu phí tự động không dừng theo Nghị quyết 437 năm 2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quyết định 07/2017 và chỉ đạo của Thủ tướng tại Chỉ thị 06 năm 2018. Đồng thời, chịu trách nhiệm trước Thủ tướng về tiến độ, lộ trình chuyển sang thu phí tự động không dừng.

HỮU VIỆT

Nhóm PV Kinh tế Xã hội