‘Trên bất kỳ chuyến bay nào cũng đều có dòng code của FPT’
“Nếu như trước đây, FPT luôn phải chủ động đi tìm đối tác, khách hàng thì nay rất nhiều khách hàng, đối tác lớn lại chủ động tìm đến Việt Nam và FPT. Đã đến lúc thế giới cần Việt Nam.
Việt Nam đang trở thành điểm đến mới của thế giới, đã vươn lên số hai thế giới về phần mềm, chỉ sau Ấn Độ”, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch FPT, nhấn mạnh trong sự kiện diễn ra ngày 11/1 tại Hoà Lạc, Hà Nội.
Theo chia sẻ, trong quá khứ FPT liên tục bắt chước Ấn Độ. Nhưng từ năm 2013, tập đoàn đã rẽ nhánh sang chuyển đổi số - công đoạn cao hơn trong chuỗi giá trị công nghệ.
Hiện, doanh thu từ dịch vụ chuyển đổi số đã chiếm gần 50% tổng doanh thu dịch vụ công nghệ thông tin cho thị trường nước ngoài của FPT. Trong đó mảng cloud chiếm 40% doanh thu, AI và phân tích dữ liệu chiếm 12%,…
“Năng lực trong những mảng công nghệ mới cũng là vũ khí để FPT cạnh tranh với các công ty cùng ngành đến từ Ấn Độ, Trung Quốc để có được những hợp đồng, khách hàng quy mô doanh số trăm triệu USD, cũng như đóng vai trò thầu chính trong các dự án lớn”, người đứng đầu tập đoàn công nghệ Việt Nam khẳng định.
Trong những lĩnh vực tiềm năng như năng lượng, dầu khí, công nghệ ô tô (automotive), FPT đã có những hợp đồng trăm triệu USD.
Năm 2023, lần đầu tiên FPT có khách hàng đạt quy mô doanh thu trên 200 triệu USD. Đây là công ty có trụ sở tại Mỹ cung cấp bộ giải pháp cho nhà phân phối ô tô, trong đó khách hàng bán hơn 5 triệu xe mỗi năm trên thị trường.
Một thập kỷ làm phần mềm trong ngành ô tô, hiện FPT đang sở hữu 4.000 kỹ sư và chuyên gia, với 150 khách hàng là những tên tuổi như: Honda, Hyundai, Volvo, VinFast, Ford, Yazaki, LG, Panasonic, NXP...
Mới đây, theo công bố của Everest Group về ACES (Automated, Connected, Electric, and Share Vehicles) đối với 26 nhà cung cấp phần mềm ô tô trên toàn cầu, FPT được định vị trong nhóm đối thủ chính cùng với những cái tên như Infosys, Tata Technologies, Cognizant, NTT DATA….
Cuối năm ngoái, FPT Automotive được thành lập tại Mỹ với tham vọng chinh phục thị trường phần mềm ô tô quy mô hàng trăm tỷ USD.
Theo ông Tạ Trần Minh, Giám đốc điều hành FPT Automotive, FPT tiến vào lĩnh vực này từ năm 2006, khi rất ít công ty Việt Nam làm phần mềm nhúng, phần mềm cho ô tô. Ban đầu, tập đoàn hợp tác với khách hàng Nhật Bản.
Đến nay, quy mô ngành tăng trưởng nhanh chóng, dự kiến đạt 116 tỷ USD vào 2032, tăng 16% trong giai đoạn 2023- 2032. Đến năm 2030 mức đầu tư trong ngành ước đạt 238 tỷ USD/năm.
Theo ông Minh, sự tăng trưởng lớn của ngành này đến từ cuộc cách mạng xe điện, xe tự hành và kết nối trong xe ô tô. Qua đó, tạo ra động lực lớn và mục tiêu sống còn của ngành như cuộc chạy đua smartphone.
"Thế giới có bài toán lớn là chống lại biến đổi khí hậu. Xe điện là lời giải khả thi nhất. Nhưng làm ra xe điện với tốc độ sạc nhanh, quãng đường di chuyển xa, đầu ra hạ tầng là bài toán khó. Những đòi hỏi này yêu cầu kỹ sư chất lượng cao.
Với xe tự hành, cách đây 10 năm nhiều người nói rằng 2020 có xe tự hành chạy đầy đường. Nhưng đến nay xe tự hành chỉ tiệm cận cấp độ 3, theo đuổi mục tiêu cấp độ 4. Vì vậy, cuộc đua xe tự hành còn dài và nhiều cơ hội cho công ty công nghệ", CEO FPT Automotive nhận định về cơ hội trong ngành.
"5 năm trở lại đây ngành này thiếu hụt nguồn lực quan trọng. Ấn Độ khát khao đội ngũ năng lực như Việt Nam nên cơ hội của FPT rất lớn. Khi phát triển chuyên ngành tỷ đô thì đây là bước đi đúng đắn. Hiện chúng tôi có 4.000 kỹ sư liên quan đến ngành và có tập khách hàng chắc chắn ở thị trường Nhật Bản", ông Minh nói thêm.
Trong khi đó với lĩnh vực hàng không, lãnh đạo FPT thừa nhận từng “không dám mơ” có ngày đứng trong top các nhà cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin cho các hãng sản xuất máy bay hàng đầu thế giới.
Trong quá khứ, FPT đã mất 5 năm để thuyết phục một công ty sản xuất máy bay hàng đầu thế giới đồng ý hợp tác triển khai dự án chuyển đổi số cho họ.
“Và hiện nay, cả hai tập đoàn đứng đầu thế giới trong lĩnh vực này đều có tên trong danh sách khách hàng của FPT. Mỗi chuyến bay trên bất kì hãng máy bay nào đều có dòng code của FPT”, phía doanh nghiệp cho hay.
Nói thêm về lĩnh vực mới này, ông Đặng Trần Phương, Phó Tổng Giám đốc FPT Software phụ trách khối châu Âu, châu Mỹ và Trung Đông chia sẻ hành trình thuyết phục một công ty sản xuất máy bay lớn nhất thế giới đồng ý hợp tác với FPT:
"Khi đến trình bày với họ tôi nói: Trong mơ cũng không nghĩ có ngày được bàn về việc lập trình cho công ty này. Nhưng sau 10 năm, mọi chuyến bay mà các anh chị ngồi đây từng bay đều có dòng code của người FPT bảo vệ cho các anh chị.
Không nhiều công ty trên thế giới có thể cung cấp dịch vụ công ngệh thông tin cho cả hai công ty sản xuất máy bay hàng đầu thế giới".
Hiện FPT đã xây dựng được nền tảng Blockchain, là nền tảng quan trọng cho hệ thống bảo mật hàng không của châu Âu.
Năm ngoái, FPT sau 25 năm thành lập, lần đầu tiên cán mốc doanh thu 1 tỷ USD từ cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin cho thị trường nước ngoài.
Hiện tại, tập đoàn tiếp tục công bố mục tiêu dài hạn của chiến lược toàn cầu là “bước lên đẳng cấp cao hơn trong nhóm doanh nghiệp dịch vụ công nghệ thông tin tỷ USD”, đạt 5 tỷ USD doanh thu dịch vụ công nghệ thông tin cho thị trường nước ngoài vào năm 2030.
Đây được đánh giá là mục tiêu đầy tham vọng của tập đoàn công nghệ Việt Nam, bởi thời gian thực hiện trong vòng 5-7 năm tới, trong khi FPT mất 25 năm để cán mốc 1 tỷ USD.
Ông Phạm Minh Tuấn, CEO FPT Software, cho biết mục tiêu tăng từ 1 tỷ USD doanh thu lên 5 tỷ USD trong vòng 7 năm tới là có cơ sở.
Thứ nhất, hiện tại thị phần FPT tại Mỹ và châu Âu đang quá thấp, dư địa còn rất lớn. Châu Âu hiện đóng góp 7% doanh thu, kỳ vọng sẽ là động lực tăng trưởng trong thời gian tới.
Thứ hai, thường các công ty công nghệ hàng đầu chỉ mạnh ở một thị trường, nhưng FPT hiện diện được cả tại Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc và châu Âu.
Thứ ba, khi nói về chuyển đổi số, ý tưởng có thể xuất phát từ Mỹ hay châu Âu nhưng việc triển khai thường diễn ra tại châu Á đầu tiên, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á.