Tranh nhau chiếc bánh béo bở giáo dục đại học Việt Nam
Ngành giáo dục Việt Nam hứa hẹn sẽ ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng với trị giá lên đến 89 tỉ USD vào năm 2026. Khi quy mô và lợi nhuận đủ lớn, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đang mạnh tay rót vốn ngàn tỉ cho các trường đại học.
Xoay chiều dòng tiền trị giá 3 tỉ USD
Cuối tháng 10.2019, trên bảng xếp hạng đại học thế giới năm 2020 của US News & World Report (Mỹ), bất ngờ xuất hiện tên 2 trường đại học quốc gia của Việt Nam: Đại học Quốc gia Hà Nội được xếp hạng 1.059 và Đại học Quốc gia TP.HCM xếp thứ 1.176.
Một trường khác của Việt Nam cũng được đánh giá là Đại học Tôn Đức Thắng, nhưng chưa có thứ hạng. Ở khu vực châu Á, Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP.HCM lần lượt đứng vị trí 275 và 322.
US News & World Report đánh giá và xếp hạng dựa trên 13 tiêu chí được lấy từ cơ sở dữ liệu khoa học do Tập đoàn Clarivate Analytics InCites cung cấp, tập trung vào uy tín và chất lượng nghiên cứu.
Chỉ đại học có tối thiểu 1.500 bài báo được xuất bản từ năm 2013-2017 mới được xem xét. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có mặt trong bảng xếp hạng danh giá này.
Theo Giáo sư Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội Đại học và Cao đẳng Việt Nam, dù còn nhiều hạn chế nhưng giáo dục đại học Việt Nam đã có nỗ lực học hỏi cách làm để cải thiện chất lượng, đạt mức tương đồng với thế giới.
Thống kê từ Hiệp hội Đại học và Cao đẳng Việt Nam cho thấy, Việt Nam hiện có 123 trường đại học, 5 trường cao đẳng đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng trong nước và 7 cơ sở giáo dục đại học đạt chất lượng kiểm định nước ngoài.
Tuy nhiên, trong số 5.000 chương trình đào tạo, đến nay chỉ có 139 chương trình được công nhận kiểm định bởi nước ngoài, 19 chương trình đạt chất lượng kiểm định trong nước.
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Lê Hoài Quốc, Chủ tịch Hội tự động hóa TP.HCM, cho biết, nếu so với quốc tế, các chương trình đào tạo đại học, cao đẳng ở Việt Nam khá lạc hậu.
Phần lớn sinh viên ra trường không đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, dẫn đến nhu cầu du học để có kiến thức hữu dụng hơn tăng cao.
Theo thống kê của TTC Edu, phụ huynh Việt Nam chi đến 47% thu nhập cho việc giáo dục con cái. Mỗi năm, người Việt chi khoảng 3 tỉ USD cho con du học, nhất là bậc phổ thông trung học và đại học, cao đẳng.
Tính đến nay, có khoảng 160.000 người Việt Nam đang du học ở nước ngoài. Làm thế nào để 3 tỉ USD ấy quay về trong nước là thách thức của các nhà đầu tư giáo dục đại học, cao đẳng trong nước.
Thời gian gần đây, cái tên Nguyễn Hoàng Group được dư luận quan tâm khi trở thành doanh nghiệp tư nhân được xem là quy mô nhất trong lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam.
Nguyễn Hoàng đang vận hành 50 cơ sở giáo dục ở 18 tỉnh, thành phố, đáp ứng nhu cầu học tập của hàng chục ngàn học viên, từ bậc mầm non tới đào tạo sau đại học.
Tính đến tháng 7.2019, 4 trường đại học thuộc Nguyễn Hoàng Group gồm Bà Rịa - Vũng Tàu, Hồng Bàng, Gia Định, Hoa Sen thu hút gần 50.000 sinh viên theo học.
Sự phát triển của Nguyễn Hoàng Group cho thấy các khoản đầu tư vào giáo dục đại học ngày càng hấp dẫn.
Trong buổi nói chuyện với NCĐT, ông Hoàng Việt, Chủ tịch Nguyễn Hoàng Group, nói về tham vọng xây những trường đại học quốc tế tại Việt Nam, để Việt Nam có thể trở thành một trung tâm đào tạo đại học quốc tế.
Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng trình độ quốc tế là chính sách quan trọng và cũng là yêu cầu bức thiết mà các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam cần quan tâm nhằm đáp ứng sự phát triển trong nước và yêu cầu hội nhập quốc tế.
Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2020, đạt tỉ lệ 450 sinh viên/10.000 dân, trong đó có 40% sinh viên ngoài công lập.
Tính đến năm 2019, Việt Nam mới có 5 trường đại học có vốn đầu tư nước ngoài, 68 trường đại học tư thục và 170 đại học công.
Song song đó, có hơn 500 chương trình liên kết với nhiều trường đại học trong top 500 thế giới. Tỉ trọng giáo dục đại học ngoài công lập hiện chỉ chiếm 7% về số trường và 6% về số lượng sinh viên.
Như vậy, 98% số trường hiện nay là công lập, với tỉ lệ trung bình cứ 1 trường tư ra đời thì có hơn 2 trường công xuất hiện.
Theo báo cáo tháng 1.2018 của Công ty luật Hogan Lovells, Việt Nam dành 20% ngân sách quốc gia tương đương 10 tỉ USD cho giáo dục.
Cùng với đà tăng trưởng kinh tế, tầng lớp trung lưu tăng lên, ngày càng có nhiều gia đình người Việt có đủ khả năng chi trả cho các hình thức giáo dục chất lượng cao.
Các con số này cho thấy nhu cầu đầu tư vào hệ thống trường đại học là rất lớn và các thương vụ đầu tư của khu vực tư nhân cũng ngày càng “khủng”.
Chẳng hạn, Nguyễn Hoàng Group đề xuất đầu tư 13.000 tỉ đồng xây thành phố giáo dục quốc tế tại Hải Phòng.
Hay tháng 8.2019, Tập đoàn FLC đã tổ chức lễ khởi công Đại học FLC tại Khu Đô thị Đại học FLC Quảng Ninh, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh với tổng vốn đầu tư gần 4.000 tỉ đồng, theo công bố từ FLC.
Năm 2018, sau khi triển khai thành công với mô hình giáo dục phổ thông liên cấp Vinschool, Tập đoàn Vingroup cũng chính thức tham gia lĩnh vực giáo dục đại học với thương hiệu Đại học VinUni (VinUni).
Việc tham gia của những “ông lớn” vào lĩnh vực giáo dục đại học một phần xuất phát từ cơ chế cởi trói cho đầu tư giáo dục tại thị trường Việt Nam.
Trước đó, muốn tham gia vào lĩnh vực này, khối doanh nghiệp tư nhân đều chọn con đường đơn giản hơn là M&A.
Đây chính là lý do năm 2018, hàng loạt những thương vụ chuyển giao sở hữu trong khối giáo dục đại học, cao đẳng... được ghi nhận.
Đình đám nhất, phải kể đến các thương vụ Nguyễn Hoàng Group như đã nói trên. Bất ngờ không kém là việc Công ty Du lịch Vietravel tuyên bố sở hữu 66% cổ phần của Trường Cao đẳng Quốc tế Kent để tiến vào lĩnh vực giáo dục.
Tại Diễn đàn Nguồn nhân lực du lịch Việt Nam 2019, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng Giám đốc Vietravel, chia sẻ mục đích đầu tư vào trường này để đào tạo nguồn nhân lực du lịch phục vụ cho Vietravel.
Cũng chính vì tiềm năng lớn từ các khoản đầu tư vào giáo dục ở Việt Nam, nên những thương vụ thâu tóm quyền chi phối các trường đại học thường được trả bằng con số khá ấn tượng.
Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Giáo dục Hutech mua lại Đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM (UEF) với giá hơn 100 tỉ đồng.
Công ty Cổ phần Phát triển Hùng Hậu (HungHau Holdings) mua lại Đại học Văn Hiến khoảng 60 tỉ đồng cùng việc sở hữu Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghệ Vạn Xuân, Trường Trung cấp Vạn Tường...
Công ty Cổ phần Vicostone (VCS) sở hữu Đại học Thành Tây. “M&A đã và sẽ là xu hướng đầu tư chính trong ngành giáo dục Việt Nam trong thời gian tới”, ông Troy Griffiths, Phó Tổng Giám đốc Savills Việt Nam, dự báo.
Đón làn sóng đầu tư mới
Theo phê duyệt mạng lưới trường đại học và cao đẳng giai đoạn năm 2006-2020 của Thủ tướng Chính phủ, mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam có từ 30-40% sinh viên học tại các cơ sở giáo dục đại học tư thục.
Thế nhưng, đến thời điểm này, số lượng sinh viên các trường đại học, cao đẳng tư thục chỉ mới chiếm khoảng 14%.
Nghĩa là khoảng trống của đại học, cao đẳng... tư nhân vẫn còn rất lớn. Theo Phó Tổng Giám đốc Savills Việt Nam, trong làn sóng đầu tư, khả năng các nhà đầu tư nước ngoài đổ vốn vào thị trường giáo dục Việt Nam là rất lớn.
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Thu Thủy, Phó Vụ Trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho biết, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học đã có nhiều quy định mới cởi trói cho các trường đại học thực hiện tự chủ, trong đó có vấn đề tài chính.
Trong làn sóng này là việc chuyển quyền sở hữu của TTC Edu từ Tập đoàn Thành Thành Công sang Navis Capital, quỹ đầu tư có trụ sở tại Kuala Lumpur đang quản lý danh mục 5 tỉ USD tập trung tại khu vực châu Á.
Năm 2013, quỹ này đã từng đầu tư vào Công ty Thủy sản Gò Đàng và hiện đầu tư vào Bệnh viện Việt Pháp (Hà Nội).
Tuy con số đầu tư không được tiết lộ cụ thể nhưng tính tới tháng 12.2018, tổng tài sản của TTC Edu đã đạt 880 tỉ đồng.
Đây là một chuỗi trường tư thục, hiện sở hữu và điều hành 17 trường học cùng trung tâm đào tạo tiếng Anh, Đại học Yersin (Lâm Đồng), Trường Cao đẳng Sonadezi (Đồng Nai), hàng loạt trường từ mầm non đến trung học phổ thông, một trung tâm đào tạo tiếng Anh, Viện Nghiên cứu và Đào tạo quốc tế...
Trước Navis, một công ty có trụ sở tại Singapore là công ty con của một quỹ đầu tư nước ngoài khác cũng đã đầu tư vào Đại học Văn Lang.
Tuy không nắm cổ phần nhiều nhất nhưng công ty này cũng sở hữu số lượng cổ phần đứng thứ 2 tại trường này.
Theo ông David Ireland, lãnh đạo của Navis Capital, lý do các quỹ đầu tư chú ý đến lĩnh vực giáo dục là vì Việt Nam có mức tăng trưởng GDP cao nhất ở Đông Nam Á với dân số trẻ, có xu hướng chi tiêu cao cho giáo dục.
Sự kết hợp của việc dân số Việt Nam tăng trưởng cao, tầng lớp trung lưu đang nổi lên nhanh chóng và nền kinh tế đang mở rộng đã thúc đẩy nhu cầu về chất lượng giáo dục tốt hơn.
Theo ông Andy Ho, Giám đốc Điều hành Quỹ đầu tư VinaCapital, giáo dục là một ngành khá ổn định, không bị ảnh hưởng nhiều bởi chu kỳ kinh doanh.
Vấn đề quan trọng là nhà đầu tư đáp ứng phân khúc nào trong giáo dục và khả năng mở rộng trong tương lai ra sao.
Thống kê cho thấy FDI vào giáo dục trong giai đoạn từ tháng 8.2019 đến tháng 10.2019 đã đạt 97 triệu USD. Các hoạt động M&A, cụ thể là mua cổ phiếu trong lĩnh vực giáo dục chiếm 37% trong tổng vốn FDI giai đoạn này.
Tuy vậy, xét một cách tổng thể, giáo dục chỉ chiếm chưa đến 2% tổng vốn FDI vào Việt Nam.
Ông Troy Griffiths, Phó Tổng Giám đốc Savills Việt Nam, nhận định chi phí thuế cao, yêu cầu về nhân sự, số vốn yêu cầu tối thiếu đối với đầu tư nước ngoài, quy trình phê duyệt phức tạp là một số rào cản đáng kể đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Do vậy, các nhà đầu tư nước ngoài đang quan tâm đến chiến lược hợp tác để giảm thiểu rủi ro.
Ở khu vực châu Á, Đại học Quốc gia Hà Nội xếp vị trí 275. Ảnh: Bui Tuan
Tuy nhiên, những giới hạn trên sẽ không đủ để ngăn làn sóng đầu tư vào giáo dục của cả khối nội lẫn khối ngoại.
“Điều kiện hết sức thuận lợi như dân số dự kiến tăng lên 104 triệu năm 2030 và tâm lý dồn hết sức cho con cái học hành rất đặc trưng của người Việt thì hiếm có ngành nào được đảm bảo nhu cầu luôn tăng bền vững như giáo dục”, ông Donald Nguyễn, Giám đốc khu vực Đông Nam Á của Tổ chức giáo dục Oksidia, Phần Lan, khẳng định.
Khi có lợi nhuận, quy mô đủ lớn, những suất đầu tư hàng trăm triệu USD sẽ được nhiều nhà đầu tư săn đón.