|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Tránh 'chồng chéo' giữa hoạt động thanh tra và kiểm toán nhà nước

22:36 | 23/10/2019
Chia sẻ
Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện kế hoạch thanh tra, kế hoạch kiểm toán nếu phát hiện có sự chồng chéo, trùng lắp về đối tượng, phạm vi thanh tra, kiểm toán thì Kiểm toán Nhà nước chủ trì phối hợp với cơ quan thanh tra để xử lý.
vnppho_tong_kiem_toan_nn

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8, khóa 14 (tháng 10/2019). Mục tiêu của Dự án Luật này là góp phần hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của Kiểm toán Nhà nước, Tổng Kiểm toán Nhà nước... nhằm đáp ứng các yêu cầu quản lý tài chính công, tài sản công, góp phần vào việc phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng.

Để làm rõ hơn về nội dung và phạm vi điều chỉnh tại Dự thảo luật, Báo điện tử VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Thế Vinh, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước.

- Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước là nhằm theo sát kế hoạch bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật. Theo đó, các quy định tránh chồng chéo giữa hoạt động thanh tra, kiểm tra với hoạt động của Kiểm toán Nhà nước được bổ sung như thế nào, thưa ông?

Ông Đặng Thế Vinh: Mối quan hệ giữa Kiểm toán Nhà nước và các cơ quan thanh tra, kiểm tra là một vấn đề được các cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp và xã hội quan tâm. Trên thực tế, hoạt động của các cơ quan này đang xảy ra sự chồng chéo, trùng lắp về niên độ, nội dung, phạm vi và đối tượng. Những điều này phần nào làm ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị là đối tượng thanh tra và đơn vị được kiểm toán.

Để hạn chế những vấn đề nêu trên, Dự thảo bổ sung Điều 64a quy định về trách nhiệm phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm toán; trong đó việc xử lý trùng lắp giữa hoạt động thanh tra và Kiểm toán Nhà nước được thực hiện ngay từ khi lập Kế hoạch kiểm toán năm.

Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện kế hoạch thanh tra, kế hoạch kiểm toán nếu phát hiện có sự chồng chéo, trùng lắp về đối tượng, phạm vi thanh tra, kiểm toán thì Kiểm toán Nhà nước chủ trì phối hợp với cơ quan thanh tra để xử lý.

- Thưa ông, khái niệm “cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán” sẽ được làm rõ ra sao trong Dự án Luật sửa đổi lần này?

Ông Đặng Thế Vinh: Điều 68, Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2015 có quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán nhà nước có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin, tài liệu theo yêu cầu của Kiểm toán nhà nước. Tuy nhiên, thuật ngữ “cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán” đã không được hiểu và áp dụng thống nhất dẫn tới có trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan không chấp hành yêu cầu của Kiểm toán Nhà nước theo quy định trên, ảnh hưởng tới công tác kiểm toán.

Vì vậy, Dự thảo Luật đã bổ sung giải thích rõ hơn về khái niệm này. Điều này không phải là vấn đề mới và cũng không mở rộng phạm vi đơn vị được kiểm toán mà giải thích rõ về thuật ngữ, từ đó bảo đảm tính chặt chẽ, tránh cách hiểu, cách vận dụng khác nhau, có thể ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các đối tượng có liên quan.

Theo đó, Dự thảo đã bổ sung “cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán là các cơ quan, tổ chức, cá nhân được xác định trong quá trình kiểm toán tại đơn vị được kiểm toán là có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của đơn vị được kiểm toán.”

- Tại Dự thảo Luật, dư luận còn nhiều băn khoăn về việc bổ sung quyền truy cập dữ liệu điện tử của đơn vị được kiểm toán, cơ quan, tổ chức có liên quan và cơ sở dữ liệu quốc gia, ông có thể giải thích thêm mức độ và quyền truy cập của Kiểm toán Nhà nước được quy định như thế nào?

Ông Đặng Thế Vinh: Trong môi trường công nghệ thông tin và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư như hiện nay, nhiều thông tin tài liệu liên quan đến nội dung kiểm toán được lưu trữ dưới dạng số hóa, dữ liệu điện tử. Vì vậy, sác tài liệu này cần được khai thác phục vụ cho hoạt động kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước.

Tuy nhiên, hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, dữ liệu điện tử của đơn vị được kiểm toán và bên có liên quan đến hoạt động kiểm toán lại có rất nhiều loại thông tin khác nhau, có cả những thông tin mật, tối mật, tuyệt mật, thông tin thuộc bí mật riêng tư, bí mật nghề nghiệp…, do đó cần được phân cấp quyền truy cập phù hợp và phải quản lý, giám sát chặt chẽ.

Vì vậy, Dự thảo lần này đã quy định chỉ cho phép Kiểm toán Nhà nước truy cập dữ liệu điện tử của đơn vị được kiểm toán, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán và cơ sở dữ liệu quốc gia để khai thác, thu thập thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung kiểm toán. Và chỉ Trưởng đoàn kiểm toán mới được phép truy cập dưới sự giám sát và thống nhất về phạm vi truy cập khai thác của đơn vị được kiểm toán và tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán của đơn vị được kiểm toán hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán (Trưởng Đoàn kiểm toán có thể ủy quyền truy cập bằng văn bản theo quy định của pháp luật) đồng thời Kiểm toán Nhà nước sẽ phải chịu trách nhiệm bảo vệ bí mật, bảo mật, an toàn theo quy định của pháp luật.

- Dự thảo bổ sung cho Kiểm toán Nhà nước thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Kiểm toán Nhà nước. Xin ông cho biết tại sao phải bổ sung quy định này?

Ông Đặng Thế Vinh:  Luật Kiểm toán Nhà nước đi vào đời sống và cho thấy một số phát sinh vi phạm đến nghĩa vụ, trách nhiệm hoặc vi phạm quy định điều cấm của đơn vị được kiểm toán và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan (như trì hoãn, không cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin, tài liệu cần thiết để thực hiện việc kiểm toán, không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, kịp thời kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước…). Điều này gây khó khăn cho hoạt động kiểm toán, không đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật.

Vì vậy, để đồng bộ hệ thống pháp luật, Dự thảo đã bổ sung cho Kiểm toán Nhà nước thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán. Những quy định cụ thể về hành vi vi phạm, mức phạt, người có thẩm quyền xử phạt sẽ do Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định

- Ông có thể chia sẻ thêm những điểm mới trong Dự thảo Luật như quyền khiếu nại, khởi kiện trong hoạt động kiểm toán?

Ông Đặng Thế Vinh: Ngoài những nội dung sửa đổi, bổ sung như đã trao đổi trên, Dự thảo còn một số điểm mới rất quan trọng.

Đó là quy định bổ sung nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng (theo quy định của Luật Phòng chống tham nhũng) cho Kiểm toán Nhà nước đồng thời Tổng Kiểm toán Nhà nước có trách nhiệm quyết định và tổ chức các biện pháp cụ thể để phòng, chống tham nhũng trong nội bộ Kiểm toán Nhà nước.

Ngoài ra, dự luật cũng bổ sung thêm cả quy định khiếu nại, khởi kiện cho đơn vị được kiểm toán và cơ quan, tổ chức có liên quan. Theo đó, đối tượng này được quyền khiếu nại với Tổng Kiểm toán về hành vi của Trưởng Đoàn kiểm toán, Tổ trưởng Tổ kiểm toán và các thành viên của Đoàn kiểm toán, về các kết luận và kiến nghị trong báo cáo kiểm toán, thông báo kết luận, kiến nghị kiểm toán.

Trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của Tổng Kiểm toán Nhà nước có quyền khởi kiện tại tòa án theo theo quy định của Luật tố tụng hành chính./.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Hạnh Nguyễn

Bách Hoá Xanh lên tiếng vụ nhập hàng từ cơ sở sản xuất giá đỗ ngâm hoá chất
Bách Hoá Xanh cho biết đã lập tức thu hồi và ngưng bán toàn bộ hàng hóa của nhà cung cấp này cũng như tiến hành kiểm nghiệm lại tất cả sản phẩm giá đỗ đang cung cấp cho chuỗi.