|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Tranh cãi xung quanh dự luật cà phê quốc gia Uganda

15:14 | 20/08/2019
Chia sẻ
Dự luật cà phê quốc gia của Uganda được đề xuất 2018 tuy nhiên đến thời diểm hiện tại vẫn gây ra nhiều tranh cãi từ các bên liên quan trong ngành cà phê.
co 1

Những tranh cãi xung quanh dự luật cà phê quốc gia Uganda. Ảnh: The Observer

Liên minh các Doanh nghiệp Nông nghiệp và Trang trại Cà phê Quốc gia (NUCAFE) đã đưa ra 3 đề xuất chính về việc điều tiết và phát triển, giảm thuế và kêu gọi chính phủ Uganda cải thiện việc nghiên cứu về cà phê, theo The Observer.

Dự luật Cà phê Quốc gia Uganda được đề xuất vào năm 2018. 

Ngày 1/8/2019, NUCAFE đã đệ trình dự luật này lên Ủy ban Nghị viện về Nông nghiệp sau khi tiến hành tham vấn toàn quốc với nông dân trồng cà phê từ các vùng trồng cà phê trong nước.

Cựu bộ trưởng tài chính Gerald Ssendaula, chủ tịch của NUCAFE, nói với tờ The Observer rằng họ ủng hộ việc giới thiệu dự luật lên chính phủ để điều hành vụ mùa vì chất lượng cà phê cần phải được cải thiện.

Các đề xuất mà NUCAFE đệ trình lên quốc hội gồm cả việc thành lập Cơ quan quản lí cà phê ở Uganda để điều chỉnh việc trồng và sản xuất cà phê ở nước này.

Hiện tại, Cơ quan Phát triển Cà phê Uganda (UCDA) đang đóng cả hai vai trò điều tiết cũng như phát triển cơ sở, tránh tạo ra xung đột lợi ích và làm tổn hại đến hiệu quả hoạt động của đơn vị.

"Các luật hiện hành công nhận UCDA là một cơ quan đang phát triển. Vì vậy, hãy để luật mới tập trung vào việc điều tiết. Phải có một cơ quan quản lí mà thông qua đó chính phủ có thể làm việc và cung cấp các dịch vụ khuyến nông", ông Ssendaula nhận định.

Ông cho biết thêm chính phủ sử dụng rất nhiều tiền để cung cấp cây giống mỗi năm, tuy nhiên trong số đó có cây giống chất lượng kém với tỉ lệ sống thấp và do đó, cần có thẩm quyền giám sát các hoạt động của cơ quan đang phát triển và điều tiết toàn bộ chuỗi cà phê.

Ông Joseph Nkandu, giám đốc điều hành NUCAFE, cho hay họ muốn nhấn mạnh tầm quan trọng một hệ thống quản lí không có xung đột lợi ích do đó kêu gọi hình thành một cơ quan khác thực hiện vai trò điều tiết thay vì một cơ quan duy nhất điều chỉnh toàn bộ chuỗi giá trị và đồng thời là nhà phát triển.

NUCAFE phản đối việc tăng thuế đối với cà phê xuất khẩu

NUCAFE cũng phản đối việc tăng thuế mà chính phủ áp đặt đối với cà phê xuất khẩu trong dự luật. Mức thuế này dao động từ 1 - 2% tùy thuộc vào số lượng xuất khẩu.

NUCAFE nói rằng các nhà xuất khẩu nộp thuế cho nông dân - những người cuối cùng nhận được ít tiền hơn mà không phải nộp thuế. Do đó, việc tăng thuế sẽ không khuyến khích nông dân sản xuất và gia tăng giá trị cho cà phê.

Ông Ssendaula cho biết họ đã đề xuất mức thuế trở thành một phần của ngân sách quốc gia hàng năm và không vượt quá 1% để hỗ trợ giá cà phê toàn cầu, đặc biệt là trong tình trạng giá sụt giảm như hiện nay.

Nông dân trồng cà phê tiếp tục kêu gọi ủy ban chấm dứt việc giới thiệu phương thức đấu giá như một cách bán cà phê. Họ muốn giữ lại hệ thống bán hàng trực tiếp cho bất kì người mua nào trên toàn thế giới.

Họ nói rằng các cuộc đấu giá có xu hướng khiến các tập đoàn người mua giữ giá chào bán thấp, do đó làm giảm thu nhập của nông dân ở các quốc gia láng giềng Kenya và Tanzania - nơi có sản lượng cà phê giảm trong những năm qua do bán đấu giá.

Do đó, người trồng cà phê đã đề xuất duy trì hệ thống bán hàng hiện tại và yêu cầu được hỗ trợ để tiếp thị chung, phát triển kĩ năng thương mại xuất khẩu và xây dựng cơ sở vốn để tham gia xuất khẩu cà phê.

Ông Ssendaula tiếp tục giải quyết các phần gây tranh cãi của dự luật, yêu cầu tất cả nông dân trồng cà phê phải đăng kí với tư cách là nông dân trồng cà phê của NUCAFE và ủng hộ việc nông dân ở tất cả cấp đăng kí vì dự luật không yêu cầu phải có giấy phép như đối với một số cá nhân.

"Đăng kí là một điều bắt buộc để chúng tôi có thể truy xuất nguồn gốc, giúp mọi người dễ dàng vận động người mua cà phê. Những người cần giấy phép là những người muốn kinh doanh cà phê, nhưng không phải là nông dân", ông Ssendaula cho biết.

Chính phủ cần tăng cường nghiên cứu cây cà phê

Ông Ssendaula cũng kêu gọi chính phủ tăng cường nghiên cứu liên quan đến cà phê vì thiếu nghiên cứu hiệu quả đã làm hao mòn ngân sách của đất nước. Điển hình là vào năm 1993, ngành cà phê Uganda gặp khó khăn khi phải đối mặt với bệnh héo cây.

Phải mất gần 8 năm để tìm ra các giống cây thay thế và trên nền tảng này, NUCAFE tin rằng cần có sự đầu tư lớn vào nghiên cứu để các giống cà phê mới có thể đáp ứng bất cứ khi nào có nhu cầu.

Ngọc Ánh