|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Tranh cãi về mức tăng lương tối thiểu vùng

07:19 | 15/06/2019
Chia sẻ
Ðại diện người lao động trong Hội đồng Tiền lương Quốc gia đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng năm tới 7-8%, trong khi đại diện chủ sử dụng lao động đề xuất không tăng hoặc chỉ tăng 2%.

Phiên họp đầu tiên của Hội đồng Tiền lương Quốc gia bàn về tăng lương tối thiểu cho năm 2020 ngày 14/6 kết thúc mà chưa chốt được phương án cuối cùng.

Bộ phận kỹ thuật Hội đồng Tiền lương Quốc gia trích số liệu Tổng cục Thống kê (Bộ KH&ĐT) cho thấy mức lương thực tế của một số khu vực sản xuất sử dụng nhiều lao động đã cao hơn lương tối thiểu vùng, bình quân khoảng 5,87 triệu đồng/tháng. Cụ thể, năm 2018, lương thực tế từ công việc chính của công nhân dệt là hơn 5,5 triệu đồng/tháng, lĩnh vực may hơn 5,3 triệu đồng/tháng, sản xuất đồ da hơn 6 triệu đồng/tháng, điện tử hơn 6,5 triệu đồng/tháng.

Do đó, theo Hội đồng tiền lương,  lương tối thiểu vùng năm 2019 tăng bình quân 5,3% đã đáp ứng khoảng 95% mức sống tối thiểu. 

Sau khi xét các yếu tố về chỉ số giá tiêu dùng, tăng trưởng kinh tế, tình hình hoạt động của doanh nghiệp, năng suất lao động, mức sống tối thiểu… báo cáo của bộ phận kỹ thuật cho rằng, để năm 2020 lương tối thiểu đáp ứng mức sống tối thiểu, cần tăng lương tối thiểu vùng thêm 5,2% vào năm tới. 

Cụ thể, vùng 1 tăng từ 4,18 triệu đồng/tháng hiện nay lên 4,436 triệu đồng/tháng (tăng 256.000 đồng/tháng, tức 6,15% so với năm 2019); vùng 2 tăng từ 3,71 triệu đồng lên 3,944 triệu đồng (tăng 234.000 đồng, tức tăng 6,3%); vùng 3 tăng từ 3,25 triệu đồng lên 3,452 triệu đồng (tăng 202.000 đồng, tức tăng 6,2%); vùng 4 tăng từ 2,92 triệu đồng lên 2,981 triệu đồng (tăng 61.000 đồng/tháng, tức tăng 2,1%).

“Ưu điểm của phương án trên là đáp ứng mức sống tối thiểu theo Nghị quyết 27/NQ-T.Ư (lương tối thiểu bằng mức sống tối thiểu vào năm 2020 - PV). Tuy nhiên, hạn chế là vùng 4 tăng thấp, trong khi mục tiêu là thu hẹp khoảng cách giữa các vùng, tiến tới bỏ Vùng 4 (chỉ còn lại 3 vùng lương). 

Do đó, với mức tăng trên, vùng 4 sẽ có sự giãn cách lớn so với vùng 3 (chênh lệch 471.000 đồng/tháng), nên lộ trình thu hẹp khoảng cách các vùng lương sẽ khó khăn”, bộ phận kỹ thuật Hội đồng Tiền lương phân tích.

Ðề xuất tăng 8%

Trao đổi với báo chí bên lề cuộc họp trên, Phó trưởng Ban Quan hệ Lao động (Tổng LĐLĐ Việt Nam) Lê Đình Quảng - đại diện người lao động trong Hội đồng Tiền lương cho rằng: Để năm 2020 mức lương tối thiểu bằng mức sống tối thiểu cần tăng lương hơn 5%. 

Do đó, sau khi phân tích các yếu tố tác động lên lương, Tổng LĐLĐ Việt Nam đưa ra 2 phương án là tăng lương tối thiểu thêm 7,06% hoặc 8% vào năm 2020. “Sau khi lương tối thiểu đạt mức sống tối thiểu, các năm tiếp theo sẽ không phải năm nào lương cũng tăng như vừa qua nữa. 

Thay vào đó, có thể vài năm tăng lương tối thiểu một lần, căn cứ theo lạm phát, tình hình kinh tế - xã hội... Do đó, điều quan trọng bây giờ là xác định rõ mức sống tối thiểu và khả năng chi trả của doanh nghiệp”, ông Quảng nói.

Đại diện giới chủ sử dụng lao động trong Hội đồng Tiền lương, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nói: Việc tăng lương cần xét trên nhiều yếu tố, như năm nay lạm phát tiếp tục được kiềm chế mức dưới 4%, năng suất lao động vẫn như năm 2019. 

Trong khi đó, dù kinh tế có phục hồi, nhưng sức khoẻ doanh nghiệp vẫn tiềm ẩn khó khăn.

“Hơn 20 hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước đã đề nghị VCCI không chọn phương án tăng lương tối thiểu vùng 2020”, ông Phòng nói. Theo ông, hiện cơ bản doanh nghiệp đã trả lương cho người lao động cao hơn lương tối thiểu vùng. 

Do đó, việc tăng lương sẽ khiến chi phí gián tiếp tăng, trong khi lương thực nhận của người lao động không thay đổi”, ông Phòng nói.

Sau một buổi sáng thảo luận, đại diện giới chủ sử dụng lao động ban đầu đề xuất không tăng lương tối thiểu vùng năm 2020, sau đó đề xuất chỉ tăng khoảng 2% so với năm 2019.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, Thứ trưởng LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp - Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia kỳ vọng, các bên sẽ sớm tìm được tiếng nói chung, để tiến tới thống nhất mức tăng lương tối thiểu vùng năm tới báo cáo Thủ tướng trong tháng 7 tới.

Trao đổi với Tiền Phong, Giám đốc Cty CP May Nam Hà (Nam Định) Đoàn Tiến Dũng cho rằng, trên thực tế nhiều doanh nghiệp đã trả lương cho người lao động cao hơn lương tối thiểu vùng. Với doanh nghiệp này, bình quân thu nhập của lao động khối sản xuất hiện khoảng 8 triệu đồng/tháng. 

Do đó, theo vị này, nếu năm tới lương tối thiểu vùng tiếp tục tăng sẽ khiến chi phí của doanh nghiệp tăng theo, trong đó tác động chủ yếu tới khối doanh nghiệp nhỏ và vừa, vốn “sức khoẻ đang yếu”. Điều này dẫn tới một số hành vi trốn tránh thực hiện một số chế độ với người lao động như nợ hay trốn đóng bảo hiểm, giảm thưởng...

Trước đó, năm 2018, sau 3 phiên họp căng thẳng, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã quyết định lương tối thiểu vùng áp dụng năm 2019 tăng bình quân 5,3% so với năm 2018 (tương đương tăng từ 160.000 - 200.000 đồng trên 4 vùng lương). 


Cụ thể, lương tối thiểu năm 2019 áp dụng tại vùng 1 là 4,18 triệu đồng/tháng, vùng 2 là 3,71 triệu đồng/tháng, vùng 3 là 3,25 triệu đồng/tháng, vùng 4 là 2,92 triệu đồng/tháng.


Lê Hữu Việt

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.