|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Trận chiến gọi xe và thế khó của những 'kẻ đứng giữa'

19:00 | 17/12/2020
Chia sẻ
Sau Nghị định 126 chính thức có hiệu lực từ ngày 5/12/2020, các hãng xe công nghệ như trở thành người đứng giữa, thu hộ thuế GTGT từ người dùng cho nhà nước. Vai trò của người đứng giữa này chưa bao giờ là dễ dàng khi liên tục gặp phải những phản ứng trái chiều.

Đau đầu với thu hộ, nộp hộ

Nghị định 126 (NĐ 126) quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế. Cụ thể, tại điểm c khoản 5 Điều 7 của Nghị định 126 nêu rõ: "Tổ chức hợp tác kinh doanh với cá nhân thì cá nhân không trực tiếp khai thuế. Tổ chức có trách nhiệm khai thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với toàn bộ doanh thu của hoạt động hợp tác kinh doanh theo quy định của pháp luật về thuế và quản lý thuế của tổ chức mà không phân biệt hình thức phân chia kết quả hợp tác kinh doanh, đồng thời khai thay và nộp thay thuế thu nhập cá nhân cho cá nhân hợp tác kinh doanh".

Theo quy định này, từ ngày 5/12 vừa qua, các nền tảng gọi xe công nghệ sẽ là người đứng giữa, thực hiện kê khai và thu hộ thuế GTGT. Trên thực tế, thuế GTGT một loại thuế gián thu đánh trên khoản giá trị tăng thêm của hàng hoá, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng. Loại thuế này được áp đối với người tiêu dùng.

Các hãng xe công nghệ kê khai và thu hộ khoản thuế này trên tổng doanh thu mỗi cuốc xe. Điều này buộc các hãng phải đứng trước lựa chọn: hoặc tăng giá cước tương ứng với thuế suất GTGT 10%, hoặc gánh toàn bộ phần thuế này bằng cách bỏ tiền túi từ phần doanh thu chia sẻ nhận được (thường khoảng 20% giá trị chuyến xe).

Vậy thì, bài toàn hóc búa đặt ra cho doanh nghiệp lúc này là làm thế nào để vẫn giữ được khách, vẫn đảm bảo thu nhập cho tài xế trong khi vẫn thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế với nhà nước như quy định?

Trận chiến gọi xe và thế khó của những 'kẻ đứng giữa' - Ảnh 1.

Grab và Gojek đồng loạt tăng giá để giảm bớt áp lực từ nghĩa vụ thuế phải đóng. (Ảnh minh họa: TechInAsia).

Đây quả thực là vấn đề không hề đơn giản, nếu không muốn là đau đầu cho những kẻ đứng giữa. Việc tăng giá đột ngột và bắt khách hàng chịu toàn bộ thuế GTGT sẽ khiến cước phí tăng lên đáng kể. Các hãng xe công nghệ có thể mất đi lợi thế cạnh tranh giá rẻ và thị phần khách hàng chuộng giá rẻ cũng sẽ bỏ sang các hãng xe truyền thống.

Thế nhưng, nếu phải trả toàn bộ thuế GTGT trên tổng doanh thu, bao gồm cả phần doanh thu chia sẻ không thực nhận, chắc chắn không hãng nào có thể tổn tại, bởi số tiền thuế GTGT cần nộp lúc này có thể chiếm đến 50% doanh thu của doanh nghiệp.

Chưa kể, nếu áp thuế hoàn toàn cho khách hàng, sự giảm thiểu đáng kể lượng khách phân khúc thị trường giá rẻ sẽ khiến doanh thu sụt giảm, đời sống tài xế cũng không được đảm bảo. Vậy nên điều chỉnh cước phí lên như thế nào, khấu trừ thuế từ phía tài xế ra sao, khuyến mãi ngược lại cho hành khách bao nhiêu, thưởng cho tài xế ở mức nào là bài toán không hề dễ dàng cho các hãng xe công nghệ.

Luật sư Đặng Văn Cường (trưởng VP luật sư Chính Pháp) cho rằng, thuế GTGT là loại thuế đánh vào người tiêu dùng nên khi bị tăng thuế, các hãng xe công nghệ như Grab hay Gojek buộc phải thay đổi nhiều chính sách và những chính sách này gây ra những ảnh hưởng nhất định đến khách hàng và tài xế, thậm chí là vấp phải sự phản kháng từ phía tài xế như đã thấy.

Sự điều chỉnh mức giá nếu lên quá cao có thể khiến khách hàng phải cân nhắc hơn khi gọi xe công nghệ. Chưa kể về lâu dài còn ảnh hưởng đến việc canh tranh đối với các đối thủ khác trong phân khúc thị trường này khi các đơn vị truyền thống đang tích cực có những chương trình khuyến mãi, chính sách phù hợp cho tài xế nhằm lấy lại thị phần.

Áp lực bủa vây

Mặc dù chỉ là vai trò "người đứng giữa" nhưng rõ ràng các hãng xe công nghệ phải đối diện với vô số áp lực.

Đầu tiên là sự phản ứng đến từ các tài xế sau khi hãng công bố điều chỉnh cước phí và tỉ lệ khấu trừ. Khi NĐ 126 chính thức có hiệu lực, cánh tài xế hoang mang sợ phải cõng thuế, gánh nặng tăng lên và đời sống sẽ càng thêm khó khăn.

Nhiều người phản ứng bằng cách đồng loạt tắt app, tập trung phản đối doanh nghiệp vì cho rằng hãng xe ăn bớt tiền của họ trong khi thực tế phần thuế GTGT vừa được áp vào do khách hàng chi trả và sẽ phải nộp về cho ngân sách nhà nước, nghĩa là cả hãng và tài xế đều không lấy được đồng nào từ phần thuế GTGT này.

Khi tài xế đã được chia sẻ, hiểu rõ hơn rằng thuế GTGT không phải đánh vào họ và tạm yên tâm phần nào, câu chuyện lại bị đẩy sang hướng tài xế và khách hàng đều bị thiệt, còn các hãng công nghệ, nghiễm nhiên ngồi không hưởng lợi, chẳng phải mất mát gì.

Trận chiến gọi xe và thế khó của những 'kẻ đứng giữa' - Ảnh 2.

Các tài xế Grab đối thoại với hãng gọi xe. (Ảnh: Lê Quý).

Thực tế, nếu không linh động điều chỉnh giá, không phải làm công tác thu hộ theo yêu cầu của NĐ 126, như đã phân tích ở trên, các hãng sẽ phải gánh đến 50% thuế GTGT, chứ không còn là 10% thuế GTGT bởi họ không thực nhận 100% doanh thu từ chuyến xe.

Luật sư Cường phân tích thêm: Bản chất việc tăng cước phí và điều chỉnh tỉ lệ chiết khấu về lâu dài có thể gây áp lực mạnh đối với các doanh nghiệp trên thị trường gọi xe công nghệ trong tương lai bởi lẽ khi giá dịch vụ tăng, nhu cầu có thể sẽ giảm xuống theo quy luật cung cầu của thị trường. Đồng thời, mỗi quan hệ đối tác giữa tài xế và các hãng xe công nghệ theo đó ít nhiều bị ảnh hưởng.

Rõ ràng, với sự ra đời của NĐ 126, vai trò "người đứng giữa" của các hãng xe công nghệ trở nên nặng nề, khó khăn hơn rất nhiều. Cân bằng lợi ích của tài xế, khách hàng, đảm bảo sự phát triển của doanh nghiệp, lẫn làm tròn bổn phận với nhà nước chưa bao giờ là điều dễ dàng. Sự việc lúc này không còn đơn giản là người trung gian thu hộ nữa mà trở thành bài toán phát triển mà doanh nghiệp cần tính kĩ và cân đối sao cho hợp lý nhất.

Bích Thu