|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Trầm lắng thị trường quà tặng ngày lễ tình yêu

07:05 | 14/02/2020
Chia sẻ
Ngày lễ tình yêu Va-len-tin (14-2) năm nay diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi-rút corona (Covid-19) đang diễn biến phức tạp. Chính vì vậy, mà thị trường quà tặng cũng trầm lắng hơn những năm trước.

Đeo khẩu trang kín mít bước vào một siêu thị lớn trên phố Cầu Giấy, anh Nguyễn Văn Hùng, 25 tuổi tần ngần khá lâu trước gian hàng bày bán hoa, sô-cô-la cho ngày lễ tình yêu. 

Những năm trước, trước dịp này vài ngày, anh lại háo hức đến đây mua quà tặng bạn gái. Nhưng năm nay, dịch Covid -19 đang diễn ra căng thẳng, khiến anh Hùng có phần dè dặt. 

“Tôi muốn chọn một món quà thật ý nghĩa để tặng bạn gái, vì ngày Va-len-tin năm nay cũng là kỷ niệm ba năm chúng tôi yêu nhau. Tuy nhiên, vào siêu thị này, tôi không thấy nhân viên phát nước xịt khuẩn như các điểm đông người khác, cho nên chẳng muốn chạm tay vào đồ vật nào cả”, chàng trai trẻ than thở.

Rời siêu thị sau khi không mua món hàng nào cả, anh Hùng quyết định lên mạng xã hội đặt mua quà. Sau một hồi tham khảo giá, chọn quà, anh mua được một bó hoa ba-by có giá 200 nghìn đồng và một lọ nước hoa - những thứ người yêu anh thích, tại một cửa hàng trên phố Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy. 

Đúng ngày lễ tình yêu, người giao hàng sẽ chuyển đến tận tay anh Hùng. 

“Cửa hàng hoa cho biết, họ khử trùng từ cái kéo cắt hoa, điện thoại, nắm cửa; các nhân viên cắm tỉa hoa, giao hàng đều đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà-phòng trước khi làm việc, cho nên tôi khá yên tâm”, anh nói.

Trầm lắng thị trường quà tặng ngày lễ tình yêu - Ảnh 1.

Khách hàng chọn mua quà ngày lễ tình yêu trong nhà sách trên đường Xuân Thủy, quận Cầu Giấy.

Chị Nguyễn Thị Thu Hà, nhân viên tại cửa hàng anh Hùng đặt quà cho biết, nắm bắt tâm lý của khách giữa cao điểm dịch Covid-19, cửa hàng nhanh chóng thực hiện nghiêm các quy định bảo đảm vệ sinh, cũng như đăng tải thông tin lên mạng xã hội để giữ chân khách hàng. 

“Hiện tại, các đơn hàng đã gấp đôi ngày thường. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thay vì trực tiếp đến cửa hàng, đa phần khách đặt hàng online. Chúng tôi đã phải huy động nhân viên tăng ca và tuyển thêm năm người giao hàng trong hai ngày cao điểm 13 và 14-2”, chị Thu Hà cho biết. 

Năm nay, cửa hàng này chào bán hoa hồng đen, hoa hồng phủ sô-cô-la và các loại hoa như cẩm chướng, hướng dương, ba-by,.. nhập khẩu từ Hà Lan, Ê-cu-a-đo. Giá một bó hoa tùy vào số bông, dao động từ 200 nghìn đến năm triệu đồng/bó.

Không xây dựng hệ thống bán hàng qua mạng xã hội bài bản như cửa hàng ở phố Trần Duy Hưng, khách hàng của tiệm hoa tươi do chị Trần Thị Bình làm chủ, ở phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm chỉ lác đác có vài người đến mua hàng, dù cửa hàng không tăng giá bán. 

Hoa hồng đỏ được bán 10 nghìn đồng/bông, giá mỗi bó hoa chỉ từ 100 nghìn đến 500 nghìn đồng. 

“Dịp này năm trước, khách hàng nườm nượp đến đặt hàng. Nhân viên thì bó hoa, bán hàng, còn tôi chỉ việc chốt đơn, nhưng năm nay, ngồi cả ngày mới được vài khách. Từ hôm qua đến giờ, tôi mò mẫm lên mạng xã hội rao bán, nhưng không ăn thua, vì mình không hay quảng cáo trên đó, ít người biết”, chị Bình thở dài.

Không chỉ hoa tươi, các mặt hàng khác như sô-cô-la, quần áo, mỹ phẩm, nước hoa… được bày bán ở các siêu thị, trung tâm thương mại cũng ít người quan tâm. 

Dù chọn quầy hàng bắt mắt nhất để trưng các quà tặng trong dịp lễ tình yêu, nhưng chị Hồng, nhân viên bán hàng của một nhà sách trên phố Láng Hạ, quận Đống Đa cho biết, lượng khách mua quà tặng vắng hẳn so với mọi năm. 

“Ngày này năm ngoái, bảo vệ mở cửa cho khách thôi cũng đủ mỏi tay rồi. Nhân viên thu ngân, nhân viên tiếp thị thì luôn tay, luôn miệng, thế mà năm nay, số nhân viên còn đông hơn khách hàng”, nữ nhân viên cho biết.

Nhiều cặp vợ chồng cũng thay đổi hình thức kỷ niệm ngày lễ tình yêu theo hướng thiết thực hơn. Nhiều gia đình lựa chọn nấu ăn ở nhà vào ngày này thay cho việc đặt bàn tại các nhà hàng, quán ăn. 

Anh Trịnh Quang Thành, 43 tuổi, ở khu đô thị Văn Khê, quận Hà Đông cho biết, những năm trước, gia đình bốn người của anh thường đặt một bữa ăn thịnh soạn ở nhà hàng vào tối 14/2. Tuy nhiên, năm nay, chính chị Hà - vợ anh lại đề nghị chồng tổ chức liên hoan ở nhà. 

“Tôi và hai con trai xung phong nấu ăn, rửa bát, coi như là quà tặng bà xã. Kể ra, không đi ăn nhà hàng, cùng phụ nhau vào bếp, gia đình lại có cơ hội gần gũi hơn. Hai con trai tôi nghe kế hoạch này, cũng háo hức lắm”, anh Thành vui vẻ kể.

Chí An

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.