|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Trái phiếu doanh nghiệp: Nước chảy chỗ trũng phải có điều kiện

21:31 | 19/06/2019
Chia sẻ
Một số nhân viên môi giới của Công ty Chứng khoán SSI đang giới thiệu đến khách hàng trái phiếu doanh nghiệp của Công ty cổ phần tập đoàn Đất Xanh (DXG) và Công ty cổ phần Đầu tư Con Cưng. Đất Xanh phát hành 200 tỉ đồng trái phiếu kỳ hạn 24 tháng, lãi suất cố định 11%/năm, trả lãi sáu tháng/lần và tài sản đảm bảo là chính cổ phiếu của DXG.

Theo lời nhân viên môi giới, Đất Xanh sẽ sử dụng tiền thu được để mua các dự án, mở rộng quỹ đất và bổ sung vốn lưu động.

Trái phiếu doanh nghiệp: Nước chảy chỗ trũng phải có điều kiện - Ảnh 1.

Chỉ cần nắm giữ tối thiểu 9 tháng, người mua trái phiếu Con Cưng có thể nhận lại tiền mà vẫn được hưởng lãi suất cao. Ảnh: Thành Hoa

Con Cưng phát hành 100 tỉ đồng trái phiếu, kỳ hạn 18 tháng, lãi suất cũng cố định 11%/năm để bổ sung vốn lưu động, không có tài sản đảm bảo. Thay vào đó, tại thời điểm tròn 9 tháng, 12 tháng, 15 tháng trái chủ có quyền bán lại tối đa 100% lượng trái phiếu nắm giữ với giá bằng mệnh giá cộng tiền lãi đến ngày bán lại. Nói cách khác, chỉ cần nắm giữ tối thiểu 9 tháng, người mua trái phiếu có thể nhận lại tiền mà vẫn được hưởng lãi suất cao.

Trước Đất Xanh và Con Cưng, SSI cũng tư vấn phát hành thành công 300 tỉ đồng trái phiếu với lãi suất 11,5%/năm cho GEG (Công ty cổ phần Điện Gia Lai). SSI không phải là công ty chứng khoán duy nhất tham gia tư vấn phát hành trái phiếu doanh nghiệp hiện nay. Nhiều công ty chứng khoán khác và một số ngân hàng thương mại cũng thực hiện nghiệp vụ này.

Một ngân hàng thậm chí còn chào mời khách hàng đến gửi tiết kiệm tại quầy, mua trái phiếu kỳ hạn ba tháng của một doanh nghiệp nào đó với lãi suất 7,5%/năm. Khi khách hàng nói chưa nghe tên doanh nghiệp này bao giờ, cô nhân viên nhìn vào một bản tự giới thiệu vài trang giấy về doanh nghiệp và trao đổi với khách.

Phần lớn trái phiếu doanh nghiệp được phát hành mà không có tài sản đảm bảo.

Những đơn vị tư vấn đều khẳng định họ đã thẩm định kỹ càng khả năng trả nợ trái phiếu của doanh nghiệp.

Đơn vị dẫn đầu về tư vấn phát hành trái phiếu doanh nghiệp hiện tại là Công ty Chứng khoán Kỹ thương (TCBS). Trên trang web của mình, TCBS công bố giá trị trái phiếu doanh nghiệp đã phát hành trong thời gian 2014-2018 là 161.000 tỉ đồng, chiếm thị phần cao nhất thị trường.

Phần lớn trái phiếu doanh nghiệp được phát hành mà không có tài sản đảm bảo. Những đơn vị tư vấn đều khẳng định họ đã thẩm định kỹ càng khả năng trả nợ trái phiếu của doanh nghiệp và bao giờ họ cũng đưa ra sự so sánh mấu chốt đối với khách hàng: lãi suất trái phiếu cao hơn lãi suất tiết kiệm.

Một bộ phận nhà đầu tư đã tham gia mua trái phiếu (trị giá mỗi trái phiếu từ 100.000 đồng đến 1 tỉ đồng tùy đơn vị phát hành) để phân bổ nguồn vốn, tránh đổ tất cả trứng vào một giỏ.

Có những công ty chứng khoán thu phí tư vấn phát hành khá cao và không tham gia mua vào trong các đợt phát hành như trên. Ngoài vốn tự có, bản thân các công ty chứng khoán cũng phát hành trái phiếu doanh nghiệp để có tiền cung cấp dịch vụ ký quỹ. Lãi suất ký quỹ của hầu hết các công ty chứng khoán hiện trên 11%/năm cho kỳ hạn ba tháng và nhà đầu tư phải trả lãi hàng tháng.

Bên cạnh đó, công ty chứng khoán có thể nhận được các khoản ủy thác đầu tư với lãi suất tương đối hấp dẫn và doanh thu từ nghiệp vụ ký quỹ là một trong những nguồn mang lại lợi nhuận cao cho các nhà môi giới.

Ngày càng có nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu, kể cả đơn vị niêm yết lẫn đơn vị không có tiếng tăm gì. Lý do là những đơn vị này không còn khả năng (hoặc không còn hạn mức) vay vốn ngân hàng. Hoặc lãi suất vay mà ngân hàng áp dụng cho họ quá sức chịu đựng, tới 13-14%/năm do thẩm định mức độ rủi ro của khoản vay theo đánh giá của các ngân hàng. Đấy là chưa kể ngân hàng luôn đòi hỏi người vay phải có tài sản thế chấp, trong khi không ít doanh nghiệp như Con Cưng nói trên không có tài sản đảm bảo.

Một nhà đầu tư cho biết đã mua 1 tỉ đồng trái phiếu doanh nghiệp nọ vì công ty niêm yết trên Hose, có báo cáo tài chính từng quí và công bố thông tin thường xuyên. Được hỏi vì sao không mua trái phiếu doanh nghiệp nhiều hơn, mà chủ yếu vẫn gửi tiết kiệm hoặc đầu tư cổ phiếu, ông trả lời gửi tiết kiệm an toàn, còn với cổ phiếu có thể cắt lỗ hoặc chốt lời khi giá biến động. Mua trái phiếu doanh nghiệp khi cần tiền không đòi nhà phát hành trả nửa chừng được.

Cho đến nay chưa có số liệu chính thức nào cho biết đã có bao nhiêu trái phiếu doanh nghiệp được phát hành và còn hiệu lực. Phó tổng giám đốc khối kinh doanh ngân quỹ của một tổ chức tín dụng ước đoán giá trị trái phiếu đang lưu hành khoảng 200.000-250.000 tỉ đồng, tức tương đương dư nợ của một ngân hàng cổ phần tầm trung.

Gần đây Cơ quan thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng khi mua trái phiếu doanh nghiệp phải giải trình. Thế là các ngân hàng ngưng mua và chỉ tư vấn phát hành hộ để thu phí.

Về bản chất, phát hành trái phiếu doanh nghiệp đối với bên phát hành là vay vốn, đối với bên mua là cho vay, với ngân hàng thì không khác gì cấp tín dụng. Một số ngân hàng và công ty chứng khoán bây giờ chuyển qua trực tiếp mua cổ phần doanh nghiệp thay vì phát hành trái phiếu. Việc mua này thường có thời gian 12 tháng và có đảm bảo doanh nghiệp phải mua lại cổ phiếu theo giá gốc cộng lãi đến ngày đáo hạn. Nó đơn giản là cho vay trá hình.

Dẫu thế mua cổ phần trực tiếp không phải là lối “lách” dễ dàng. Theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng, việc đầu tư của các ngân hàng phải xin phép Ngân hàng Nhà nước (không được đầu tư ngoài lĩnh vực hoạt động có liên quan - NV) và mỗi danh mục đầu tư không vượt quá 11% vốn tự có, tổng vốn đầu tư phải dưới 30% vốn tự có.

Các công ty chứng khoán trực thuộc các ngân hàng không thể không tuân thủ quy định trên. Vấn đề mà dư luận quan tâm là tại sao tư vấn phát hành trái phiếu chỉ tập trung vào một số công ty chứng khoán. SSI là nhà môi giới lớn nhất thị trường chứng khoán, nhưng mới chỉ bước một bước hai vào mảng tư vấn phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Các công ty chứng khoán có sự góp vốn của ngân hàng, bảo hiểm như Bảo Việt, Vietcombank, BIDV, VietinBank, ACB, MBB... không tỏ ra “tích cực” trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Ít nhất họ tuân thủ nghiêm ngặt quy định pháp lý và có thể là nhận thức được mức độ rủi ro quá lớn mà người mua trái phiếu doanh nghiệp có khả năng đối mặt.

Hải Lý

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.