Trái phiếu Chính phủ 'ế ẩm' khi ngân hàng không còn 'thừa tiền'
Trong tuần qua (1/2- 5/2), Kho bạc Nhà nước gọi thầu 6.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ nhưng chỉ có 80 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 20 năm được phát hành ở lãi suất không đổi 2,89%/năm.
Các kỳ hạn 10 và 15 năm có khối lượng đăng ký khá nhiều nhưng gọi thầu không thành công do vùng lãi suất đăng ký tăng đáng kể (0,1 – 0,13%) so với phiên gọi thầu trước đó.
Tình trạng "ế" của TPCP đã manh nha từ tuần trước khi KBNN gọi thầu 10.000 tỷ đồng với tỷ lệ đăng ký và tỷ lệ trúng thầu đều giảm khá mạnh, ở mức lần lượt là 206% và 75% (so với 335% và 100% của tuần trước).
Theo giới phân tích, thị trường trái phiếu cũng chịu ảnh hưởng bởi diễn biến tăng của lãi suất trên liên ngân hàng.
Thực tế, ngay đầu tháng 2, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đã bật tăng mạnh do nhu cầu thanh khoản dịp cuối năm.
Trong ngày giao dịch ngày 3/2, lãi suất bình quân liên ngân hàng tăng vọt lên mức 2,52%/năm đối với kì hạn qua đêm; 2,47%/năm với kỳ hạn 1 tuần; 2,65%/năm với kỳ hạn 2 tuần và 2,39%/năm với kỳ hạn 1 tháng.
Đồng thời, khối lượng vay mượn lẫn nhau giữa các ngân hàng cũng liên tục ở mức cao, đạt đỉnh điểm 111.617 tỷ đồng vào ngày 4/2. Trong đó, kì hạn qua đêm luôn chiếm hơn 80%.
Mặc dù đã hạ nhiệt sau khi NHNN bơm hơn 36.000 tỷ đồng qua kênh cầm cố OMO nhưng lãi suất trên thị trường 2 hiện vẫn gấp từ vài lần đến hàng chục lần so với cuối năm 2020 tại hầu hết kì hạn.
Theo kế hoạch, KBNN dự kiến phát hành 100.000 tỷ đồng TPCP trong quý I, tăng so với kế hoạch phát hành 50-60.000 tỷ của cùng kỳ 2020. Trong tháng 1/2021, KBNN đã phát hành tổng cộng 23.500 tỷ đồng, tăng 147% so với tháng 1/2020 nhưng chỉ tương đương 23,5% kế hoạch phát hành quý.
Trong tháng 2 dự kiến có khoảng 21.300 tỷ đồng trái phiếu chính phủ đáo hạn (gấp 3 lần lượng đáo hạn trong tháng 1/2021) và thanh khoản trên liên ngân hàng sau Tết sẽ dồi dào trở lại. Bởi vậy, nhu cầu đầu tư TPCP dự kiến sẽ tăng trở lại.