Trắc trở ngã rẽ mới của Vinalines
Cảng Đà Nẵng hiện là một khâu quan trọng trong chuỗi dịch vụ logistics của khu vực miền Trung.
Bị động
Đến nay, thời điểm tổ chức Đại hội đồng cổ đông lần thứ nhất của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) để khép lại lộ trình cổ phần hóa đã kéo dài suốt 5 năm qua vẫn là một ẩn số.
Trước đó, vào ngày 16/7, Vinalines đã có thông báo thay đổi ngày tổ chức cuộc họp Đại hội đồng cổ đông lần thứ nhất, từ 29/7/2019 sang ngày 30/7/2019.
Đây đã là lần thứ 4 kể từ tháng 9/2018 - thời điểm hoàn thành phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), Vinalines phải thay đổi kế hoạch tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông lần đầu.
Ông Trần Tuấn Hải, Trưởng ban Truyền thông của Vinalines cho biết, việc phải lùi thời gian họp Đại hội đồng cổ đông lần đầu chỉ là vấn đề kỹ thuật, nhằm phù hợp với Thông tư 34/2019/TT-BTC ngày 11/6/2019 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 40/2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn bán cổ phần lần đầu và quản lý, sử dụng tiền thu từ cổ phần hóa của các doanh nghiệp nhà nước có hiệu lực từ ngày 29/7/2019.
“Vinalines phải chờ sau ngày Thông tư số 34/2019/TT- BTC có hiệu lực để đáp ứng đúng quy định của Luật Doanh nghiệp và Nghị định số 126/2017/NĐ-CP của Chính phủ về chuyển doanh nhà nước và công ty TNHH MTV do doanh nghiệp đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần”, ông Hải cho biết.
Không chỉ gặp khó trong việc tổ chức Đại hội cổ đông lần đầu, kể từ năm 2014 đến nay, phương án cổ phần hóa của Vinalines cũng phải trải qua 3 lần thay đổi.
Trong phương án cuối cùng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 6/2018, hình thức cổ phần hóa công ty mẹ - Vinalines là kết hợp vừa bán bớt một phần vốn nhà nước, vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.
Cơ cấu vốn điều lệ và cơ cấu cổ phần phát hành lần đầu tại công ty mẹ - Vinalines là Nhà nước nắm 65% vốn điều lệ; bán cho nhà đầu tư chiến lược 14,8% vốn điều lệ; bán ưu đãi cho cán bộ, công nhân viên và tổ chức công đoàn 2% vốn điều lệ.
Trên thực tế, kết quả IPO của công ty mẹ - Vinalines đã không đạt được như phương án đề ra. Phiên đấu giá IPO của Vinalines được tổ chức vào ngày 5/9/2018 chỉ bán được 1,1% trên tổng số gần 490 triệu cổ phần đưa ra đấu giá.
Với kết quả IPO nói trên, cổ đông Nhà nước nắm tới 99,4% vốn của công ty mẹ - Vinalines (khoảng 12.000 tỷ đồng).
Khởi đầu vất vả
Lãnh đạo Vinalines đã thận trọng khi xây dựng kế hoạch hoạt động kinh doanh của Tổng công ty trong giai đoạn đầu tiên chính thức chuyển đổi hoạt động theo mô hình công ty cổ phần.
Tại tờ trình về kế hoạch kinh doanh năm 2019 - 2020 của Vinalines đang xin ý kiến các cổ đông, “ông lớn” ngành hàng hải đặt mục tiêu kinh doanh khá khiêm tốn.
Cụ thể, trong năm 2019, Vinalines dự kiến đạt doanh thu hợp nhất 13.874 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 953 tỷ đồng, trong đó, công ty mẹ - Vinalines đạt doanh thu 1.649 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 0 đồng.
Công ty mẹ - Vinalines dự kiến có lần đầu tiên thực hiện trả cổ tức vào năm 2020 ở mức 1,4%.
Trước đó, tháng 5/2019, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã ký Quyết định số 137/QĐ-UBQLV phê duyệt kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2019 của Vinalines trên cơ sở đề nghị của chính nhóm người đại diện phần vốn đang nắm hơn 99% vốn điều lệ tại tổng công ty này.
Theo yêu cầu của Ủy ban Quản lý vốn tại doanh nghiệp, công ty mẹ - Vinalines phải hoàn thành 3 chỉ tiêu kinh doanh chính trong năm 2019 là đạt sản lượng vận tải biển 4.670.000 tấn, doanh thu 1.549 tỷ đồng, lợi nhuận 0 đồng.
Một lãnh đạo Vụ Công nghệ và hạ tầng (Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp) cho biết, đã cân nhắc rất kỹ khi chỉ yêu cầu Vinalines đạt mức lợi nhuận 0 đồng năm 2019, trong khi năm ngoái lợi nhuận trước thuế vẫn đạt 261 tỷ đồng.
Lý do là, năm 2018, Bộ Giao thông - Vận tải giao công ty mẹ - Vinalines đạt mức lợi nhuận âm 800 tỷ đồng do phải thực hiện một loạt chương trình tái cơ cấu đội tàu, trong đó chấp nhập bán dưới giá thành nhiều tàu già để cắt lỗ.
Song do phần lớn chương trình đã không thể hoàn thành, nên khoản lỗ kế hoạch này sẽ dồn sang năm 2019 và một số năm tiếp theo.
Trong giai đoạn 2019 - 2020, Vinalines sẽ phải thanh lý, chuyển giao khoảng 23 tàu với tổng trọng tải 500.000 DWT, chủ yếu là các tàu già, hoạt động kém hiệu quả để cắt lỗ.
Dự kiến, vận tải biển - một trong ba trụ cột kinh doanh của Vinalines - vẫn tiếp tục là gánh nặng lớn trong vài năm tới.
“Năm nay, thị trường vận tải biển còn kém hơn năm 2018 khi chỉ số mức phí thuê tàu chở nguyên liệu thô (BDI) giữa tháng 2/2019 chỉ bằng 40 - 50% của cùng kỳ năm 2018. Bên cạnh đó, cạnh tranh ngày càng lớn ở thị trường nội địa tiếp tục là khó khăn đối với vận tải biển”, lãnh đạo Vinalines nói.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/