Trả tiền để đăng bài PR trên báo lớn, nhà sản xuất vitamin tung bài báo lên mạng xã hội để bán hàng
Giới phân tích nhận định thị trường thực phẩm chức năng và vitamin sẽ đạt giá trị hàng nghìn tỉ USD trong tương lai gần do nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân chỉ tăng chứ không giảm.
Thị trường vitamin và thực phẩm bổ sung trực tuyến rất khốc liệt, hào nhoáng và mờ ám. Những ngôi sao trong gia đình Kardashian ủng hộ loại kẹo gôm thúc đẩy sức khỏe của tóc. Nữ diễn viên Gwyneth Paltrow quảng bá thuốc và chất lỏng tăng cường sức khỏe tổng thể.
Ngay cả Infowars, trang chuyên đưa những thuyết âm mưu, cũng hoạt động một phần nhờ việc bán các loại thực phẩm chức năng, theo báo New York Times.
Nỗ lực tạo khác biệt của một nhà sản xuất vitamin
Trong thị trường "đông đúc" ấy, Ritual, một startup bán dòng đa vitamin mà họ tự sản xuất từ năm 2016, cố gắng tạo sự khác biệt bằng cách tập trung vào thực tế. Những quảng cáo đầy màu sắc của họ trên Instagram và Facebook đều nói về những nguyên liệu.
Vitamin của họ nằm gọn trong các bao nang trong suốt. Công ty gửi hình ảnh và thông tin về sản phẩm qua email cho khách hàng mỗi tháng.
Gần đây, Ritual phát động một chiến dịch tiếp thị nhằm truyền bá kiến thức khoa học về xu hướng sử dụng thực phẩm chức năng để bảo vệ sức khỏe. Công ty thuyết phục các nhà báo bằng cách giúp công chúng phân biệt giữa những lời đồn thổi và thực tế về thực phẩm chức năng.
Song, khi phân tích nội dung tiếp thị của Ritual, các chuyên gia nhận thấy không phải lúc nào công ty có trụ sở ở thành phố Los Angeles cũng giúp khách hàng phân biệt giữa sự thật và ảo tưởng.
Mượn danh báo chí với chiêu trò lắt léo
Ritual đã trả tiền để đăng bài trên một số trang về sức khỏe, rồi trích dẫn những lời khen từ các bài báo ấy để quảng cáo sản phẩm trên Facebook và Instagram. Công ty cũng sử dụng các bản tin trên CNN và New York Times để tuyên bố các báo cũng tán thành những lợi ích từ dòng đa vitamin của công ty.
Một quảng cáo vitamin của Ritual mà trong đó công ty trích dẫn việc các báo CNN, New York Times, Vogue đã đưa tin về lợi ích của sản phẩm. Tuy nhiên, các báo không hề nêu bất kỳ lợi ích nào. Ảnh: New York Times.
"Người dân muốn tin rằng thị trường có vài loại thực phẩm chức năng tự nhiên, hiệu quả mà họ có thể uốn để có sức khỏe thể chất và tịnh thần tốt hơn. Trong rất nhiều trường hợp, niềm tin ấy hình thành từ chiêu trò tiếp thị không trung thực", Bonnie Patten, giám đốc điều hành tổ chức phi lợi nhuận Truth in Advertising, phát biểu.
Do Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) không đánh giá an toàn và hiệu quả đối với thực phẩm chức năng, nên các doanh nghiệp có thể tung ra những tuyên bố mơ hồ một cách thoải mái.
Một khẩu hiệu trên trang phong cách sống Well & Good xuất hiện trên trang chủ của Ritual. Nội dung của nó là: "Mọi người mà bạn biết đều sắp uống những viên đa vitamin nổi tiếng này". Khẩu hiệu tương tự cũng xuất hiện trên các quảng cáo trên Facebook và Instagram.
Katerina Schneider, giám đốc điều hành Ritual kiêm nhà sáng lập, khẳng định công ty không hề lừa khách hàng trong những thông điệp quảng cáo, mặc dù chúng có nguồn gốc từ những bài báo PR.
Giám đốc điều hành kiêm nhà sáng lập Ritual, cô Katerina Schneider, tham gia một sự kiện của tạp chí TechCrunch. Ảnh: TechCrunch.
"Nếu đó là tuyên bố về hiệu quả của sản phẩm hay thông tin về thành phần của sản phẩm, chúng tôi sẽ hành xử khác", Katerina nói.
Độc chiêu tiếp thị hiệu quả, đặc biệt là đối với những nhà sản xuất thực phẩm chức năng, là nêu tên các báo, tạp chí, kênh truyền hình nổi tiếng trong nội dung quảng cáo để tăng uy tín.
"Điểm mấu chốt của kiểu tiếp thị ấy là sự minh bạch. Vì thế, người dân cần biết nếu nội dung bài báo mang tính quảng cáo", ông Patten nói.