|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

TPHCM: sẽ không đầu tư mới các cơ sở sản xuất xi măng

08:18 | 09/09/2017
Chia sẻ
Đại diện công ty cổ phần Xi măng Hà Tiên 1 nhận định, TPHCM có thể sẽ chịu thiệt hại 1.400 tỉ đồng/năm nếu đầu tư các trạm tiếp nhận, phân phối xi măng thay thế cho các trạm nghiền được di dời đến địa phương khác.
tphcm se khong dau tu moi cac co so san xuat xi mang
TPHCM dự định di dời các trạm nghiền xi măng vào các khu công nghiệp hoặc các địa phương có quy hoạch phù hợp. Ảnh: TL

Tại buổi góp ý về quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng trên địa bàn TPHCM đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 diễn ra ngày 8-9, Sở Xây dựng cho biết TPHCM sẽ điều chỉnh theo hướng không đầu tư mới các cơ sở sản xuất xi măng, bao gồm nhà máy sản xuất clinker và trạm nghiền trên địa bàn thành phố.

Đối với các nhà máy, trạm nghiền xi măng đạt yêu cầu vệ sinh môi trường hiện hữu, TPHCM sẽ di dời vào các khu công nghiệp trên địa bàn hoặc đến những địa phương có quy hoạch phù hợp. Đơn cử, công ty cổ phần Ba Ta Co sẽ phải ngừng hoạt động từ năm 2018; Công ty cổ phần Phát triển Sài Gòn hoạt động đến hết thời hạn thuê đất năm 2020, sau đó di dời vào khu công nghiệp; Công ty cổ phần Xi măng Hà Tiên 1 hoạt động đến hết thời hạn chứng nhận đầu tư cấp cho dự án năm 2057, sau đó cũng phải di dời vào các khu công nghiệp hoặc địa phương khác…

Phương án này nhằm hạn chế mức độ ô nhiễm môi trường nhưng vẫn đảm bảo doanh nghiệp tiếp tục hoạt động trạm tiếp nhận, đáp ứng yêu cầu kinh doanh, phân phối cho thị trường.

Hiện TPHCM có tổng cộng 10 trạm nghiền, trạm tiếp nhận và phân phối xi măng với tổng công suất 10,115 triệu tấn/năm, không đủ cung cấp cho nhu cầu của thành phố. Năng lực các cơ sở xi măng hiện có là 13,44 triệu tấn, còn thiếu 3,325 triệu tấn/năm so với nhu cầu năm 2020 nên cần nguồn cung ứng xi măng từ các nhà máy xi măng khác trong nước để cung cấp cho nhu cầu thành phố.

Do đó, thành phố sẽ đầu tư mới, bố trí chuyển đổi một số trạm tiếp nhận thay thế trạm nghiền xi măng trong các khu công nghiệp để lưu trữ xi măng nhập về từ nơi khác.

Trước mắt, TPHCM dự kiến sẽ đầu tư 3 trạm tiếp nhận với tổng công suất 3,6 triệu tấn/năm, trong đó, xem xét ưu tiên cho các nhà máy xi măng đang có trạm nghiền trên địa bàn. Công suất mỗi cơ sở là 1,2 triệu tấn/năm, diện tích đất yêu cầu cho mỗi cơ sở khoảng 2,5 héc ta.

Như vậy, đến năm 2020, tổng sản lượng xi măng được cung ứng trên địa bàn TPHCM sẽ là 13,715 triệu tấn.

Nhận xét về phương án thay thế các trạm nghiền bằng trạm tiếp nhận, phân phối xi măng, đại diện công ty cổ phần Xi măng Hà Tiên 1 cho rằng thành phố sẽ thiệt hại khoảng 1.400 tỉ đồng/năm nếu đưa vào thực tế, trong đó chưa tính các chi phí trung chuyển và bốc dỡ hai đầu, cũng như từ sà lan lên cảng biển trung chuyển để chuyển vào các cảng phía Nam.

Góp phần lớn vào số tiền chênh lệch của xây dựng trạm phân phối so với trạm nghiền là khoản đầu tư cho các tàu chuyên dùng vận chuyển xi măng rời từ các cảng phía Bắc vào các cảng phía Nam. Đại diện công ty Hà Tiên 1 ước tính tổng mức đầu tư lên đến 600 triệu đô la Mỹ, tương đương với việc đầu tư 11 trạm nghiền xi măng (với công suất 1,2 triệu tấn/năm).

Ngoài ra, TPHCM cũng phải xây dựng thêm các cảng chuyên dụng để nhận xi măng rời từ cảng phía Bắc và tiếp nhận tại cảng phía Nam. Tính đến năm 2017, ngoại trừ trạm tiếp nhận xi măng rời Cát Lái, quận 2, tất cả các trạm tiếp nhận, nghiền và phân phối xi măng tại các tỉnh phía Nam cũng như các nhà máy xi măng phía Bắc đều không có các cảng chuyên dùng tiếp nhận xi măng rời.

Cao Ban