|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

TP HCM tìm thuốc 'giải nhiệt' cơn sốt đất nền

11:31 | 19/05/2017
Chia sẻ
Dự kiến ban hành Quyết định thay thế Quyết định số 33/2014/QĐ-UBND quy định về diện tích tối thiểu được tách thửa, khẳng định chưa xem xét đến việc nâng cấp huyện lên quận là những động thái mới nhất của TP HCM nhằm hạ nhiệt cơn sốt đất nền từ đầu năm đến nay.
tp hcm tim thuoc giai nhiet con sot dat nen
TP HCM đang đưa ra các biện pháp để "giải nhiệt" cơn sốt đất nền từ đầu năm đến nay.

Ghi nhận thực tế cho thấy từ đầu năm 2017 đến nay, tình trạng “phân lô bán nền” tại các quận huyện TP HCM đã nóng lên và đây là một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng sốt đất.

Đơn cử, phường Bình Chiểu (quận Thủ Đức) thời gian qua là một trong những điểm nóng về phân lô, bán nền. Ghi nhận dọc đường Ngô Chí Quốc và phạm vi lân cận, cho thấy hàng trăm khu phân lô, tách thửa mọc lên như nấm sau mưa. Từ đường Ngô Chí Quốc men theo con hẻm 185 dẫn sâu vào bên trong, một khu đất phân lô của Công ty Nhà Việt quy mô khoảng 100 nền đang được chào bán công khai, với mức giá 20,5 triệu đồng/m2. Tính ra, 1 nền đất 60m2 có giá bán trên 1,2 tỷ đồng. Theo một nhân viên môi giới, đây là dự án phân lô hộ lẻ, sổ riêng từng nền, người mua có thể xây dựng tự do.

Tuy nhiên, theo anh Trần Việt Dũng - một nhà đầu tư bất động sản có thâm niên ở quận Thủ Đức, chủ đầu tư quảng cáo đây là dự án nhưng thực tế chỉ lèo tèo có mấy chục nền, duy nhất con đường nội bộ rộng chừng 6m. Sau khi đóng tiền đặt cọc, chủ đầu tư yêu cầu thanh toán 100% nhưng số tiền thể hiện trên hợp đồng chỉ bằng 1/3 số tiền thực đóng nhằm né thuế.

Ghé vào khu dân cư trên đường Nguyễn Xiển (phường Long Bình), hình ảnh đập vào mắt là hàng chục căn nhà dã chiến với 4 tường xây bằng gạch, bên ngoài trét vôi tạm bợ, không có mái che, nền đất, không có cửa, không vách ngăn phòng và chưa có ai đến sinh sống. Hạ tầng nội khu chỉ là những con đường nhỏ hẹp, lổm chổm đá dăm. Hướng dẫn chúng tôi đi xem vị trí các nền đất, một chủ đất cho biết chủ đầu tư xây những căn chòi này mục đích lách quy định để tách thửa, ra sổ đỏ cho từng nền. Đến lúc có sổ đỏ, người dân mua nền đất đập bỏ để xây dựng theo nhu cầu, không phải chịu gò bó quy hoạch, mẫu nhà.Tại các phường Long Bình, Long Thạnh Mỹ, Long Trường (quận 9), vấn nạn đầu nậu đất đai núp bóng người dân hoặc gom đất nông nghiệp phân lô, bán nền cũng rất rầm rộ.

Khách mua chia làm hai nhóm. Nhóm mua để ở chủ yếu là khách bình dân có khoảng 200-500 triệu đồng, nhưng đối tượng này không nhiều. Nhóm mua để đầu tư chiếm số đông và mục đích là săn tìm những khu đất vườn có diện tích 1.000-3.000 m2.Tương tự, đất huyện Củ Chi cách trung tâm TP HCM đến hơn 40km cũng bị đẩy lên từng ngày. Anh Công - chủ điểm ký gửi nhà đất ở đường Hồ Văn Tắng huyện Củ Chi cho biết nhiều người đang đổ về mua nhà đất tại Củ Chi.

Anh cũng không ngần ngại chia sẻ cách của nhóm mua đất vườn để đầu tư, là tìm mua vườn lớn rồi xin chuyển mục đích sử dụng đất thành thổ cư, sau đó phân lô bán nền với giá 10-15 triệu đồng/m2, gấp 4-5 lần so với giá mua ban đầu. Vì thế mà nhu cầu mua bán đất vườn tại Củ Chi đang rất lớn. Có ngày anh tiếp 3-4 lượt khách mua.

tp hcm tim thuoc giai nhiet con sot dat nen

Trước thực trạng này, Sở Tài nguyên – Môi trường TP HCM đã soạn thảo dự thảo Quyết định thay thế Quyết định số 33/2014/QĐ-UBND quy định về diện tích tối thiểu được tách thửa trên địa bàn thành phố.

Điểm mới của dự thảo lần này là bỏ hẳn quy định về thửa đất ở hình thành sau khi tách thửa có nhà ở hiện hữu và đất ở chưa có nhà để quy định về diện tích tối thiểu được tách thửa. Quy định này nhằm tránh gây hiểu nhầm và hạn chế việc lách luật của các chủ đất. Bởi trước đó, tại nhiều quận, huyện, nhiều cá nhân, tổ chức chỉ cần xây dựng 1 căn nhà tạm bợ trên đất để chuyển mục đích sử dụng đất, sau đó tiến hành tách thửa. Dự thảo cũng cho phép tách thửa đối với đất nông nghiệp.

Theo dự thảo, thửa đất mới sau khi trừ quy hoạch đường giao thông, hành lang an toàn công trình công cộng, diện tích tối thiểu để được tách thửa, dự kiến được chia ra thành 3 khu vực.

Khu vực 1 (gồm các Quận 1, 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Gò Vấp, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú); Khu vực 2 (gồm các Quận 2, 7, 9, 12, Bình Tân, Thủ Đức và thị trấn các huyện hoặc khu vực được quy hoạch đô thị hóa thuộc huyện); Khu vực 3 (gồm các huyện Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè, Cần Giờ, ngoại trừ thị trấn hoặc khu vực được quy hoạch đô thị hóa thuộc huyện)...

tp hcm tim thuoc giai nhiet con sot dat nen

Tại cuộc họp góp ý dự thảo ngày 18/5, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HOREA) cho rằng: “Qua quá trình giám sát và thực tế hiện nay cho thấy, việc phân lô - bán nền đang có những diễn biến bất thường. Những quận vùng ven và các huyện ngoại thành đang lên cơn sốt đất nền”.

Theo ông Châu, biện pháp để khắc phục là TP HCM sớm ban hành văn bản sửa đổi hoặc thay thế Quyết định 33. Cũng theo góp ý của ông Châu, TP nên tách Quyết định này ra làm hai, gồm: Một để giải quyết vấn đề tách thửa đối với đất ở để giải quyết nhu cầu của cá nhân và hộ gia đình. Quyết định thứ hai liên quan tới đất nông nghiệp, cũng như các loại đất khác.

Kết luận tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Văn Khoa chỉ đạo trong 7 ngày tới (sau buổi họp này) các đơn vị liên quan, phải rà soát lại lần nữa nhằm góp ý, nêu được chính kiến của mình, trên tinh thần hết sức trách nhiệm.

Đặc biệt là với các quận - huyện vùng ven và ngoại thành để khi có văn bản sửa đổi hoặc thay thế Quyết định 33, các quận - huyện sẽ thực hiện tốt công tác quản lý về đất đai, tránh trường hợp bị lợi dụng, “đầu nậu” về đất - nền. Dứt khoát không để tình trạng sau khi ban hành văn bản xong thì đổ thừa cho cái này chưa rõ, cái kia bị vướng...

Phó Chủ tịch UBND TP Lê Văn Khoa cũng lưu ý để hoàn thiện dự thảo quyết định thay thế quyết định số 33 các sở ngành, quận - huyện phải lưu ý việc đảm bảo lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân.

Theo ông Lê Văn Khoa, trong tương lai gần, UBND TP.HCM chưa xem xét đến việc sáp nhập, chia tách quận. Căn cứ theo các tiêu chí hiện hành của Bộ Nội vụ thì các huyện ngoại thành, vùng ven TP.HCM như Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ, Củ Chi hiện nay chưa đủ điều kiện để nâng cấp lên thành quận nên thành phố chưa có chủ trương.

Duy Khánh