TP HCM khó đạt thu nhập 9.800 USD/người vào năm 2020
Tại hội nghị Thành ủy TP.HCM ngày 30-3, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm báo cáo kết quả thực hiện các chỉ tiêu nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ X trong lĩnh vực kinh tế - xã hội, cho biết trong số 13 chỉ tiêu đề ra từ đầu nhiệm kỳ, hầu hết đều hoàn thành và vượt chỉ tiêu.
Toàn cảnh Hội nghị Thành ủy TP.HCM lần thứ 26. Ảnh: TÁ LÂM
Lý giải điều này, ông Liêm cho biết năm 2016 GRDP bình quân đầu người là hơn 5.400 USD, tới năm 2018 đạt hơn 6.000 USD. Đến năm 2020 ước đạt 7.500 USD. Như vậy so với chỉ tiêu đề ra, còn thiếu khoảng 2.300 USD.
Theo ông Liêm, một trong những nguyên nhân khiến cho chỉ tiêu này không đạt là do tính toán theo chỉ tiêu cũ, dân số lại tăng cao hơn so với dự báo trước đó.
Về 7 chương trình đột phá, ông Liêm cũng khẳng định có một số chỉ tiêu không hoàn thành. “Trong chương trình giảm ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông, có một chỉ tiêu mà UBND TP xác định khó đạt là khối lượng vận tải hành khách công cộng đô thị đáp ứng được từ 15-20% nhu cầu giao thông đô thị” – ông Liêm nói.
Ở chương trình giảm ô nhiễm môi trường có rất nhiều chỉ tiêu thành phần. Ông Liêm cho biết, trong đó có 2/16 chỉ tiêu dự kiến khó hoàn thành. Đó là 80% tổng lượng nước thải sinh hoạt đô thị được thu gom và xử lý tập trung đạt quy chuẩn trước khi thải ra môi trường. Hiện nay tỉ lệ này mới đạt 21,2%.
“Dự kiến đến năm 2020, khi nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng giai đoạn 2 và dự án vệ sinh môi trường thành phố lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè giai đoạn 2 hoàn thành đưa vào sử dụng, con số này sẽ được nâng lên, đạt khoảng 30%” – ông Liêm nói.
Ngoài ra, chỉ tiêu giảm thiểu 90% lượng chất ô nhiễm vượt chuẩn thải vào nguồn nước mặt cũng khó hoàn thành vào năm 2020.
Ở chương trình chỉnh trang phát triển đô thị, ông Liêm cho biết chỉ tiêu về di dời nhà trên và ven kênh rạch dự kiến cũng sẽ không hoàn thành.
Ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP.HCM, cho rằng những chỉ tiêu có thể không đạt thì phải xác định các giải pháp lớn để khắc phục. “Công việc trong năm nay, cũng như trụ cột xuyên suốt cho những năm còn lại của nhiệm kỳ là tập trung thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội và đột phá cải cách hành chính” – ông Nhân yêu cầu.
Theo ông Nhân, đối với một số chỉ tiêu có khả năng không hoàn thành vào cuối nhiệm kỳ thì cần phải thay đổi cách làm.
Ví dụ như về việc khép kín đường Vành đai 2, ông Nhân cho biết, nếu làm theo cách lâu nay thì đến 2021 - 2022 mới có thể xong toàn tuyến (còn 14 km). Do đó, cầu tìm phương thức mới đẩy nhanh tiến độ, không thụ động chờ thực hiện dự án theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao).
Đồng thời cân nhắc thành lập ban chỉ đạo, bên cạnh cơ quan đầu tư hạ tầng giao thông còn cơ quan quản lý đất đai nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Tương tự, trong chương trình chỉnh trang đô thị, phải tăng tính tự chủ cho quận/huyện để đẩy nhanh tiến độ; phải coi quản lý trật tự xây dựng là giải pháp cấp bách đột phá phải làm, sử dụng thanh tra xây dựng theo phương thức mới, chuyển lực lượng 85% thanh tra của Sở Xây dựng về địa phương.
Còn đối với một số chỉ tiêu, chương trình đang gặp vướng mắc thì tính toán về chính sách có lợi cho người dân để tạo sự đồng tình, góp phần thúc đẩy chương trình hoàn thành theo kế hoạch.
Những bài báo sâu sắc sẽ được hỗ trợ tiền
Phát biểu bế mạc tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, cho biết TP đã có trao đổi với các cơ quan báo chí, làm sao trong năm nay báo chí tuyên truyền bám sát từng nội dung TP quan tâm liên quan đến đổi mới sáng tạo, Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, 7 chương trình đột phá...
Theo ông Nhân, TP đang bàn để có chính sách hỗ trợ khuyến khích các báo có những bài báo sâu sắc, những loạt bài đem lại tác dụng tốt cho xã hội sẽ được hỗ trợ động viên cả về tài chính. "Trước kia chúng ta hỗ trợ chung chung, bây giờ ta hỗ trợ theo sản phẩm báo chí. Đã chuẩn bị ban hành chính sách này" – ông Nhân nói và cho rằng báo chí phải trở thành một lực lượng rất quan trọng hỗ trợ đổi mới TP ngay trong năm nay.