TP HCM muốn phát triển dịch vụ nhưng không còn quỹ đất
Theo ông Nhân, trong những tháng đầu năm 2019 có những tín hiệu về kinh tế khiến lãnh đạo thành phố phải suy nghĩ đó là vấn đề thu thuế. Ông cho biết sau Tết ông đã đến làm việc với 10 quận, huyện thì một trong những vấn đề các quận, huyện lo lắng là sắp tới sẽ thu thuế như thế nào.
Thu thuế gắn với phát triển dịch vụ, nhưng muốn phát triển dịch vụ, thương mại, khách sạn, y tế, giáo dục... thì quỹ đất của thành phố lại không còn. “Phát triển dịch vụ là trọng tâm lớn nhất của kinh tế TP HCM nhưng những năm qua quy hoạch hạ tầng cho phát triển là không có. Nếu không có sự thay đổi thì sang nhiệm kỳ tới phát triển dịch vụ sẽ rất khó khăn”, ông nói.
Từ các chỉ số tăng trưởng của các ngành dịch vụ TP HCM trong quí 1-2019, trong số 9 ngành dịch vụ thì chỉ có 3 ngành tăng, còn 6 ngành giảm như thương mại; tài chính - ngân hàng; kho bãi - vận tải; du lịch; bất động sản và y tế. Ông Nhân tỏ ra lo lắng và cho rằng đây là dấu hiệu đáng báo động. Ông đặt vấn đề vì sao 6 ngành này giảm trong khi nhu cầu xã hội lại tăng lên. Một trong những lý do là hạ tầng dịch vụ không sẵn sàng, nên phát triển không được như mong muốn?
Về khả năng thu hút đầu tư nước ngoài, gắn với hỗ trợ thúc đẩy xuất khẩu cũng là vấn đề đáng lo lắng của TP HCM được ông Nhân chỉ ra. Ông dẫn chứng trong 10 năm qua đầu tư nước ngoài vào khu công nghiệp, khu chế xuất chỉ được 1% trong tổng thu hút đầu tư nước ngoài; còn khu công nghệ cao là 16,7%. Trong khi thu hút đầu tư nước ngoài ở ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất và khu công nghệ cao là 82,2%.
Bên cạnh các vấn đề kinh tế, các chỉ tiêu đặt ra từ đầu nhiệm kỳ có những chỉ tiêu TP HCM không đạt được. Tại hội nghị, báo cáo rà soát kết quả thực hiện các chỉ tiêu nghị quyết Đại hội X Đảng bộ TP HCM trong lĩnh vực kinh tế xã hội, Phó chủ tịch TP HCM Lê Thanh Liêm nêu ra 13 chỉ tiêu đề ra từ đầu nhiệm kỳ, hầu hết đều hoàn thành và vượt chỉ tiêu. Chỉ có một chỉ tiêu không hoàn thành là tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đầu người đến cuối 2020 đạt 9.800 đô la Mỹ.
Ông Liêm cho biết, năm 2016, GRDP bình quân đầu người là hơn 5.400 đô la, tới năm 2018 đạt hơn 6.000 đô la. Dự kiến năm 2020 ước đạt 7.500 đô la, như vậy, nếu so với chỉ tiêu là khó đạt được.
Bên cạnh đó, chương trình giảm ùn tắc giao thông chỉ tiêu khối lượng vận tải hành khách công cộng đáp ứng được 15 - 20% nhu cầu cũng khó đạt được.
Đối với chương trình giảm ô nhiễm môi trường, có 2 chỉ tiêu dự kiến khó hoàn thành. Trong đó, chỉ tiêu 80% tổng lượng nước thải sinh hoạt đô thị được thu gom và xử lý tập trung đạt quy chuẩn trước khi thải ra môi trường. Hiện nay tỉ lệ này mới đạt 21,2%. Dự kiến đến năm 2020, có thêm một số nhà máy xử lý nước thải thì mới đạt khoảng 30%. Ngoài ra, chỉ tiêu giảm thiểu 90% lượng chất ô nhiễm vượt chuẩn thải vào nguồn nước mặt cũng khó hoàn thành vào năm 2020.