TP HCM đề xuất quy hoạch thêm metro và đường sắt nhẹ
Mới đây, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM đã gửi văn bản tới Sở Quy hoạch Kiến trúc về việc rà soát, cập nhật quy hoạch phát triển giao thông vận tải vào Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP HCM đến năm 2040 và tầm nhìn đến năm 2060.
Theo đó, Sở GTVT đề xuất bổ sung thêm hai tuyến đường sắt đô thị gồm một tuyến phía Tây và một tuyến kết nối nhà ga T1, T2, T3 ở sân bay Tân Sơn Nhất. Đồng thời, kéo dài tuyến monorail số 2 tới Tân Kiên.
Bên cạnh đó, bổ sung đoạn tuyến đường sắt nhẹ đi theo Vành đai 2 - đường Phạm Văn Đồng để kết nối và trung chuyển hành khách trực tiếp giữa Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Đồng thời, Sở GTVT cũng đề xuất điều chỉnh bổ sung quy hoạch tuyến đường sắt nhẹ, monorail hoặc loại hình vận chuyển tương tự để kết nối các nhà ga T1, T2 và T3 với tuyến đường sắt đô thị số 2, số 5 và số 4 thay thế tuyến đường sắt đô thị số 4b.
Lý giải về điều này, Sở GTVT cho biết theo Quy hoạch phát triển GTVT TP HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2030 được Thủ tướng phê duyệt năm 2013, hệ thống giao thông đường bộ của thành phố sẽ bao gồm 6 tuyến cao tốc, 5 tuyến quốc lộ, ba tuyến vành đai và 5 tuyến đường trên cao.
Hệ thống giao thông đường sắt sẽ gồm 4 tuyến đường sắt quốc gia, 8 tuyến đường sắt đô thị và ba tuyến xe điện mặt đất hoặc đường sắt một ray (Tramway hoặc Monorail). Cùng với đó, thành phố sẽ xây dựng 6 tuyến xe buýt nhanh (BRT) cùng hệ hệ thống giao thông đường thủy nội địa, hệ thống cảng biển đồng bộ.
Theo đánh giá của Sở GTVT, tiến độ thực hiện quy hoạch trên còn chậm, chưa đồng bộ với quy mô dân số và tương xứng với vị trí, vai trò đầu tàu về phát triển kinh tế của thành phố.
Bên cạnh đó, Quy hoạch ngành quốc gia đã được Thủ tướng phê duyệt có các quan điểm mới cần được rà soát cập nhật khi nghiên cứu lập Quy hoạch chung thành phố.
"TP HCM hiện đang trong quá trình đô thị hóa nhanh chóng, không chỉ thể hiện ở việc gia tăng dân số mà cả ở tiến trình cơ giới hóa, tăng trưởng kinh tế và những thay đổi trong lối sống của người dân.
Do đó, cần nghiên cứu đánh giá quy hoạch, rà soát tổng thể toàn bộ hiện trạng mạng lưới giao thông thành phố (đường bộ, đường sắt, đường thủy) và dự báo biến động dân số, nhu cầu đi lại gắn với định hướng phát triển trong thời gian tới, khi vùng đô thị của TP HCM tiếp tục được mở rộng, kết nối với các đô thị xung quanh của các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An", lãnh đạo ngành giao thông thành phố nhận định.
Từ quan điểm trên, Sở GTVT đề xuất Sở Quy hoạch Kiến trúc rà soát, đánh giá, phân cấp chức năng, phân định rõ vai trò của các lại hình dịch vụ vận tải công cộng (đường sắt khối lượng lớn, Monorail, Tramway, AGT, BRT, xe buýt thường,...); đường sắt chuyên dụng.
Trên cơ sở đó, nghiên cứu bổ sung quy hoạch hệ thống đường sắt chuyên dụng kết nối giữa các cảng hàng hóa và cảng container khu vực TP Thủ Đức và khu vực dọc sông Sài Gòn, kết nối cảng các tỉnh thành lân cận.