TP HCM chủ động đầu tư sản phẩm chủ lực đón EVFTA
Sáng 18-2, UBND TP.HCM đã tổ chức buổi họp về tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, thu chi ngân sách tháng 1 và triển khai các nội dung công tác năm 2020.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đã đưa ra những đầu việc cần tập trung trong thời gian tới.
Nâng cao năng lực cạnh tranh cho kinh tế TP
Chủ tịch UBND TP.HCM nói rằng Hiệp định tự do thương mại Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) đã được Nghị viện EU phê chuẩn và Quốc hội sẽ thông qua kỳ họp sắp tới sẽ là cơ hội để nâng cao hàng hóa sản xuất tại Việt Nam, trong đó có TP.HCM.
“Chúng ta đã có chiến lược phát triển các sản phẩm chủ lực, có đề án về logistics, đề án về thương mại điện tử đã giao cho Sở Công Thương thì sở nhanh hoàn thiện và cố gắng báo cáo trong quý I” - ông Phong nói và yêu cầu rà lại các chính sách để làm sao nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm chủ lực.
Cùng đó là chuẩn bị cho cơ hội nâng cao chất lượng các sản phẩm “made in Vietnam”. Đặc biệt là nâng cao năng lực cạnh tranh của kinh tế TP chứ không để Quốc hội thông qua thì mới chuẩn bị.
“Chờ Quốc hội thông qua thì đến tháng 5, tháng 6, trong khi đó đây là một cơ hội để đẩy mạnh giao lưu hàng hóa với giao lưu doanh nghiệp (DN)” - người đứng đầu chính quyền TP nhấn mạnh.
Ông Phong cũng yêu cầu giám đốc Sở Công Thương lưu ý việc thành lập hội đồng phát triển ngành, trước hết là công nghệ thông tin, cơ khí, hóa nhựa… Sắp tới TP.HCM sẽ tiếp tục đối thoại với DN theo từng lĩnh vực cụ thể.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho rằng những ngày tới, các vị trí lãnh đạo, sở, ngành cần dành thời gian để làm việc nhiều hơn với các DN. “Cuối tuần này chúng tôi sẽ có cuộc gặp với các DN bất động sản.
Thứ nhất, phải có chính sách như thế nào để nghe DN bất động sản kiến nghị có khó khăn, vướng mắc nào cần tháo gỡ. Chúng ta tập trung tháo gỡ một số dự án đã được Chính phủ, các bộ, ngành cho ý kiến để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và triển khai” - ông cho biết.
Ông Phong cũng nhắc đến việc xác lập quy trình giải quyết cho DN trong thời gian nhanh nhất có thể. “Ví dụ, bây giờ dự án đó liên quan đến xây dựng thì mình sẽ trả lời trong thời gian bao lâu. Cần xác định rõ quy trình để rút ngắn thời gian tồn đọng của các dự án mà người ta đề xuất đầu tư” - ông nói.
Ông Phong cũng yêu cầu duy trì đều đặn cuộc họp của tổ công tác đầu tư trên địa bàn TP; thậm chí tổ chức vào thứ Bảy, Chủ nhật nhằm kịp thời giải quyết các đề xuất của DN, tháo gỡ vướng mắc ở các dự án đầu tư.
Quyết liệt phòng, chống để vượt qua dịch COVID-19
Theo Giám đốc Sở Tài chính Phạm Thị Hồng Hà, việc thu chi ngân sách trên địa bàn TP trong hai tháng đầu năm có giảm. Nguyên nhân được cho là do ảnh hưởng của tình hình dịch COVID-19 và những hoạt động chuyển nhượng bất động sản, đầu tư vốn của cá nhân giảm sút. “Nhìn chung các khoản thu giảm hoặc có mức tăng trưởng thấp so với cùng kỳ” - bà Hà nói.
Về tình hình phòng, chống dịch COVID-19, trong những ngày còn lại của tháng 2, TP sẽ triển khai mạnh mẽ các giải pháp kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch COVID-19, đồng thời duy trì các biện pháp nhằm phát hiện sớm trường hợp nhiễm bệnh đến TP từ vùng có dịch.
65.485 tỉ đồng là tổng thu cho ngân sách nhà nước trên địa bàn TP trong hai tháng đầu năm. Theo Giám đốc Sở Tài chính Phạm Thị Hồng Hà, tổng thu này ước đạt 16,14% dự toán, giảm 3,33% so với cùng kỳ do ảnh hưởng dịch COVID-19.
TP cũng sẽ tăng cường các biện pháp phòng, chống trước các diễn biến phức tạp mới của dịch COVID-19… Các lực lượng chức năng sẽ tập trung giám sát, xử lý các điểm nguy cơ gây dịch sốt xuất huyết; giám sát, phát hiện và xử lý sớm các ổ dịch, không để dịch lan rộng, kéo dài.
Liên quan đến nội dung này, Chủ tịch UBND TP yêu cầu ngành du lịch phải có báo cáo cụ thể về tình hình du lịch hiện tại do tác động của dịch COVID-19. Từ đó TP sẽ có kiến nghị đối với Chính phủ về vấn đề thuế đối với các DN du lịch cũng như là một số hộ kinh doanh nhỏ lẻ.
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong khẳng định TP.HCM tiếp tục thực hiện kết luận Thanh tra Chính phủ và chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình về chính sách tái định cư ở Khu công nghệ cao (quận 9) và khu 4,3 ha ở Thủ Thiêm (quận 2).
“Hiện nay phương án bồi thường cho người dân thuộc dự án Khu công nghệ cao đã được HĐND thông qua. UBND TP sẽ giải quyết khẩn trương vấn đề tái định cư ở Khu công nghệ cao cũng như thực hiện kết luận thanh tra” - ông Phong nói.
Trân trọng và khơi dòng kiều hối
Tại cuộc họp này, ông Nguyễn Thành Phong cũng kiến nghị cần có định hướng đầu tư cho lượng kiều hối đổ về TP hằng năm vì số tiền đầu tư này là rất lớn (5 tỉ USD kiều hối mỗi năm, trong đó theo tính toán của Ngân hàng Nhà nước, có đến 72% dành cho đầu tư sản xuất).
Theo ông Phong, để kêu gọi đầu tư một dự án, TP.HCM phải làm rất nhiều thủ tục. Có dự án đầu tư chưa tới 1 tỉ USD nhưng mất rất nhiều thời gian hoàn tất thủ tục. Trong khi đó, nguồn kiều hối về TP.HCM hơn 5 tỉ USD/năm là số tiền rất lớn mà không mất nhiều thời gian. Vậy nên TP.HCM cần trân trọng, có đề án phát huy để lượng kiều hối chảy vào đầu tư sản xuất cho hiệu quả nhất.