TP HCM 'căng mình' chặn dịch ASF từ 'thủ phủ heo'
'Thủ phủ heo' dồn lực dập dịch ASF
"Đồng Nai là tỉnh có đàn heo lớn nhất cả nước, khoảng 2,5 triệu con, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nên Đồng Nai thấy việc xảy ra dịch bệnh là cực kì nguy hiểm", ông Võ Văn Chánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết.
Theo báo Đồng Nai, UBND của huyện Trảng Bom và Nhơn Trạch đã lần lượt ban hành quyết định công bố 4 điểm xảy ra dịch tả heo châu Phi trên địa bàn 4 xã gồm Bình Minh và Đồi 61 (huyện Trảng Bom); Phước Thiền và Hiệp Phước (huyện Nhơn Trạch). Các ổ dịch đều xuất hiện tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.
Theo Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai, ngay sau khi xuất hiện các ổ dịch tả heo châu Phi, toàn tỉnh đã lập 24 trạm, chốt kiểm dịch, nhằm ngăn chặn, kiểm soát không để dịch tả heo châu Phi lây lan trên địa bàn tỉnh.
Trong đó, huyện Trảng Bom đã lập thêm 3 chốt kiểm dịch tạm thời chặn trên các tuyến đường đi vào vùng dịch thuộc 2 xã Bình Minh và xã Đồi 61.
Ngoài ra, có 1 trạm kiểm dịch do tỉnh lập ra trên quốc lộ 1 thuộc xã Bình Minh cũng có nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát nguồn heo từ ngoài tỉnh đi qua địa bàn huyện Trảng Bom.
Các chốt kiểm dịch tạm thời hoạt động 24/24 giờ, tổ chức phun xịt thuốc sát trùng, tiêu độc các phương tiện vận tải ra vào vùng dịch và kiểm soát không cho heo và sản phẩm từ thịt heo ra vào vùng dịch…
Theo ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, việc cần làm ngay là tập trung vào công tác dập dịch, thực hiện đồng bộ, chặt chẽ các giải pháp phòng, chống để ngăn chặn dịch lây lan.
"Các ổ dịch tại Đồng Nai đều xảy ra ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Ở đây, vai trò của chính quyền địa phương rất quan trọng trong tuyên truyền đến từng hộ chăn nuôi nhằm tăng ý thức phòng, chống dịch. Tỉnh cũng cần phải tăng cường kiểm soát các điểm giết mổ nhỏ lẻ tự phát nhằm ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh", ông Đoán nói.
Dịch tả heo đã "Nam tiến" đến Đồng Nai và Bình Phước.
Ráo riết ngăn chặn dịch tiến vào TP HCM
TP HCM hiện có 3.917 hộ chăn nuôi heo với tổng đàn 274.154 con. Trong đó, có 247 hộ nuôi heo bằng nguồn thức ăn thừa tại các nhà hàng, quán ăn có nguy cơ cao đối với dịch tả heo. Qua kiểm tra địa bàn TP HCM ghi nhận đến nay chưa phát hiện virus gây tử vong cao ở heo này.
Tuy nhiên, tại hội nghị trực tuyến phòng chống dịch tả heo hâu Phi do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), các địa phương và doanh nghiệp chăn nuôi sáng ngày 13/5, theo ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND TP HCM cho biết, TP HCM đang nằm trong tình huống thứ hai khi dịch tả heo châu Phi xảy ra ở ven thành phố là Đồng Nai và Bình Phước.
"Chúng tôi đã chỉ đạo thành lập thêm chốt giám sát ven đô, kiểm soát chặt nguồn thịt heo vào thành phố", ông Liêm cho hay.
Ngoài ra, tuyên truyền cho người dân thực hiện an toàn sinh học chuồng trại. Tăng tần suất hoạt động của các đoàn kiểm tra liên ngành, lập thêm 3 chốt ở vùng giáp ranh Bình Dương, Đồng Nai và một số đầu mối giao thông.
TP cũng đang thực hiện tiêu độc, khử trùng tại các điểm vào nội thành và điểm giết mổ trong thành phố. Sở NN&PTNT thành phố đã làm việc với Sở NN&PTNT của Long An, Đồng Nai để thống nhất không nhập heo từ vùng dịch, đồng thời ghi rõ thông tin hộ chăn nuôi được bán vào thành phố.
Đáng chú ý, TP HCM cũng tận dụng mạng xã hội Zalo để triển khai các biện pháp phòng chống dịch, thông tin chi tiết về nguồn gốc thịt, Phó Chủ tịch UBND TP HCM cho biết.
Liên quan đến việc ngăn chặn dịch ASF từ Đồng Nai lây lan sang các tỉnh miền Nam, đặc biệt là TP HCM, theo ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai: "Ngay khi dịch tả heo châu Phi xảy ra tại Đồng Nai, Chi cục Chăn nuôi - thú y của Đồng Nai và TP HCM đã làm việc và thống nhất trong việc giám sát chặt chẽ hơn nguồn heo xuất về TP HCM phải xuất phát từ khu vực không có dịch, giấy chứng nhận kiểm dịch ghi rõ tên chủ hộ nuôi, nguồn gốc 3 cấp: xã, huyện, tỉnh".
Cụ thể, để kiểm soát, đảm bảo heo an toàn từ Đồng Nai cung cấp cho TP HCM, 2 địa phương thống nhất: tuyến đường vận chuyển heo từ Đồng Nai xuất về TP HCM giết mổ chỉ đi qua 2 tuyến đường quốc lộ 1 và quốc lộ 1K; xe vận chuyển heo phải trình phúc kiểm, tiêu độc khử trùng tại Trạm Kiểm dịch động vật Thủ Đức, Xuân Hiệp.
Heo vận chuyển trên tuyến đường cao tốc Long Thành - Dầu Giây phải đăng kí ghi rõ tuyến đường vận chuyển trên giấy chứng nhận kiểm dịch. TP HCM cũng tăng tần suất kiểm tra liên ngành 24/24 giờ tại khu vực đường cao tốc Long Thành - Dầu Giây - TP HCM; phối hợp lực lượng cảnh sát giao thông Cát Lái khảo sát địa điểm bố trí chốt kiểm dịch tạm thời tại khu vực cầu Kỳ Hà.
Trong thời gian Đồng Nai xảy ra dịch tả heo châu Phi từ ngày 24/4 đến ngày 9/5, toàn tỉnh Đồng Nai có gần 56.500 con heo thịt được đeo vòng nhận diện truy xuất nguồn gốc; có hơn 7.500 con heo thịt có truy xuất nguồn được giết mổ tại các cơ sở giết mổ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đưa đi tiêu thụ tại TP HCM.
Đồng Nai cũng đang ráo riết triển khai chương trình ứng dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc Te-food Blockchain - hệ thống quản lý áp dụng công nghệ 4.0 giúp quản lý đàn chăn nuôi và thu thập, xử lý thông tin chống dịch bệnh khẩn cấp.