Toyota lo ngại đối thủ thâu tóm VEAM khi thoái vốn, gây mâu thuẫn lợi ích
Mới đây, CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC, Mã: BSI) công bố báo cáo phân tích TCT Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM, Mã: VEA).
Năm 2019, VEAM đặt chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế công ty mẹ đạt 6.402 tỉ đồng (tăng 22,5% so với năm 2018). Trong đó chủ yếu đến từ lợi nhuận tài chính từ các công ty liên doanh liên kết là 6.645 tỉ đồng, tăng 29,3%; thu nhập tiền gửi là 598 tỉ đồng, tăng 68% so với thực hiện năm 2018.
Bên cạnh đó, VEAM dự kiến trích lập hàng tồn kho xe Euro 2 khoảng 200 tỉ đồng, khoảng 0,27% lợi nhuận trước thuế. Tính đến tháng 5/2019, lượng hàng tồn kho khoảng 2.950 xe bao gồm 2.300 xe Euro 2 và 650 xe Euro 4 với tổng giá trị ước tính 1.600 tỷ đồng. Theo đó, VEAM dự kiến sẽ trích lập dự phòng xe Euro 2 khoảng 200 tỉ đồng. Chứng khoán BSC lưu ý, khoảng trích lập dự phòng xe Euro 2 có thể sẽ kéo dài trong các năm tiếp theo.
Về kế hoạch chuyển sàn sang HOSE, theo VEAM cho biết, việc chuyển sàn sẽ chậm lại do việc hợp nhất báo cáo tài chính và ý kiến bên phía kiểm toán chưa đồng nhất, dự kiến đến hết 2019 mới thực hiện được.
Tuy nhiên, theo nhận định của Chứng khoán BSC việc chuyển sàn sớm nhất có thể hoàn thành vào hết quý II/2020 do BCTC công ty thường hoàn thành kiểm toán vào tháng 4 hàng năm.
Cũng theo báo cáo nêu, kế hoạch thoái vốn của VEAM cũng khó thực hiện trong thời gian tới. Theo lộ trình, Bộ Công Thương sẽ giảm tỉ lệ sở hữu tại VEA từ mức 88,5% xuống 36% giai đoạn 2017 – 2020. Nhưng kế hoạch này vẫn chưa có tiến độ cụ thể.
Ngoài ra, VEAM cho biết nếu tỉ lệ thoái vốn xuống mức thấp hơn 51% có thể ảnh hưởng đến liên kết với Toyota. Nguyên nhân do đối tác Toyota lo ngại khi tỷ lệ sở hữu nhà nước xuống thấp, các đối thủ của Toyota sẽ thâu tóm VEAM, gây mẫu thuẫn lợi ích. VEAM cho biết công ty cân nhắc sẽ kế hoạch thoái vốn hợp lí nhất đảm bảo việc liên doanh thuận lợi vì đây là nguồn thu nhập đáng kể cho doanh nghiệp.