Tour 0 đồng: Đủ hành lang pháp lý xử phạt việc thanh toán ngoại tệ
Thái Lan thiệt hại 9 tỷ USD mỗi năm vì các 'tour 0 đồng' |
Du khách nước ngoài tham quan Hải Vân quan một điểm lịch hấp dẫn của Đà Nẵng và Huế. Ảnh Thanh Trần |
Ngày 19/7, tại buổi họp báo 6 tháng đầu năm 2018 của UBND thành phố, phóng viên đã chất vấn lãnh đạo thành phố Đà Nẵng về việc quản lý, xử lý vấn đề tour 0 đồng bùng phát tại Đà Nẵng thời gian qua.
Chủ trì buổi họp báo, ông Đặng Việt Dũng (Trưởng ban tuyên giáo Thành ủy, Phó chủ tịch UBND thành phố) yêu cầu Sở Du lịch và các ngành chức năng trả lời các vấn đề liên quan.
Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó GĐ Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết: Người đi du lịch không ai đi du lịch miễn phí và họ phải bỏ khoản tiền nhất định để đi du lịch. Tour du lịch là sản phẩm du lịch của các công ty lữ hành, của thị trường gửi và nhận khách giao dịch với nhau tuân theo quy luật cung cầu. Trong chương trình tour có tour trong chương trình và tour ở ngoài chương trình. Thông thường 1 chương trình tham quan Đà Nẵng thường kéo dài 4 đêm-5 ngày. Trong đó, có 2/3 thời gian là tour trong chương trình, thời gian còn lại là tour ngoài, dành cho đi mua sắm.
“Khi doanh nghiệp trong nước nhận đoàn khách vào thì phải trả tiền dịch vụ được cung ứng tại điểm đến. Ở đây có thể lời khi phối hợp với các đơn vị kinh doanh điểm đến để cung ứng cao hơn giá gửi hoặc bằng, hòa vốn nên gọi là 0 đồng. Thực chất điểm đến vẫn có nguồn thu”, ông Bình cho biết.
Theo ông Bình, gần đây qua khảo sát, một du khách thị trường Đông Bắc Á tới Đà Nẵng chi tiêu ở trong tour từ 4 – 6 triệu đồng, ngoài tour 5 - 6 triệu đồng. “Cơ bản họ phải trả cho điểm đến trên 10 triệu đồng mới tới được Đà Nẵng.
Về hiệu quả, Phó GĐ Sở Du lịch cho biết: tour 0 đồng vận hành theo quy luật thị trường nên có phân khúc thị trường. Hoạt động kinh doanh sẽ hỗ trợ cho điểm đến với việc khách phải trả chi phí xuất nhập cảnh, phải mua vé máy bay, trả phí cho khách sạn, nhà hàng… Các tour 0 đồng vận hành trong thời thấp điểm do đó hỗ trợ duy trì đường bay và góp phần hạn chế sụt giảm lượng khách mùa thấp điểm. Các tour này bù đắp thông qua các hoạt động mua sắm.
Hiện nay thống kê trên địa bàn có 40 cơ sở mua sắm thường xuyên đón nhận các dòng khách này. Theo ông Bình, vấn đề có thể xảy ra là xuất xứ nguồn gốc hàng hóa và việc giao dịch điện tử qua các hình thức.
Ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho biết: việc thanh toán bằng ngoại tệ và thanh toán điển tử tại các điểm mua sắm Bí thư Thành ủy đã có chỉ đạo đối với Sở TT&TT. Sở đã làm việc với Vụ thanh toán của Ngân hàng nhà nước về việc này.
“Hiện nay, theo quy định dù thanh toán bất cứ hình thức nào trên địa bàn quốc gia Việt Nam phải sử dụng đồng Việt Nam”, ông Thanh khẳng định. Đồng thời, cho biết, các hình thức thanh toán điện tử phải đăng ký với đơn vị thực hiện dịch vụ ngân hàng nhà nước để thực hiên việc thanh toán. Việc này được chế tài bởi thông tư 19 quy định về hoạt động thẻ ngân hàng
“Các cơ quan liên có thể kiểm tra, sử dụng chế tài thông qua thông tư số 19. Việc vi phạm có thể phạt đến 250 triệu theo quy định pháp luật”, ông Thanh cho biết. Là đơn vị cung cấp về mặt hạ tầng viễn thông, Giám đốc Sở TT&TT cũng cho hay, Sở sẽ tăng cường làm việc với các nhà cung cấp dịch vụ, thông qua hoạt động 3G, 4G để thực hiện các nội dung này.