Loay hoay với 'tour 0 đồng'
Ngày 11.8, khi Sở Du lịch TP.Đà Nẵng đối thoại với các doanh nghiệp du lịch nhằm tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong quá trình hoạt động, vấn đề tour giá rẻ, tour “0 đồng” trở thành vấn đề nóng với nhiều quan điểm.
Các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ mua sắm để bù đắp các chi phí cơ bản trong chương trình du lịch. Thực chất khách du lịch vẫn phải trả tiền đầy đủ cho các dịch vụ mình sử dụng Ông Nguyễn Thái Bình, Chánh văn phòng - người phát ngôn Bộ VH-TT-DL |
Xu thế cạnh tranh ?
Theo Sở Du lịch TP.Đà Nẵng, tour giá rẻ hay tour “0 đồng” là hình thức cạnh tranh bằng giá để hút khách của các công ty lữ hành, chủ yếu ở thị trường khách Trung Quốc và một phần Hàn Quốc.
Việc gia tăng lượng khách Trung Quốc, Hàn Quốc đã góp phần giải quyết việc làm, tạo thêm thu nhập, quảng bá hình ảnh TP, kích cầu bất động sản, đầu tư xây dựng khách sạn, nhà hàng… Sở Du lịch TP.Đà Nẵng cũng nêu quan điểm, tour giá rẻ là xu hướng cạnh tranh đang diễn ra không chỉ tại VN mà còn ở một số nước trong khu vực. Theo báo cáo của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), năm 2016 có 135 triệu lượt khách Trung Quốc đi du lịch nước ngoài, tăng 6% so với 2015, chi tiêu đạt 261 tỉ USD, tăng 12%, nên nhiều quốc gia, nhất là ở Đông Nam Á, áp dụng các chính sách thu hút khách Trung Quốc đại lục.
Nêu quan điểm về vấn đề trên, ông Ngô Quang Vinh, Giám đốc Sở Du lịch TP.Đà Nẵng, cho rằng: “Tour giá rẻ là hiện tượng của cơ chế thị trường, cả nước như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nha Trang… đều xuất hiện”. Thực tế, “tour 0 đồng” cũng đang rầm rộ ở Quảng Ninh - địa phương có chung đường biên giới với Trung Quốc.
Những năm qua, lượng khách Trung Quốc ồ ạt thăm Quảng Ninh, nhưng hầu hết là qua hình thức “tour 0 đồng”. Vào mùa cao điểm, từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau, trung bình mỗi ngày Cửa khẩu quốc tế Móng Cái (Quảng Ninh) đón khoảng hơn 10.000 khách Trung Quốc. Sau khi vào VN, khách Trung Quốc đi theo “tour 0 đồng” đều phải đến tham quan, mua sắm tại hơn 10 cửa hàng bán đồ thủ công mỹ nghệ, đệm cao su, trang sức… được đặt tại TP.Móng Cái và TP.Hạ Long.
Ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh, cho biết thị trường khách Trung Quốc là một thị trường du lịch quốc tế hàng đầu của Quảng Ninh, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động, tạo ra tổng doanh thu ước đạt 2.400 tỉ đồng chỉ riêng năm 2017.
Thất thu thuế, chảy máu ngoại tệ
6 tháng đầu năm 2018, lực lượng chức năng của Đà Nẵng phát hiện 20 người Trung Quốc, 3 người Hàn Quốc điều hành, hướng dẫn khách du lịch, phạt được 20 người với 322,5 triệu đồng, hủy thị thực, buộc xuất cảnh và đưa vào diện chưa cho nhập cảnh 11 trường hợp. Chi cục Quản lý thị trường phạt 30 cơ sở mua sắm với 131,5 triệu đồng về vi phạm nhãn mác hàng hóa, giá, an toàn thực phẩm.
Không chỉ ở góc độ kinh tế, “tour 0 đồng” còn đặt ra thách thức về quản lý HDV. Tại hội nghị diễn ra ở Đà Nẵng vào hôm qua, anh Chế Viết Đông, HDV tiếng Trung, tiết lộ: “Công ty lữ hành còn thuê HDV VN ngồi trên xe để đối phó cơ quan chức năng, nhưng cho người Trung Quốc dẫn đoàn, HDV VN nào tố giác thì bị công ty đuổi việc”. Chi hội HDV du lịch Đà Nẵng cũng cho biết trong hơn 45 đơn vị lữ hành tại Đà Nẵng có 10 đơn vị thường xuyên dùng HDV người Trung Quốc.
Nhận xét về tour giá rẻ, “tour 0 đồng”, ông Nguyễn Thái Bình, Chánh văn phòng - người phát ngôn Bộ VH-TT-DL, cho rằng: “Các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ mua sắm để bù đắp các chi phí cơ bản trong chương trình du lịch. Thực chất khách du lịch vẫn phải trả tiền đầy đủ cho các dịch vụ mình sử dụng vì doanh nghiệp biết cách kích thích tiêu dùng của khách qua các dịch vụ mua sắm, vui chơi giải trí”.
Phía Sở Du lịch TP.Đà Nẵng cũng thừa nhận do áp lực lấy hoa hồng bù chi phí, tour giá rẻ kéo theo nhiều hệ lụy. Điển hình là nhiều cơ sở mua sắm bán hàng kém chất lượng với giá cao hơn giá trị, giao dịch ngoại tệ trái phép, khách hàng bị ép vào các điểm mua sắm.
Tương tự tại Quảng Ninh, đã có nhiều vụ các cửa hàng, siêu thị do người Trung Quốc đứng đằng sau lừa khách đồng hương, gây hình ảnh xấu đến du lịch Quảng Ninh. Ngày 27.4, UBND TP.Hạ Long đã đình chỉ một cửa hàng thảo dược chuyên phục vụ khách Trung Quốc, địa chỉ số A114, Hạ Long, P.Bãi Cháy, TP.Hạ Long vì chặt chém du khách gần 80 triệu đồng. Ngày 4.4, UBND TP.Hạ Long đã đóng cửa điểm bán hàng “Trung tâm mua sắm thủ công mỹ nghệ Hồ Gươm”; phạt 55 triệu đồng Công ty CP du lịch và thương mại Hoàng Nguyên do kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc.
Không chỉ thất thu thuế, “tour 0 đồng” còn song hành cùng tình trạng “chảy máu” ngoại tệ. Ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Kỳ nghỉ Đà Nẵng - Chủ nhiệm CLB lữ hành khai thác thị trường Trung Quốc, cảnh báo khách Trung Quốc chi tiêu mua sắm xong, ngoại tệ lại chảy về nước này bởi các giao dịch thanh toán trực tuyến Alipay, WeChat Pay. Vào tháng 5.2018, lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ninh phát hiện một cửa hàng cho khách Trung Quốc thanh toán hơn 200 triệu đồng qua máy POS rồi “chạy thẳng” về nước này.
Không dễ giải quyết
Để giải quyết bất cập, một số ý kiến trong ngành du lịch Đà Nẵng cho rằng liên ngành cần thống kê lại số lượng khách nhập cảnh, từ đó đưa ra quy trình xử lý “tour 0 đồng” cả đường bay và đường biển. “Chúng ta không phải kìm hãm mà kiểm soát những người trốn thuế, không thể để cả đàn voi chui lọt lỗ kim về Trung Quốc”, ông Hùng nói. Thế nhưng, giải quyết tình trạng này không hề đơn giản. Chính ông Ngô Quang Vinh cho biết: “Một số doanh nghiệp đối tác nước ngoài đứng đằng sau với nhiều cách thức đối phó tinh vi. Bị kiểm tra thì lập 5 - 6 công ty lữ hành khác hoặc lập chi nhánh tỉnh khác đến Đà Nẵng hoạt động, báo cáo không trung thực, trốn thuế. Dù TP có nhiều nỗ lực nhưng thực tế chưa thể một lúc xử lý hết”.
Tương tự, việc kiểm soát giao dịch ngoại hối, thanh toán bằng máy POS đến từ các “tour 0 đồng” cũng rất thách thức. Ông Hồ Quang Huy, Phó chủ tịch UBND TP.Hạ Long, cho biết: “Về nguyên tắc, chúng tôi không được kiểm tra tư trang trên người du khách. Các đối tượng ăn mặc như khách du lịch giấu máy POS trên người khi cần thanh toán giao dịch mới đưa ra”.
Nên tổ chức đoàn liên ngành
Về định hướng giải quyết các hệ lụy, ông Phạm Ngọc Thủy cho rằng “tour 0 đồng” không chỉ gói gọn trong ngành du lịch mà liên quan đến cả lực lượng biên phòng, công an, thuế… Để xử lý kịp thời các vi phạm về du lịch, UBND tỉnh Quảng Ninh đã thành lập các tổ công tác kiểm tra hoạt động lữ hành và hoạt động khác có liên quan.
Ông Phạm Cao Thái, Chánh thanh tra Bộ VH-TT-DL, cũng đặt vấn đề: “Chúng tôi chỉ thanh tra những hoạt động chúng tôi quản lý nhà nước như hướng dẫn du lịch chui... Còn những hoạt động như mua bán thanh toán lại thuộc chức năng của những ngành khác nhau như quản lý thị trường, ngân hàng. Nên chúng tôi cũng yêu cầu khi thanh tra nên tổ chức thành đoàn liên ngành”.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Thái Bình cho biết: Bộ VH-TT-DL cũng đã làm việc với các bộ, ngành như Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an, Bộ Công thương và các địa phương để bàn các biện pháp phối hợp liên ngành. Trên cơ sở ý kiến đóng góp của các bên đã hoàn chỉnh báo cáo trình Thủ tướng xử lý vấn đề tour du lịch giá rẻ. Sau khi có báo cáo của Bộ VH-TT-DL và các ngành, Thủ tướng cũng đã tiếp tục chỉ đạo các ngành và các địa phương triển khai các giải pháp cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế của ngành du lịch và tăng thu hút khách du lịch quốc tế đến VN.
Nhiều nước cấm “tour 0 đồng”
Theo tờ South China Morning Post, chính phủ Trung Quốc ngay từ tháng 10.2013 đã ra lệnh cấm các hãng lữ hành trong nước mở “tour 0 đồng” đến Macau và Hồng Kông song đến nay một số công ty vẫn tìm cách lách luật. Theo tờ China Daily, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc đã tước giấy phép của 68 hãng lữ hành phục vụ “tour 0 đồng” cho khách Trung Quốc...
Bên cạnh đó, từ tháng 9.2016, chính phủ Thái Lan bắt đầu tiến hành chiến dịch truy quét mạnh tay nhằm vào các đơn vị, cơ sở tổ chức “tour 0 đồng”. Theo tờ Bangkok Post, chính phủ nước này còn đạt thống nhất với Cục Du lịch quốc gia Trung Quốc (CNTA) áp mức tối thiểu 1.000 baht/người/ngày (gần 700.000 đồng) cho tour trọn gói đến Thái Lan từ Trung Quốc. Ngoài ra, các gói du lịch tùy chọn phải đóng thêm khoản bắt buộc là 3.000 baht, có nghĩa là các tour kéo dài 3 hoặc 4 ngày sẽ ở mức tối thiểu 6.000 baht.
Thái Lan là điển hình về việc “thoát Trung” và hướng đến phát triển bền vững trong ngành du lịch. PGS-TS Phạm Trương Hoàng, thuộc Trường ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội - chuyên gia du lịch bền vững, cho biết Thái Lan đưa hẳn ra thành chính sách nói không với tour giá rẻ. Lúc đó, họ cũng có những khốn đốn nhất định. Nhưng mấy năm gần đây khá bất ngờ, doanh thu du lịch từ Thái Lan đứng thứ 5 trên thế giới, trong khi lượng khách xếp thứ 10. Như vậy, cố gắng của chính phủ Thái Lan về dài hạn có tác dụng.
“Đặc điểm của thị trường là khó can thiệp nhưng về mặt quản lý thì phải xác định mục tiêu là đặt lợi ích trong ngắn hạn hay dài hạn. Nếu mục đích ngắn hạn thì thế nào cũng được miễn là có tiền, nhưng đặt lợi ích dài hạn thì phải cân đối hai yếu tố thương hiệu và chất lượng. Rõ ràng “tour 0 đồng” khó có thể kiểm soát được chất lượng và giữ được thương hiệu”, PGS-TS Phạm Trương Hoàng nhận xét và nói thêm: “Nhà nước cần có định hướng dài hơi hơn. Ở VN, trong chiến lược phát triển du lịch đến 2020 tầm nhìn 2030 chúng ta đã xác định rõ định hướng không phải là du lịch phổ thông, du lịch chất lượng thấp mà là du lịch chất lượng cao, du lịch có thương hiệu. Như vậy, tour 0 đồng xem ra có mâu thuẫn với quan điểm phát triển của ngành”.
Ở góc độ địa phương, ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.Đà Nẵng, đề nghị: “Quảng bá hiện nay không nhất thiết dồn vào thị trường Hàn, Trung vốn đã quá đông, cần tập trung thị trường khác để tránh bẫy thu nhập thấp. Nếu một thị trường khách chiếm 70% cơ cấu thì sẽ là nguy cơ khi biến động chính trị, dịch bệnh, chúng ta đón ít khách nhưng chi tiêu cao hơn thì nguồn thu tốt hơn, TP văn minh hơn và giữ được môi trường du lịch lành mạnh hơn”.