|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Toshiba đang cân nhắc phương án dự phòng nếu không bán được mảng chip

07:00 | 25/10/2017
Chia sẻ
Tập đoàn công nghệ Toshiba cho biết đang cân nhắc các lựa chọn trong trường hợp chưa thể hoàn thành thương vụ bán lại mảng chip trị giá 18 tỷ USD vào cuối năm tài khóa này.
toshiba con lua chon nao neu khong ban duoc mang chip
Một cổ đông đến dự cuộc họp bất thường của Toshiba tại Chiba, Nhật Bản. Nguồn: Toru Hanai/Reuters.

Thương vụ bán lại mảng chip của Toshiba phải kết thúc vào cuối tháng 3/2018, nếu không tập đoàn này sẽ phải công bố tài sản ròng đang bị âm, tình trạng nợ vượt quá tài sản hiện có, trong năm thứ hai liên tiếp. Điều này có thể khiến cổ phiếu của tập đoàn công nghệ này bị hủy niêm yết trên Sàn Giao dịch Chứng khoán Tokyo (TSE).

“Chưa có gì được quyết định, nhưng đúng là chúng tôi đang cân nhắc các phương án dự phòng”, giám đốc điều hành Toshiba Satoshi Tsunakawa cho biết tại đại hội cổ đông bất thường vừa qua. Cũng trong đại hội này, các cổ đông đã phê chuẩn việc bán lại mảng chip của tập đoàn nay cho một liên doanh do Bain Capital LP đứng đầu.

Bán thành công mảng chip là điều rất quan trọng với Toshiba lúc này để trang trải khoản nợ hàng tỷ USD phát sinh từ vụ phá sản của nhà máy điện hạt nhân Westinghouse của tập đoàn này tại Mỹ.

Nhưng thỏa thuận chỉ vừa đạt được vào tháng trước sau quá trình đấu giá căng thẳng kéo dài và rất có khả năng thương vụ này sẽ không được phê chuẩn vào cuối tháng 3/2018 do quy trình đánh giá thường kéo dài ít nhất 6 tháng.

Ông Tsunakawa không nói thêm về các lựa chọn của Toshiba nhưng bình luận của ông được đưa ra sau khi TSE quyết định loại tập đoàn này khỏi diện theo dõi đặc biệt. Trước đó, vì bị liệt vào diện theo dõi đặc biệt nên Toshiba không thể phát hành thêm cổ phiếu mới ra thị trường.

Tuy nhiên, giới phân tích tin rằng các nhà đầu tư thông thường sẽ không mua cổ phiếu của doanh nghiệp đang liên tiếp gặp khó khăn này, từ bê bối kế toán năm 2015 đến vụ thua lỗ kỷ lục hồi năm ngoái.

“Toshiba có thể phát hành lượng cổ phiếu trị giá hàng trăm tỷ yen cho các nhà đầu tư như Bain Capital hoặc cũng có thể yêu cầu các ngân hàng chủ nợ chuyển nợ xấu thành cổ phần”, theo ông Kentaro Harada, chuyên gia phân tích tín dụng tại Công ty Chứng khoán SMBC Nikko.

Thương vụ bán lại mảng chip của Toshiba, nhà sản xuất chip bán dẫn NAND lớn thứ hai thế giới, cũng đang đối mặt nhiều thách thức pháp lý từ đối tác liên doanh mảng chip Western Digital (WD). WD tuyên bố phản đối bất kỳ thương vụ liên quan nào mà không có sự đồng ý của hãng và đã khởi kiện Toshiba lên Tòa án Trọng tài Quốc tế.

Toshiba cho biết vào thứ Ba (24/10) rằng tập đoàn này “vẫn quyết tâm giải quyết tranh chấp theo trình tự xét xử tại tòa án trọng tài”.

Theo ông Harada, nếu WD chiến thắng vụ kiện tại Tòa án Trọng tài Quốc tế, việc đó sẽ khiến các ngân hàng chủ nợ của Toshiba chùn bước trước quyết định cung cấp thêm các khoản hỗ trợ tài chính cho tập đoàn này.

Ngoài thương vụ bán lại mảng chip, các cổ đông cũng phê chuẩn báo cáo doanh thu của Toshiba năm vừa qua và chỉ định 10 thành viên ban giám đốc mới, trong đó có ông Tsunakawa và 7 thành viên đương nhiệm khác.

Tuy nhiên, báo cáo doanh thu này của Toshiba đang gây nhiều tranh cãi.

Được công bố vào tháng 8 sau nhiều tháng trì hoãn, báo cáo này không nhận được nhiều đồng thuận từ kiểm toán viên của Toshiba, rằng tập đoàn này đã chậm trễ trong việc báo cáo các khoản lỗ tại nhà máy điện hạt nhân Westinghouse.

Hai hãng tư vấn Glass Lewis và ISS đã đề nghị cổ đông Toshiba không nên phê chuẩn báo cáo này do nhận định mâu thuẫn của kiểm toán viên.

Theo một nguồn tin của Reuters, Ủy ban Giám sát Chứng khoán Nhật Bản cũng đang điều tra bản báo cáo doanh thu của Toshiba để xem liệu nó có ghi nhận đầy đủ các khoản lỗ phát sinh từ vụ phá sản nhà máy điện hạt nhân Westinghouse tại Mỹ hay không.

Trường Giang