|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

TopCV và Thuocsi là 2 startup Việt được Google hỗ trợ tăng tốc khởi nghiệp

11:07 | 07/08/2020
Chia sẻ
Một điểm trùng hợp đáng chú ý là cả TopCV lẫn Thuocsi đều gọi vốn thành công trong tháng 4/2020 trước khi tham gia chương trình tăng tốc khởi nghiệp của Google.

Google for Startups Accelerator: Southeast Asia là chương trình hỗ trợ khởi nghiệp trong 3 tháng của Google dành cho các startup đang ở giai đoạn ươm mầm hoặc gọi vốn Series A để giải quyết các vấn đề xã hội tại Đông Nam Á.

Các startup tham gia chương trình sẽ có cơ hội tận dụng tối đa tài nguyên của Google, từ con người, mạng lưới tới công nghệ. Các chuyên gia của Google thẩm định các startup. 

Mặc dù là một phần của Google for Startups Accelerator với tên gọi dành cho các quốc gia Đông Nam Á (Southeast Asia), chương trình sẽ tiếp nhận đơn ứng cử của Pakistan, bên cạnh ứng cử viên ở Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Singapore.

3 trong số 15 startup trong khu vực nhận sự hỗ trợ từ Google, có trụ sở ở Pakistan. Indonesia và Singapore đều có 3 doanh nghiệp trong danh sách, trong khi hai doanh nghiệp ở Việt Nam là Thuocsi.vn và TopCV.

Startup với cổng tuyển dụng nhân sự

Hồi tháng 4, TopCV thông báo nhận đầu tư 10 tỉ đồng từ Quĩ đầu tư Next100 của NextTech. Thương vụ diễn ra trong bối cảnh nhiều tỉnh thành vẫn đang giãn cách xã hội vì COVID-19. 

Với số vốn nhận mới, TopCV kì vọng sẽ xây dựng cổng tuyển dụng nhân sự từ xa để giúp người lao động tiếp cận thêm nhiều cơ hội việc làm hơn khi đại dịch hoành hành.

TopCV và Thuocsi là 2 startup Việt được Google hỗ trợ tăng tốc khởi nghiệp - Ảnh 1.

TopCV nhận 10 tỉ đồng đầu tư từ Quĩ Next100. Ảnh: TopCV.

Khảo sát của TopCV chỉ ra rằng trong 3 tháng đầu năm, lượng doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng đã giảm 30%-35% do dịch COVID-19 khiến nhiều doanh nghiệp giảm nhân sự hoặc thậm chí ngừng hoạt động.

Ngoài ra, theo số liệu TopCV công bố ở thời điểm gọi vốn thành công, tới 3 triệu ứng viên và 95.000 nhà tuyển dụng thường xuyên sử dụng dịch vụ của công ty. Tính trung bình mỗi ngày, công ty cập nhật 10.000 hồ sơ trên website.

Ông Trần Trung Hiếu, giám đốc TopCV, cho rằng đây là thời điểm mà các doanh nghiệp không chỉ cần linh hoạt trong mô hình kinh doanh, mà cần linh hoạt hơn trong cả phương thức tuyển dụng. 

Trong khi đó, ông Nguyễn Hòa Bình (Shark Bình), chủ tịch NextTech cho rằng, điểm đáng chú ý của TopCV chính là việc họ không gọi vốn để đốt tiền dù là một startup công nghệ.

Xóa sự phân mảnh trong thị trường thuốc

Tương tự câu chuyện của TopCV, Thuocsi.vn cũng đã gọi vốn thành công trong tháng 4 năm nay. BuyMed, chủ sở hữu thương hiệu Thuocsi, đã nhận 2,5 triệu USD đầu tư từ một loạt nhà đầu tư ngoại như Sequoia Capita (Ấn Độ), quĩ đầu tư Cocoon Capital (Singapore) và quĩ đầu tư mạo hiểm Genesia Ventures (Nhật Bản).

Một trong những nguyên nhân khiến BuyMed gọi vốn thành công vòng Series A là vì doanh thu công ty đã tăng gấp 3 lần trong năm 2019. 

TopCV và Thuocsi là 2 startup Việt được Google hỗ trợ tăng tốc khởi nghiệp - Ảnh 2.

Thuocsi tận dụng sự phân mảnh của thị trường dược phẩm để khởi nghiệp. Ảnh: Thuocsi.vn

Một trong những nguyên nhân khiến Thuocsi.vn ra đời là các nhà sáng lập nhận định thị trường thuốc Việt Nam và khu vưc tương đối phân mảnh. Ông Peter Nguyen, đồng sáng lập Thuocsi.vn, từng nói với TechCrunch ông chưa thấy một kênh phân phối dược phẩm đa thương hiệu nào đủ lớn tại Việt Nam.

Hầu hết thương hiệu dược phẩm lớn đều có kênh phân phối riêng. Chính vì thế, nguồn cung dành cho các cửa hàng thuốc vô cùng phân tán.

Cũng theo Peter Nguyen, hiện Việt Nam có khoảng 200 nhà sản xuất thuốc, nhưng chỉ khoảng 2% số đó hoạt động theo mô hình nhượng quyền thương mại, và phần còn lại hoạt động độc lập. Các nhà phân phối sẽ phải làm việc với lượng lớn nhà thuốc độc lập. Thuocsi.vn sẽ giải quyết vấn đề bằng cách trở thành nhà phân phối sỉ tới các nhà thuốc.

Tiểu Phượng

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.