|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

TOP 10 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao nhất năm 2021

08:47 | 16/02/2022
Chia sẻ
Top 10 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao nhất tính đến cuối năm 2021 bao gồm VPBank, NCB, Viet Capital Bank, VIB, PGBank, ABBank, Saigonbank, Eximbank, Kienlongbank và VietABank.
TOP 10 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao nhất năm 2021 - Ảnh 1.

TOP 10 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao nhất năm 2021 - Ảnh 2.

Đồ hoạ: Alex Chu.

Theo thống kê số liệu từ báo cáo tài chính quý IV/2021 của 26 ngân hàng, tỷ lệ nợ xấu trung bình của các nhà băng đến thời điểm cuối năm 2021 giảm 0,12 điểm % so với năm trước xuống còn 1,64%.

Trong đó, VPBank là ngân hàng có tỷ lệ cao nhất ở mức 4,47%. Tuy nhiên, đây là tỷ lệ nợ xấu theo báo cáo tài chính hợp nhất, tức bao gồm của cả ngân hàng mẹ và công ty con. Nếu xét riêng ngân hàng mẹ, số dư nợ xấu chỉ nhích nhẹ 1% lên 5.630 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu thậm chí giảm từ mức 2,52% xuống 2,01%.

Sau VPBank, NCB và Ngân hàng Bản Việt là hai nhà băng có tỷ lệ nợ xấu cao thứ hai và thứ ba với mức lần lượt là 3% và 2,53%.

Những cái tên còn lại cũng góp mặt trong Top 10 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao nhất tính đến cuối năm 2021 bao gồm VIB, PGBank, ABBank, Saigonbank, Eximbank, Kienlongbank và VietABank.

Ở chiều ngược lại, mặc dù nợ xấu của Vietcombank đã tăng 17% lên 6.121 tỷ đồng, chủ yếu tăng tại nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) và nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ). Tỷ lệ nợ xấu nội bảng chỉ nhích nhẹ từ mức 0,62% lên 0,64%, mức thấp nhẩt trong số các ngân hàng khảo sát.

Ngoài ra, các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất còn có Techcombank (0,66%), ACB và Bac A Bank đều là 0,77%, SHB (0,8%),...

Theo ước tính của NHNN, tỷ lệ nợ xấu bao gồm nợ tiềm ẩn và nợ đã được cơ cấu lại theo Thông tư 01 ở mức 7,31% vào thời điểm cuối năm 2021. Chứng khoán SSI cho rằng con số thực tế nợ xấu của các ngân hàng sẽ lộ diện sau 30/6 do sẽ không còn đợt giãn nợ nào khác nên sau thời hạn này.

Theo Chứng khoán Mirae Asset, đối với các ngân hàng có tỷ trọng ngân hàng bán lẻ cao như VPBank, VIB, TPBank, tỷ lệ nợ xấu sẽ sớm được phản ánh trên báo cáo tài chính. 

Ngoài ra, do tác động của Thông Tư 14 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), ngân hàng được phép cơ cấu một phần dư nợ của khách hàng mà không chuyển nhóm. Vì vậy, tỷ lệ nợ được tái cơ cấu dựa trên Thông tư 14 có thể không đáng kể.

Song, một khi doanh nghiệp mất khả năng hoàn thành nghĩa vụ nợ thì nợ xấu tiềm năng từ các khoản nợ còn lại có thể khiến nợ xấu của ngân hàng tăng cao, công ty chứng khoán nhận định.

Tỷ lệ nợ xấu các ngân hàng trong năm 2021

TOP 10 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao nhất năm 2021 - Ảnh 3.

Nguồn: Diệp Bình tổng hợp.

Phương Nga