|
 Thuật ngữ VietnamBiz

Tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng 6 tháng giảm 0,8% so với cùng kì năm ngoái

15:16 | 29/06/2020
Chia sẻ
Tính chung 6 tháng đầu năm nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 2.380,8 nghìn tỉ đồng, giảm 0,8% so với cùng kì năm ngoái.

Theo Tổng cục Thống kê, ngành dịch vụ thị trường về bán buôn và bán lẻ là một trong những động lực chính cho tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm nay, bên cạnh hoạt động công nghiệp chế biến, chế tạo và tài chính, ngân hàng, bảo hiểm.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng 6 tháng giảm 0,8% so với cùng kì năm ngoái - Ảnh 1.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng 6 tháng giảm 0,8% so với cùng kì năm ngoái. Ảnh: Tường Vy

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tính chung 6 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 2.380,8 nghìn tỉ đồng, giảm 0,8% so với cùng kì năm ngoái. Nếu loại trừ yếu tố giá giảm 5,3%, trong đó quý II ước tính đạt 1.154,9 nghìn tỉ đồng, tổng mức bán lẻ giảm 5,8% so với quý trước và giảm 4,6% so với cùng kì năm ngoái.

Chỉ tính riêng trong tháng 6, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 431 nghìn tỉ đồng, tăng 6,2% so với tháng trước và tăng 5,3% so với cùng kì năm ngoái.

Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa 6 tháng đầu năm đạt 1.895,6 nghìn tỉ đồng, chiếm 79,6% tổng mức và tăng 3,4% so với cùng kì năm ngoái. Nguyên nhân là do nguồn cung hàng hóa dồi dào, cùng với đó, mua sắm trực tuyến ngày càng phổ biến đặc biệt là trong thời gian giãn cách xã hội nên vẫn đáp ứng tốt nhu cầu của người dân.

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 234,7 nghìn tỉ đồng, chiếm 9,9% tổng mức và giảm 18,1%. Doanh thu du lịch lữ hành đạt 10,3 nghìn tỉ đồng, chiếm 0,4% tổng mức và giảm 53,2%. Và doanh thu dịch vụ khác đạt 240,2 nghìn tỉ đồng, chiếm 10,1% tổng mức và giảm 7,4%.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng 6 tháng giảm 0,8% so với cùng kì năm ngoái - Ảnh 2.

Biểu đồ tỉ lệ doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trong 6 tháng đầu năm 2020 theo ngành hoạt động. Đồ họa: Alex Chu

Về chỉ số giá tiêu dùng CPI, dữ liệu cho thấy chỉ tính riêng trong tháng 6/2020 CPI đã tăng 0,66% so với tháng trước. Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, đây là mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2016 - 2020, với 7/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chủ yếu có chỉ số giá tăng, nhóm giao thông là tăng cao nhất.

Nguyên nhân CPI tháng 6 tăng so với tháng trước chủ yếu là do giá xăng dầu tăng cao 3 đợt liên tiếp sau chuỗi giảm kéo dài từ Tết Nguyên đán và giá thịt lợn tiếp tục tăng trong những ngày đầu tháng 6. Mặc dù vậy CPI tháng 6/2020 vẫn giảm 0,59% so với tháng 12/2019 - mức thấp nhất trong giai đoạn 2016 - 2020.

CPI quý II/2020 giảm 1,87% so với quý trước và tăng 2,83% so với cùng kì năm 2019. CPI bình quân 6 tháng đầu năm tăng 4,19% so với bình quân cùng kì năm 2019. Lạm phát cơ bản bình quân 6 tháng đầu năm 2020 tăng 2,81% so với bình quân cùng kì năm 2019.

Tính bình quân 6 tháng đầu năm 2020, chỉ số giá tiêu dùng tăng 4,19% so với cùng kì năm ngoái. Đây là mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2016 - 2020.

Tường Vy

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.