Tổng Giám đốc HHV: Tổng giá trị xây lắp đã ký trong năm là 2.000 tỷ, lợi nhuận 9 tháng tăng 10%
Tại sự kiện KB Connect do CTCP Chứng khoán KB Việt Nam (KB Securities) tổ chức, ông Nguyễn Quang Huy, Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư Hạ tầng giao thông Đèo Cả (Mã: HHV) đã chia sẻ về kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm với doanh thu tăng khoảng 15% và lợi nhuận tăng 10% (không nêu rõ là lợi nhuận trước thuế hay sau thuế).
9 tháng năm 2021, HHV ghi nhận doanh thu là 1.245 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 218 tỷ.
Trả lời câu hỏi của cổ đông về thời gian hoàn vốn tại tại các trạm thu phí BOT, ông Nguyễn Quang Huy cho biết theo hợp đồng ký với các cơ quan có thẩm quyền, trong trường hợp doanh thu tăng/giảm liên tục 2% trong 2 năm liên tiếp thì doanh nghiệp có quyền đàm phán lại, điều chỉnh thời gian thu phí để phù hợp lưu lượng tình hình doanh thu thực tế tại các trạm thu phí. Do đó quyền lợi của nhà đầu tư luôn được đảm bảo theo cam kết ban đầu với nhà nước, đảm bảo khả năng hoàn vốn.
Hiện HHV đang quản lý 15 trạm thu phí BOT trên khắp cả nước, trong đó tập trung vào các dự án là Đèo Cả, Đèo Cù mông, Hầm Hải Vân, Bắc Giang - Lạng Sơn, dự án Mở rộng Quốc lộ 1.
Về hạng mục xây lắp của HHV, từ đầu năm 2022, công ty đã trúng thầu và ký các hợp đồng dự án xây lắp như tại Cam Lâm - Vĩnh Hảo, đường ven biển tại các địa phương (tại Bình Định,...) và các hoạt động quản lý vận hành với tổng giá trị gần 2.000 tỷ đồng.
Liên quan tới tiến độ các dự án xây dựng sắp tới, lãnh đạo HHV chia sẻ, đối với dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo, dự kiến hoàn thành cuối năm 2023 đưa vào sử dụng. Từ lúc HHV tham gia vai trò vừa là nhà thầu thi công, công ty đã ký nhiều hợp đồng tại dự án này với tổng giá trị 1.400 tỷ đồng.
Cũng tại dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo, HHV cũng tham gia và ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty BOT Cam Lâm - Vĩnh Hảo với giá trị dự kiến là 1.300 tỷ. Công ty có ý định chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu nhằm tăng vốn, từ đó có nguồn tiền tham gia đầu tư tại dự án cao tốc này.
Tại cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng, dự án đang được tỉnh Lạng Sơn trình Thủ Tướng tách dự án để triển khai thời gian tới, dự kiến được phê duyệt chủ trương quý IV tới. Dự án sẽ triển khai sau đó khoảng 6 tháng.
Với dự án Đồng Đăng - Trà Lĩnh, hiện đã được phê duyệt chủ trương. Nhưng do tiêu chuẩn xây dựng có thay đổi nên phải thay đổi chủ trương, dự kiến được phê duyệt quý IV này để làm cơ sở cho UBND tỉnh Cao Bằng thực hiện các thủ tục lựa chọn nhà đầu tư.
Với dự án Tân Phú - Bảo Lộc, dự án đã được hoàn thiện hồ sơ trình Thủ Tướng Chính Phủ. Lãnh đạo HHV dự kiến Mất khoảng 6 -9 tháng để phê duyệt dự án cũng như đấu thầu.
Ông Huy cũng chia sẻ thêm, đối với việc hoàn vốn tại dự án hầm Hải Vân, do không thể đặt trạm thu phí tại cao tốc La Sơn - Túy Loan (cũng do HHV xây dựng và Đèo Cả đầu tư) nên nhà nước sẽ bổ sung khoảng 2.000 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhằm hoàn vốn cho Đèo Cả.
Về dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, dự án sẽ được bổ sung 2.056 tỷ đồng vào phương án tài chính để đảm bảo phương án hoàn vốn cho phía Đèo Cả. Đến thời diểm này, khoản này chưa được giải ngân về cho công ty. Nếu nguồn vốn giải ngân chậm kéo dài, phía công ty sẽ đàm phán với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để điều chỉnh mức thu phí, thời gian thu phí nhằm đảm bảo phương án tài chính của dự án được duyệt.
Về nguồn tài trợ cho các dự án của HHV khi hạn mức tín dụng đang hạn chế và việc huy động vốn trên thị trường chứng khoán khó khăn hơn, HHV cho biết công ty đã có sẵn các kịch bản và được các tổ chức tín dụng hỗ trợ.
Sắp tới HHV sẽ tham gia các dự án như Đồng Đăng - Trà Lĩnh và dự án này đã được Ngân hàng VP Bank tài trợ tín dụng lên 4.300 tỷ đồng. Dự án Hữu Nghị Chi Lăng được TP Bank cam kết cho vay tín dụng 3.500 tỷ đồng.