|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Tổng giám đốc EVN: Mỗi kWh điện bán ra, EVN lỗ khoảng 180 đồng

07:41 | 16/12/2022
Chia sẻ
Ông Trần Đình Nhân, Tổng giám đốc EVN cho biết với giá bán lẻ điện bình quân khoảng 1.864 đồng/kWh, mỗi kWh điện bán ra thì phía EVN lỗ khoảng 180 đồng. Lãnh đạo doanh nghiệp này đề nghị sớm áp dụng cơ chế thị trường đối với ngành điện.

Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và tổ chức, phương hướng nhiệm vụ năm 2023, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp thông tin năm 2022, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ước tính lỗ 31.000 tỷ đồng do không được tăng giá điện, theo báo Dân Trí.

Ông Trần Đình Nhân, Tổng giám đốc EVN cho biết 2022 là năm khó khăn với EVN và các đơn vị thành viên. Doanh thu tập đoàn ước đạt 460.000 tỷ đồng, tăng 4,3% so với năm 2021, song biến động giá nhiên liệu gồm cả than, dầu, khí đã làm cho chi phí tăng rất cao, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh. 

Trong đó, riêng giá than nhập khẩu tăng 6 lần do với đầu năm 2021 và tăng gấp 3 lần so với đầu năm nay. Phần giá than tăng thêm khiến chi phí đội lên tới hơn 47.000 tỷ đồng. Chưa kể, năm 2022, giá dầu cũng biến động lớn.

EVN đã thực hiện các giải pháp nhưng lợi nhuận vẫn âm. Với giá bán lẻ điện bình quân hiện nay là 1.864 đồng/kWh, mỗi kWh điện bán ra thì phía EVN lỗ khoảng 180 đồng, ông Trần Đình Nhân thông tin. 

Theo quy định, công ty mẹ EVN chưa bảo toàn vốn. Tuy nhiên, lãnh đạo EVN cho rằng công ty mẹ EVN lỗ do ảnh hưởng trực tiếp từ việc tăng giá đầu vào của chi phí nhiên liệu và công ty phải trích lập dự phòng cho khoản lỗ của các công ty con.

Trước khó khăn này, EVN đã báo cáo Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và các Bộ ngành cho điều chỉnh giá điện trong năm 2022 để có thể cân đối tài chính của EVN trong những năm tới; sớm áp dụng cơ chế thị trường đối với hoạt động điện lực, kịp thời điều chỉnh giá điện khi các yếu tố đầu vào thay đổi.

Ngoài ra, EVN cũng kiến nghị Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam tăng cường khai thác than trong nước để cung cấp đủ than cho các nhà máy nhiệt điện, có giải pháp giảm giá bán than cho điện. 

Lãnh đạo EVN cũng nêu khó khăn về dự án chậm tiến độ do quy hoạch, thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng, vốn… Đồng thời, kiến nghị xem xét phê duyệt dự án đầu tư nhà máy thủy điện Trị An mở rộng, được chấp thuận ký hợp đồng thế chấp tài sản để vay vốn cho dự án nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch I...

Năm 2023, tập đoàn này đặt kế hoạch sản lượng điện thương phẩm là 256,2 tỷ kWh. Kế hoạch vốn đầu tư toàn tập đoàn là 96.750 tỷ đồng, trong đó Công ty mẹ EVN là 17.400 tỷ đồng.

Phản hồi về những đề xuất điều chỉnh giá điện như giá xăng của EVN, ông Hồ Sỹ Hùng, Phó Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp cho biết: "Ủy ban cũng mong muốn có cơ chế để đưa giá điện sát vơi thị trường.

Các doanh nghiệp có cơ sở để tự xem xét hiệu quả hoạt động đầu tư của mình cũng như chi phí sản xuất kinh doanh đầu vào để đưa ra giá đầu ra. Còn nếu không theo giá cạnh tranh thì hiệu quả kinh tế bị giảm rất nhiều.", theo báo Công Thương.

Ông Hồ Sỹ Hùng cho rằng nếu giữ nguyên mức giá điện như hiện nay sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành điện. Bên cạnh đó, nếu giá điện vẫn giữ nguyên thì việc xã hội hóa, thu hút đầu tư vào lĩnh vực này cũng hết sức khó khăn, gây ảnh hưởng đến việc cung ứng điện cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, đặc thù của ngành điện và xăng dầu khác nhau, nếu điều chỉnh giá điện điều hành 10 ngày/lần như xăng dầu sẽ rất khó bởi tiền điện người tiêu dùng trả theo tháng, còn xăng dầu mua hàng ngày. Do vậy, ông Hồ Sỹ Hùng cho rằng cần xem xét chu kỳ điều chỉnh và điều chỉnh với biên độ hợp lý.

Hoàng Anh

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.