|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Tổng Giám đốc BIDV: Trả cổ tức bằng tiền, khó đạt hệ số CAR an toàn

10:34 | 22/10/2016
Chia sẻ
Theo ông Phan Đức Tú, Tổng Giám đốc BIDV, việc trả cổ tức bằng tiền mặt sẽ khiến ngân hàng này khó đạt được hệ số CAR ở mức an toàn, dù đã mấp mé đạt được theo Basel 2.

Sáng nay (22/10), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV (Mã: BID) tổ chức Đại hội cổ đông bất thường.

Đúng 10h, Đại hội tiến hành theo quy định với số cổ đông tham dự hợp lệ.

Ông Phan Đức Tú, Tổng Giám đốc BIDV nêu các nội dung tờ trình về sửa đổi Điều lệ và các vấn đề đã nêu trong tờ trình.

Trong phần thảo luận, ông Phan Đức Tú đại diện BIDV trả lời các câu hỏi cổ đông.

- Cổ đông: Tại sao BIDV bất ngờ trả cổ tức năm 2015 bằng tiền thay vì bằng cổ phiếu như Nghị quyết ĐHCĐ thường niên 2016?

Nghị quyết ĐHCĐ năm 2016 có hiệu lực và là Nghị quyết tối cao của ĐHCĐ, luôn có giá trị pháp lý. Tại Đại hội này, cổ đông thông qua việc trả cổ tức năm 2015, tỷ lệ 8,5%, giao HĐQT báo cáo cơ quan Nhà nước về phương thức chi trả.

Trước thời điểm tổ chức Đại hội vào ngày 30/4, BIDV xin ý kiến Bộ tài chính, NHNN về phương án chi cổ tức nhưng lúc đó chưa nhận được ý kiến chính thức nhưng vẫn phải tiến hành Đại hội. Do đó, cổ đông ủy quyền cho HĐQT quyết định điều chỉnh phương thức chi trả cổ tức theo phê duyệt cuối cùng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nên việc trả cổ tức 8,5% bằng tiền là hợp lệ.

- Kết quả kinh doanh quý III/2016 cụ thể ra sao? Đề nghị nhanh chóng năm 2017 có ĐHCĐ thường niên và chia cổ tức bằng 2 đợt, đợt 1 bằng tiền, đợt 2 vừa bằng tiền, vừa bằng cổ tức.

Sáng nay BIDV đã công bố BCTC với 9 tháng, tổng tài sản 956.000 tỷ đồng, tăng 11,5% so cùng kỳ và tăng 21,6% so với năm ngoái. Tổng vốn huy động 887 nghìn tỷ đồng, trong đó huy động từ tổ chức kinh tế dân cư là 754 nghìn tỷ đồng, 14,2% so với đầu năm.

Tổng quy mô tín dụng và đầu tư đến cuối tháng 9 đạt 912.000 tỷ đồng, trong đó tín dụng khu vực 1 là 698.000 tỷ đồng, tăng 12,7% so với đầu năm.

Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận trước thuế đạt 5.623 tỷ đồng, tăng 6,9% so cùng kỳ năm trước và bằng 71% kế hoạch năm.

- Trả cổ tức bằng cổ phiếu làm hệ số CAR theo tiêu chuẩn Basel 2 có an toàn không? Năm sau BIDV có tiến tới Basel 3 được không?

Hiện hệ số CAR của BIDV là hơn 9%, gần chạm ngưỡng an toàn. Việc chi trả cổ phiếu bằng cổ tức hay tiền mặt là vấn đề chúng tôi cân nhắc. Nếu chúng ta không chi bằng cổ phiếu mà bằng tiền thì tiền nộp Ngân sách, đồng nghĩa sẽ khó để đạt hệ số an toàn, đây là điều trăn trở của lãnh đạo ngân hàng

Về năm sau, hệ số CAR có nhiều biến số, chúng ta phải vừa kiểm soát tăng trưởng và gia tăng vốn tự có. Chúng tôi đảm bảo rằng trong các tình huống, BIDV sẽ điều hành đảm bảo các hệ số an toàn, nhất là hệ số CAR.

- Chi phí dự phòng năm 2016 của BIDV là bao nhiêu? Trích lập dự phòng cho VAMC bao nhiêu?

Trích dự phòng rủi ro 6.500 - 7.000 tỷ đồng, dựa trên chất lượng tín dụng từng thời điểm.

Tổng nợ bán cho VAMC khoảng 20.500 tỷ đồng, trích mỗi năm 20%, tương đương hơn 4.000 tỷ đồng/năm. Hiện BIDV đã trích đủ số này, trích dự phòng rủi ro cho VAMC, cho trái phiếu VAMC và trích rủi ro cho hệ thống tín dụng.

Nội dung trước Đại hội

Theo nội dung tờ trình, HĐQT trình cổ đông sửa đổi Điều lệ ngân hàng, quy định cụ thể Tổng giám đốc là người đại diện theo pháp luật của BIDV. Trước đó, Điều lệ quy định Chủ tịch HĐQT là người đại diện.

HĐQT đề xuất bỏ nội dung Đại diện cho BIDV trong quan hệ tố tụng, tranh chấp, giải thể, phá sản và sửa thành Đại diện cho BIDV trong quan hệ quốc tế.

Ngay trước thềm đại hôi, BIDV đã thông qua tỷ lệ chi trả cổ tức 8,5% bằng tiền mặt thay vì bằng cổ phiếu. Đáng nói trước đó, cổ đông BIDV đã nhất trí chi trả cổ tức năm 2015 với tỷ lệ 8,5% với hình thức phát hành cổ phần để trả cổ tức.

Tỷ lệ tán thành với phương án này đạt 100% (trong đó bao gồm cả biểu quyết của nhóm cổ đông đại diện NHNN chiếm 95,28% tỷ lệ sở hữu). Tuy nhiên, Bộ Tài chính quyết liệt phản đối và yêu cầu ngân hàng này phải chi trả bằng tiền mặt cho ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, nhiều vấn đề còn bỏ ngỏ trước kỳ họp Đại hội của BIDV mà không được đề xuất trong tờ trình. Đầu tiên là kế hoạch tái cơ cấu đối với các khoản cho vay Hoàng Anh Gia Lai (HAG). BIDV là chủ nợ lớn nhất của HAG.

Tính đến tháng 4/2016, tính các khoản cho vay tín dụng, BIDV và Chứng khoán BSC đã thu xếp phát hành trái phiếu cho HAG lên đến 10.715 tỷ đồng, hơn một nửa số vay là vay dài hạn.

Ngoài ra, BIDV đang chưa có quyết định bổ nhiệm chính thức Tân Chủ tịch HĐQT. Hiện, ông Trần Anh Tuấn là thành viên HĐQT kiêm quyền Chủ tịch BIDV. Trước đó, ngày 18/8, Thống đốc Ngân hàng nhà nước đã quyết định ông Trần Bắc Hà thôi giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT và thôi làm người đại diện 40% phần vốn Nhà nước tại BIDV.

Đức Phạm - Khổng Chiêm