|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Tổng đầu tư năng lượng toàn cầu năm nay dự kiến vượt 3.000 tỷ USD

01:00 | 07/06/2024
Chia sẻ
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), tổng đầu tư năng lượng toàn cầu năm nay dự kiến sẽ lần đầu tiên vượt 3.000 tỷ USD, trong đó khoảng 2.000 tỷ USD sẽ được dành cho các công nghệ sạch.
 

(Ảnh minh hoạ: Reuters).

Báo cáo Đầu tư Năng lượng thế giới hàng năm của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho thấy đầu tư toàn cầu vào công nghệ và cơ sở hạ tầng năng lượng sạch dự kiến đạt 2.000 tỷ USD trong năm nay, gấp đôi dành cho nhiên liệu hóa thạch.

Theo báo cáo trên, tổng đầu tư năng lượng toàn cầu năm nay dự kiến sẽ lần đầu tiên vượt 3.000 tỷ USD, trong đó khoảng 2.000 tỷ USD sẽ được dành cho các công nghệ sạch. Trước đó, năm 2023, đầu tư vào năng lượng tái tạo và lưới điện lần đầu tiên đã vượt qua số tiền chi cho nhiên liệu hóa thạch.

Đầu tư vào năng lượng sạch năm nay của Trung Quốc ước tính đạt 675 tỷ USD, trong khi con số này của châu Âu dự kiến đạt 370 tỷ USD và Mỹ là 315 tỷ USD. Điện Mặt Trời (quang điện) thu hút nhiều khoản đầu tư hơn bất kỳ công nghệ sản xuất điện nào khác, dự kiến sẽ tăng lên 500 tỷ USD trong năm 2024.

Dự báo đầu tư vào năng lượng tái tạo và hạt nhân để sản xuất điện sẽ gấp 10 lần lượng đầu tư vào năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch, và dẫn đầu là năng lượng Mặt Trời, trong đó Trung Quốc đầu tư lớn nhất.

Theo IEA, việc cải thiện chuỗi cung ứng và giảm chi phí đang thúc đẩy đầu tư vào các dạng năng lượng sạch như năng lượng tái tạo, xe điện, năng lượng hạt nhân, lưới điện, kho lưu trữ, nhiên liệu phát thải thấp, cải thiện hiệu suất và bơm nhiệt.

Giám đốc điều hành IEA, ông Fatih Birol cho biết: “Sự gia tăng chi tiêu cho năng lượng sạch là nhờ kinh tế phát triển mạnh mẽ, cũng như những cân nhắc về an ninh năng lượng”.

IEA nhận định việc đáp ứng các mục tiêu toàn cầu trung hạn nhằm giảm lượng khí thải carbon có hại sẽ đòi hỏi phải tăng gấp đôi đầu tư vào năng lượng tái tạo trên toàn thế giới vào năm 2030.

Tuy nhiên, IEA cảnh báo "sự mất cân bằng và thiếu hụt lớn trong đầu tư năng lượng ở nhiều nơi trên thế giới". Báo cáo cho biết đầu tư vào dầu khí toàn cầu dự kiến sẽ tăng 7% trong năm 2024, lên 570 tỷ USD, chủ yếu ở Trung Đông và châu Á.

Các nền kinh tế mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển vẫn còn ít đầu tư cho lĩnh vực năng lượng tái tạo với chỉ khoảng 300 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với mức cần thiết để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng ở những quốc gia này. Ông Birol nhấn mạnh: “Cần phải làm nhiều hơn nữa để đảm bảo rằng khoản đầu tư sẽ đến được những nơi cần thiết nhất”.

Dù vậy, sự bùng nổ của các trung tâm dữ liệu (data center) đang thách thức mục tiêu năng lượng sạch ở châu Á. Nhật Bản đang vật lộn với các mục tiêu khử carbon khi sự phát triển nhanh chóng của các trung tâm dữ liệu đang làm tăng nhu cầu về điện.

Vấn đề này xuất hiện đối với cả Nhật Bản khi nước này nỗ lực cập nhật chính sách năng lượng cơ bản trước tháng 3/2025, cũng như đối với Hàn Quốc và Đông Nam Á, nơi thị trường trung tâm dữ liệu cũng đang phát triển.

Các công ty dịch vụ đám mây đang gấp rút xây dựng trung tâm dữ liệu để xử lý và lưu trữ lượng thông tin khổng lồ phục vụ lối sống công nghệ cao của con người. Cơ sở hạ tầng cũng cần thiết để hỗ trợ phát triển trí tuệ nhân tạo (AI). Điều này đòi hỏi một lượng điện năng lớn, vừa để xử lý dữ liệu số vừa để làm mát phần cứng.

Tháng 1/2024, IEA ước tính nhu cầu năng lượng toàn cầu từ các trung tâm dữ liệu có thể tăng hơn gấp đôi từ năm 2022 đến năm 2026.

Theo Viện Nghiên cứu công nghiệp Điện lực Trung ương của Nhật Bản, mức tiêu thụ điện của các trung tâm dữ liệu ở nước này dự kiến tăng tới 105 terawatt/giờ vào năm 2040, tăng khoảng 5 lần so với mức 20 terawatt/giờ vào năm 2021 và lên 211 terawatt/giờ vào năm 2050.

Trong khi đó, dữ liệu của Chính phủ cho thấy tổng mức tiêu thụ điện của Nhật Bản trong năm tài chính 2022, không bao gồm lượng điện dùng để phát điện, là khoảng 900 terawatt/giờ.

Các công ty công nghệ nước ngoài như Microsoft, Amazon Web Services và Oracle dự kiến sẽ đầu tư hàng tỷ USD vào Nhật Bản trong những năm tới. Các trung tâm dữ liệu lớn chủ yếu được đặt tại Tokyo và Osaka, nhưng cũng đang được xây dựng ở các khu vực khác, chẳng hạn như đảo Hokkaido ở phía Bắc.

Việc khử carbon trong ngành điện là chìa khóa nếu Tokyo đáp ứng cam kết giảm 46% lượng phát thải khí nhà kính vào năm tài chính 2030 so với mức của năm tài chính 2013 và đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Hàn Quốc cũng phải đối mặt với thách thức tương tự. Nước này cũng phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu và đang nỗ lực xây dựng năng lực năng lượng tái tạo.

Số lượng trung tâm dữ liệu dự kiến sẽ tăng mạnh trong nước khi các công ty công nghệ trong nước và toàn cầu, bao gồm Naver, Kakao và Equinix, gấp rút thành lập các trung tâm của riêng mình để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về điện toán AI.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Minh Trang

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.