|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Tồn kho thấp, nhu cầu cao đẩy giá tiêu tăng mạnh

07:00 | 27/12/2023
Chia sẻ
Lượng tiêu thụ tăng lên trong khi nguồn cung hạn chế là những yếu tố hỗ trợ giá tiêu nội địa thời gian qua.

Giá tiêu cuối năm tăng mạnh

Bên cạnh cà phê, tiêu cũng trở thành mặt hàng có sức hút ở khu vực Tây Nguyên trong giai đoạn cuối năm.  Đà tăng giá tiêu được kích hoạt từ đầu tháng 11 và kéo dài cho đến nay.Giá tiêu đã chạm đỉnh gần 2 năm ở mức 85.500 đồng/kg hôm 20/12 và bắt đầu hạ nhiệt trong những ngày gần đây.

Tính đến ngày 26/12, giá tiêu trung bình tại các tỉnh Tây Nguyên khoảng 83.000 đồng/kg, tăng 23% so với đầu tháng 11. Nếu so sánh với đầu năm, giá tiêu đã tăng tới 45%. 

 Nguồn: H.Mĩ tổng hợp.

Lượng tiêu thụ tăng lên trong khi nguồn cung hạn chế là những yếu tố hỗ trợ giá tiêu nội địa thời gian qua. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, Việt Nam đã xuất khẩu 20.238 tấn hồ tiêu trong tháng 11 với trị giá thu về 77,7 triệu USD, tăng 23,7% về lượng và tăng 28,4% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Như vậy, đây đã là tháng thứ 4 liên tiếp xuất khẩu hồ tiêu tăng so với cùng kỳ cũng như năm 2022. Điều này cho thấy nhu cầu đang có sự cải thiện tích cực. 

Luỹ kế đến hết tháng 11, xuất khẩu hồ tiêu đạt 245.665 tấn tăng 18% so với cùng kỳ. 

Nguồn: Tổng Cục Hải quan, H.Mĩ tổng hợp.

Trong khi nhu cầu cải thiện, nguồn cung tiêu vẫn đang hạn chế. Tính đến hết tháng 11, lượng cung tiêu ước đạt 214.490 tấn (bao gồm 190.000 tấn sản lượng và 24.490 tấn nhập khẩu), trong khi nhu cầu xuất khẩu đã lên tới245.665 tấn, chưa kể lượng tiêu thụ trong nước.

Do vậy, để bù đắp sự thiếu hụt nguồn cung cho xuất khẩu, doanh nghiệp đã phải lấy từ nguồn hàng từ niên vụ trước đó. 

Hiệp hội Hồ tiêu và Cây Gia vị (VPSA) cho biết dự kiến 3 tháng cuối năm Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng 45.000 tấn đưa tổng lượng xuất khẩu cả năm 2023 ước đạt 250.000 tấn. Lượng tồn kho 2023 chuyển sang năm 2024 sẽ thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Hiện chỉ có một vài địa phương ở Đắk Nông thu hoạch sớm tiêu của niên vụ 2023 - 2024; còn lại phải sang tháng 1/2024, các tỉnh mới bắt đầu hái tiêu. Tuy nhiên, ảnh do ảnh hưởng bởi thời tiết bất lợi kèm làn sóng chuyển sang loại cây trồng khác khiến sản lượng tiêu được dự báo tiếp tục thu hẹp trong niên vụ 2023 - 2023. 

Điển hình như tại tỉnh Đắc Lắk, một số doanh nghiệp cho biết diện tích chủ yếu tập trung Cư Kuin, Ea Hleo, Chư M’gar, Krong Năng người dân trồng trồng xen sầu riêng nhiều, do tiêu già, chết và dân không trồng thêm. Tại nhiều nơi, người dân đang lưỡng lự có nên chuyển sang trồng sầu riêng hoặc cà phê  sau vụ thu hoạch 2024.

Tại cuộc họp ban hấp hành hiệp hội diễn ra hồi giữa tháng 10, bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch VPSA nhận định vụ tiêu năm nay sẽ giảm khoảng 10-15%, dự kiến sản lượng thu hoạch ước đạt 160.000-165.000 tấn. 

Giá tiêu có thể đạt 87.000 đồng/kg trong quý I/2024?

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Đức Huy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV XNK 2-9 Đắk Lắk (Simexco), cho biết người mua vẫn chưa thể chấp nhận với giá hiện tại dù nhu cầu cuối năm ở mức cao.

“Giai đoạn giá tiêu dưới mức 80.000 đồng/kg, các doanh nghiệp đã mua đủ hàng xuất khẩu cho các đơn giao trong tháng 2,3/2024. Ngoài ra, giá cước tàu tăng lên do ảnh hưởng bởi xung đột khu vực Biển Đen, đẩy chi phí của doanh nghiệp tăng theo. Do đó, các doanh nghiệp chưa thể chấp nhận mức giá tiêu nguyên liệu hiện tại”, ông Huy cho biết. 

Việt Nam sẽ bắt đầu bước vào cao điểm về cả nguồn cung lẫn nhu cầu trong quý I. Trong thời điểm này, lượng mua vào của các nước phương tây có thể dồn cùng một lúc do tồn kho cạn. Điều này là một trong những yếu tố sẽ giúp đẩy giá tiêu trong nước tăng trở lại. 

Tuy nhiên, theo ông Huy mức giá cao nhất trong quý I/2024 sẽ không quá khác biệt so với thời điểm hiện tại, dao động trong khoảng 85.000 - 87.000 đồng/kg.

Nhận định về bức tranh dài hạn hơn của ngành tiêu,Hiệp hội Hồ tiêu và Cây Gia vị tỏ ra thận trọng trước triển vọng nhu cầu tiêu trong năm 2024.

Trong báo cáo mới đây, VPSA cho biết ngoại trừ Trung Quốc, dự báo nhu cầu tiêu thụ sắp tới của các nước trên thế giới có thể sụt giảm do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế đến từ xung đột tại Đông - Âu. Đồng thời, tác động của cuộc chiến tại Israel cũng sẽ ảnh hưởng lên giá dầu mỏ, điều này sẽ càng làm cho tình hình kinh tế thế giới càng lâm vào suy thoái, sức mua khả năng sẽ giảm trong thời gian tới.

Song, việc nguồn cung từ các nước xuất khẩu tiêu lớn giảm như Ấn Độ (giảm 20%), Indonesia (giảm 20 - 30%), Việt Nam (giảm 15%) được kỳ vọng là yếu tố nâng đỡ giá tiêu, bù đắp cho sự sụt giảm về nhu cầu. 

H.Mĩ