|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Tổ chức trong nước đẩy mạnh bán ròng gần 3.080 tỷ đồng trong tháng 5, tâm điểm ACB

09:44 | 05/06/2023
Chia sẻ
Trong tháng 5, bên cạnh động thái tiếp tục bán ròng của khối ngoại, tổ chức trong nước cũng nâng quy mô xả ròng lên 3.078 tỷ đồng, tính riêng giao dịch khớp lệnh họ bán ròng 3.768 tỷ đồng.

VN-Index tăng 26,05 điểm tương đương 2,48% trong tháng 5 kết thúc tháng ở mức 1.075,17 điểm. Dòng tiền trong nước có dấu hiệu quay trở lại kênh chứng khoán trong bối cảnh lãi suất có xu hướng giảm rõ rệt. Thanh khoản trung bình mỗi phiên đạt 12.275 tỷ đồng, tăng 9,7% so với tháng trước, và tăng 9,3% so với giá trị bình quân trong 5 tháng gần đây.

Trong tháng vừa qua, bên cạnh động thái tiếp tục bán ròng của khối ngoại, tổ chức trong nước cũng nâng quy mô xả ròng lên 3.078 tỷ đồng, tính riêng giao dịch khớp lệnh họ bán ròng 3.768 tỷ đồng.

Tổ chức nội chuyển hướng bán ròng mạnh nhất cổ phiếu ngân hàng

Theo thống kê từ Fiintrade, nếu tính riêng giao dịch khớp lệnh thì chiều bán ròng của các tổ chức trong nước chiếm ưu thế khi diễn ra ở 13/18 nhóm ngành.

Ở phía mua ròng, nhóm dịch vụ tài chính được dòng tiền của các tổ chức nội hướng sự chú ý trong tháng 5 với giá trị 440 tỷ đồng. Cổ phiếu chứng khoán là á quân tăng điểm với tỷ lệ là 11%.

Bên cạnh đó, tổ chức trong nước cũng duy trì mua ròng 61 tỷ đồng ở nhóm dầu khí. Ngoài ra, nhóm tài nguyên cơ bản, bất động sản, y tế, … cũng thu hút sự chú ý của dòng tiền với giá trị thấp hơn.

Ở phía đối diện, cổ phiếu ngân hàng là nhóm bị bán ròng nhiều nhất trong tháng với 1.546 tỷ đồng, chỉ số giá ngành tăng nhẹ 1,96%.

Tương tự, cổ phiếu xây dựng & vật liệu, thực phẩm & đồ uống cũng lọt Top bán ròng với giá trị lần lượt là 328 tỷ đồng và 153 tỷ đồng.

Nối tiếp, lực xả nhẹ hơn cũng được ghi nhận ở một số nhóm cổ phiếu, lần lượt là điện, nước & xăng dầu khí đốt (144 tỷ đồng), hàng cá nhân & gia dụng (116 tỷ đồng), bán lẻ (115 tỷ đồng), hóa chất (112 tỷ đồng), …

Nguồn: Linh Chi tổng hợp.

Cổ phiếu nào được mua/bán ròng nhiều nhất?

Giao dịch tại chiều mua của tổ chức trong nước tháng vừa qua nổi bật nhất là hoạt động giải ngân vào cổ phiếu SSI. Mã này dẫn đầu với giá trị mua ròng lớn nhất với 286,2 tỷ đồng. Đây cũng là mã duy nhất được các tổ chức trong nước rót ròng trên 200 tỷ đồng.

Danh mục rót vốn còn có sự góp mặt của bộ đôi VIC và VHM của nhà Vingroup, với giá trị vào ròng lần lượt là 147,6 tỷ và 133,4 tỷ đồng.

Đứng vị trí thứ 3 trong top mua ròng là cổ phiếu MBB với 143,7 tỷ đồng. Trong báo cáo cập nhật gần đây, Chứng khoán Yuanta Việt Nam kỳ vọng MBB sẽ nhận được hạn mức tăng trưởng tín dụng cao hơn từ Ngân hàng Nhà nước do ngân hàng này đã tiếp quản một ngân hàng yếu kém (Ocean Bank).

Nhóm phân tích dự báo tăng trưởng cho vay sẽ đạt 19% so với cùng kỳ trong năm 2023 và do đó MBB sẽ có thể vượt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2023.

Yuanta Việt Nam dự báo lãi trước thuế năm 2023 của MBBank đạt 27 nghìn tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ. Chất lượng tài sản vẫn vững chắc với tỷ lệ nợ xấu tương đối thấp là 1,1% và tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) cao là 238% trong quý IV/2022.

Tuy nhiên, nhóm phân tích cũng lưu ý rằng tỷ lệ đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp của MBB thuộc hàng cao nhất ngành, chiếm 6,4% tổng tài sản trong quý IV/2022.

Trở lại với giao dịch của NĐT tổ chức nội, trong top 5 mua ròng còn có sự xuất hiện của một cổ phiếu ngân hàng khác là CTG (139,4 tỷ đồng).

Nguồn: Linh Chi tổng hợp. 

Trong khi đó, cổ phiếu ACB của Ngân hàng TMCP Á Châu bị bán ròng nhiều nhất với giá trị 2.069,9 tỷ đồng.

Về tình hình hoạt động, trong quý I, ACB là một trong số những ngân hàng ghi nhận tăng trưởng tín dụng âm tuy nhiên theo các chuyên gia phân tích của Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) vẫn kỳ vọng ACB tiếp tục giữ được đà tăng trưởng trong năm 2023.

Các chuyên gia phân tích dự báo ACB sẽ đạt mức lợi nhuận trước thuế là 15.232 tỷ đồng, tăng 11,3% so với năm trước. Những động lực giúp ngân hàng duy trì được đà tăng trưởng này là do chất lượng tài sản, không đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp, tỷ trọng cho vay các công ty phát triển bất động sản ở mức thấp và mức lợi suất sinh lời cao và ổn định.

Dù mua ròng nhiều mã bất động sản, hai đại diện đến từ ngành này là NVL và KDH cũng bị bán ròng lần lượt 230,4 tỷ đồng và 156,7 tỷ đồng.

Hai cái tên cuối cùng trong danh mục rút vốn của tổ chức trong nước là GAS (141,9 tỷ đồng) và MWG (130 tỷ đồng).

Linh Chi