Tổ chức trong nước bán ròng hơn 1.500 tỷ đồng trong tháng 2, tập trung xả ACB trong khi gom nhiều nhất HPG
Thị trường chứng khoán tháng 2 chứng kiến nhiều phiên giảm mạnh do những thông tin kém sắc từ thị trường thế giới. Đơn cử như phiên 14 tháng 2, VN-Index giảm xuống mức thấp nhất trong tháng với 1.472 điểm do căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraine.
Tính chung cả tháng 2, chỉ số chính sàn HOSE tăng 11,17 điểm tương đương 0,76%, chốt tháng ở mức 1.490,13 điểm.
Theo số liệu từ HOSE, thanh khoản thị trường cổ phiếu tháng 2 ghi nhận giá trị và khối lượng giao dịch bình quân phiên lần lượt đạt trên 23.206 tỷ đồng và 705,93 triệu cổ phiếu, giảm lần lượt 15,83% về giá trị và 19,28% về khối lượng bình quân so với tháng trước đó.
Ngoài yếu tố mùa vụ, tâm lý do dự của nhà đầu tư khi thị trường thiếu vắng ngành dẫn dắt cũng là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng tiêu cực đến thanh khoản trong tháng 2. Theo quan sát, dòng tiền trong tháng tăng vào nhóm cổ phiếu được hưởng lợi từ giá hàng hóa tăng và các ngành có câu chuyện hồi phục.
Liên quan đến giao dịch của các bên tham gia thị trường, nhà đầu tư cá nhân là bên mua ròng duy nhất trên thị trường. Nếu không tính đến giao dịch HPG và VIC, vị thế mua/bán ròng của nước ngoài và cá nhân trong nước đổi chiều.
Tổ chức trong nước cũng có tháng bán ròng thứ 3 liên tiếp với giá trị rút ròng đạt 1.530 tỷ đồng, tính riêng giao dịch khớp lệnh họ bán ròng 1.612 tỷ đồng.
Áp lực xả dồn tại nhóm BĐS, cổ phiếu ngân hàng được mua ròng nhẹ
Thống kê giao dịch theo ngành, tổ chức trong nước bán ròng 9/18 nhóm cổ phiếu, trong đó áp lực xả mạnh nhất ghi nhận ở nhóm bất động sản với giá trị rút ròng lên tới 1.565 tỷ đồng. Quy mô rút vốn tại nhóm doanh nghiệp địa ốc đã tăng lên đáng kể trong tháng 2, trong bối cảnh chỉ số giá ngành diễn biến kém sắc.
Tương tự, cổ phiếu ngành hóa chất cũng bị NĐT tổ chức trong nước bán ròng gần 281 tỷ đồng. Giai đoạn cuối tháng 2, cổ phiếu phân bón bất ngờ nổi sóng nhờ được hưởng lợi từ giá hàng hóa neo cao do tác động của xung đột địa chính trị Nga - Ukraine.
Hoạt động rút ròng còn diễn ra ở nhóm dịch vụ tài chính (236 tỷ đồng), điện, nước & xăng dầu khí đốt (227,5 tỷ đồng), thực phẩm & đồ uống (166,3 tỷ đồng),...
Chiều ngược lại, hoạt động giải ngân của tổ chức trong nước chủ yếu tập trung vào nhóm tài nguyên cơ bản với 719 tỷ đồng, theo sau là công nghệ thông tin (217,2 tỷ đồng), bán lẻ (140 tỷ đồng),...
Đáng chú ý là sự thay đổi vị thế giao dịch của tổ chức nội ở nhóm ngân hàng. Từ việc bị bán ròng mạnh nhất trong tháng 1, cổ phiếu "vua" bất ngờ được khối này mua ròng nhẹ trở lại trong tháng 2 dù chỉ số giá chung toàn ngành có phần kém sắc.
Cổ phiếu nào được mua/bán ròng nhiều nhất?
Nổi bật trong giao dịch của tổ chức trong nước tháng qua là việc bán ròng 971 tỷ đồng cổ phiếu ACB của Ngân hàng TMCP Á Châu. Giao dịch bán khớp lệnh cổ phiếu ACB của tổ chức trong nước chủ yếu được hấp thụ bởi nhà đầu tư cá nhân (872,5 tỷ đồng), ngoài ra tự doanh cũng mua ròng với giá trị dưới trăm tỷ đồng.
Trở lại với giao dịch của tổ chức trong nước, cổ phiếu VIC của Vingroup xếp thứ hai trong danh mục các mã bị bán ròng với 385,6. Giao dịch cổ phiếu VIC của tổ chức trong nước có phần đồng thuận với các NĐT nước ngoài khi mã này bị khối ngoại rút ròng mạnh nhất với gần 1.987 tỷ đồng trong tháng vừa qua.
Hoạt động rút vốn mạnh mẽ của hai nhóm nhà đầu tư trên diễn ra trong bối cảnh giá cổ phiếu VIC đã bốc hơi khoảng 36% từ đầu năm, đóng cửa phiên cuối tháng 2 tại 77.000 đồng, chính thức chạm đáy 2 năm.
Ngoài VIC, các cổ phiếu còn lại trong Top5 bán ròng cùng thuộc họ bất động sản là FLC (357,8 tỷ đồng), KBC (294,6 tỷ đồng), NVL (230 tỷ đồng).
Ở chiều mua, lực cầu của các tổ chức nội trong tháng 2 chủ yếu phân bổ vào nhóm vốn hóa lớn. Thống kê cho thấy, Top5 cổ phiếu được nhóm này mua ròng đều nằm trong rổ VN30.
Giao dịch cụ thể theo từng mã, cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát được mua ròng nhiều nhất với 633 tỷ đồng. Sau giai đoạn điều chỉnh mạnh kéo dài, thị giá HPG vừa có nhịp tăng hơn 11,8% trong tháng 2 và là mã tác động tích cực nhất lên đà tăng của VN-Index.
Trong báo cáo chiến lược công bố mới đây của VNDirect, cổ phiếu thép cũng là một trong những nhóm đang hưởng lợi nhiều nhất từ căng thẳng địa chính trị và con sóng giá cả hàng hoá hiện nay. Với riêng HPG, VNDirect kỳ vọng doanh thu và lợi nhuận ròng sẽ tăng trưởng kép hàng năm lần lượt 12% và 9% trong giai đoạn 2022 - 2025, do nhu cầu thép xây dựng ngày càng tăng.
Cùng thuộc nhóm ngân hàng nhưng cổ phiếu VPB của VPBank được NĐT tổ chức trong nước gom ròng 416 tỷ đồng. Ngoài ra, cổ phiếu của một số nhà băng cũng thu hút dòng tiền từ các tổ chức nội như TCB (291,8 tỷ đồng), STB (175,4 tỷ đồng).
Hoạt động giải ngân của tổ chức trong nước còn xuất hiện ở cổ phiếu FPT của ông lớn ngành công nghệ thông tin với giá trị vào ròng đạt 218,6 tỷ đồng.