Tỉnh nào cũng có tình trạng cán bộ sách nhiễu dân
Mạo danh cán bộ Bộ Công Thương để lừa đảo doanh nghiệp | |
Đà Nẵng ra quyết định kỷ luật 5 cán bộ chủ chốt |
Người dân giải quyết công việc tại cơ quan công quyền - Ảnh minh họa: TL |
Trễ hẹn nhưng không thông báo
Thông tin đưa ra tại Hội nghị công bố chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2017 và chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) năm 2017 do Bộ Nội vụ tổ chức ngày 2-5 tại Hà Nội cho thấy, thời gian qua chính quyền các địa phương đã nỗ lực nâng cao chất lượng đội ngũ công chức ở bộ phận một cửa, một cửa liên thông và thực hiện các biện pháp giám sát, xử lý đối với các trường hợp công chức vi phạm quy định trong giải quyết công việc cho người dân, tổ chức.
Kết quả cho thấy tỷ lệ rất thấp người dân, tổ chức phản ánh công chức gây phiền hà, sách nhiễu (chỉ 3,35%); gợi ý nộp thêm tiền ngoài phí, lệ phí chỉ 1,85%.
Tuy nhiên, SIPAS 2017 cho thấy tình trạng công chức gây phiền hà, sách nhiễu, gợi ý nộp thêm phí trong quá trình cung ứng dịch vụ hành chính công vẫn diễn ra ở tất cả 63 tỉnh, thành trong cả nước.
Đặc biệt, dù đã cải cách thủ tục hành chính nhưng vẫn có tình trạng người dân đi lại tới trên 7 lần để giải quyết công việc. Theo ông Phạm Minh Hùng, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính (Bộ Nội vụ), 78.09% số người được hỏi khẳng định chỉ cần đi lại 1-2 lần trong quá trình giải quyết công việc, 16,94% đi lại 3-4 lần. Tuy nhiên, vẫn còn có người dân, tổ chức phải đi lại nhiều lần để giải quyết công việc, 2,42% số người được hỏi đi lại 5-6 lần, 2,47% đi lại 7 lần trở lên.
Ông Phạm Minh Hùng cũng cho biết có tới 91,73% người dân, tổ chức được hỏi trả lời đã nhận được kết quả cung ứng dịch vụ của cơ quan nhà nước đúng hẹn, 2,37% nhận sớm hẹn và 5,9% trễ hẹn.
Tuy nhiên, trong số những người dân, tổ chức bị trả kết quả trễ hẹn chỉ có 32,77% nhận được thông báo của cơ quan về sự trễ hẹn, 11,09% nhận được xin lỗi.
“Đặc biệt, có tỉnh không thực hiện bất kỳ thông báo hay xin lỗi về sự trễ hẹn trả kết quả đối với người dân, tổ chức,” ông Phạm Minh Hùng.
Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình tại hội nghị đã yêu cầu các bộ, các tỉnh cần nghiên cứu, làm rõ những tồn tại, hạn chế trong tổ chức cung ứng dịch vụ công của từng lĩnh vực, từng cơ quan, cấp hành chính xác định rõ nguyên nhân để tìm cách khắc phục với mục tiêu nâng cao hơn nữa chất lượng cung ứng dịch vụ công.
Chỉ số của Bộ Y tế tụt giảm mạnh
Thông tin tại hội nghị cũng cho thấy, trong năm 2017, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục có chỉ số cải cách hành chính cao nhất với kết quả đạt 92,36%, tuy nhiên đã giảm 0,32% điểm số so với năm 2016.
So với năm 2016, năm nay, có 9 đơn vị tăng điểm số gồm: Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tư pháp, Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Nội vụ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội.
Bộ Y tế là cơ quan có sự tụt giảm mạnh về điểm chỉ số cải cách hành chính trong năm 2017, giảm 7,29% từ 79,69% năm 2016 giảm xuống còn 72,40% năm 2017. Do đó, Bộ Y tế đã tụt từ thứ hạng 11/19 năm 2016 xuống thứ 18/19.
Một cơ quan khác cũng có sự sụt giảm về điểm số và thứ hạng trong kết quả chỉ số cải cách hành chính năm 2017 là Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Điểm số của Bộ Kế hoạch - Đầu tư đã giảm tới 7,98% (từ 80,59% xuống 72,61%) và đã tụt từ thứ hạng 9/19 năm 2016 xuống thứ 17/19, chỉ trên Bộ Y tế.
Cơ quan ngang bộ xếp cuối cùng trong kết quả chỉ số cải cách hành chính năm 2017 là Ủy ban dân tộc, với điểm số 72,13%.
Theo ông Phạm Minh Hùng, các bộ còn nhiều tồn tại, hạn chế trong việc công bố, công khai thủ tục hành chính và tỷ lệ thủ tục hành chính được giải quyết đúng hạn theo quy định.
“Năm 2017 tiếp tục cho thấy những tồn tại, hạn chế, yếu kém của các bộ, cơ quan ngang bộ về ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình quản lý điều hành cũng như cung cấp dịch vụ công trực tuyến,” ông Phạm Minh Hùng nói.