TP.HCM chạy đua chi 3.200 tỉ đồng tăng thêm cho công chức
Chạy đua chi 3.200 tỉ đồng tăng thêm cho công chức. Ảnh: Độc Lập. |
Khoảng 120.000 cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp của TP.HCM sẽ nhận được khoản thu nhập tăng thêm năm 2018 dự kiến hơn 3.241 tỉ đồng. Hiện các cơ quan, đơn vị đang “chạy đua” chi trả số tiền này cho người thụ hưởng.
Vừa làm vừa "xin ý kiến"
Với hơn 120.000 dân, Bình Hưng Hòa A (Q.Bình Tân) là phường có dân số đông nhất TP.HCM. Dân số đông và là phường có người nhập cư đông nên khối lượng công việc của cán bộ, nhân viên ở đây luôn trong tình trạng quá tải. Có ngày bộ phận một cửa P.Bình Hưng Hòa A tiếp nhận gần 400 “đầu việc”, bao gồm: 120 trường hợp chứng thực chữ ký hộ tịch; 108 trường hợp sao y với hơn 578 hồ sơ, tài liệu; 15 trường hợp thủ tục nhà đất; 100 trường hợp bảo hiểm y tế và 50 trường hợp liên quan đến lao động, thương binh và xã hội... Với khối lượng công việc nhiều như vậy nên cán bộ và công chức ở phường rất chờ đón việc TP chi trả thu nhập tăng thêm. Chủ tịch UBND P.Bình Hưng Hòa A Nguyễn Văn Ngân cho hay phường vừa hoàn thành bảng đánh giá tiêu chí cán bộ, nhân viên trong quý 2, 3 năm 2018 để gửi về Phòng Nội vụ Q.Bình Tân. Theo kết quả đánh giá, UBND P.Bình Hưng Hòa A có 65 người thì có 64 người “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”, chỉ 1 người “tự nhận hoàn thành tốt nhiệm vụ vì số ngày nghỉ vượt quá cho phép”. Theo ông Ngân, việc đánh giá cán bộ, nhân viên ở phường dựa trên khối lượng công việc của từng người cùng với chỉ tiêu của Đảng ủy và UBND Q.Bình Tân giao trong năm 2018.
“Việc đánh giá không gặp khó khăn nhưng ít nhiều anh em còn bỡ ngỡ trong thực hiện, nhất là ở chỗ đồng nghiệp đánh giá nhau. Theo hướng dẫn ở Sở Nội vụ thì tất cả cán bộ, nhân viên ở phường phải đánh giá lẫn nhau thay vì chỉ đánh giá ở từng bộ phận, phòng ban. Tức là người làm chính quyền phải đánh giá người làm công tác Đảng và ngược lại, trong khi công việc mỗi bên lại khác nhau. Vướng mắc ở chỗ đó nên phường đang phải chờ xin ý kiến”, ông Ngân nói và cho biết thêm một vướng mắc khác là đối với người nghỉ thai sản chưa có hướng dẫn cụ thể. Cho nên đối tượng này phường vẫn đưa vào diện đánh giá nhưng theo quy định người nào nghỉ quá 22 ngày sẽ không được tính hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Bà Nguyễn Thị Kim Hương, Trưởng phòng Nội vụ UBND Q.Bình Tân, cho biết đến thời điểm này đã có gần 90 cơ quan, đơn vị (trường học, đơn vị sự nghiệp, phòng ban, UBND phường) gửi báo cáo đánh giá về Phòng Nội vụ. Thống kê sơ bộ, khoảng 90% đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, 10% hoàn thành tốt nhiệm vụ. Hiện Phòng Nội vụ đang làm báo cáo trình UBND quận. Dự kiến UBND Q.Bình Tân chi 101 tỉ đồng cho thu nhập tăng thêm trong quý 2, 3 và 4/2018. “Tiền đã được bố trí cho từng đơn vị. Đây mới là số tiền dự kiến, nếu không chi hết thì để dành lại cho những đợt chi sau. Quận sẽ cố gắng chi trả thu nhập tăng thêm 2 quý trước năm 2018 để động viên tinh thần cán bộ, nhân viên”, bà Hương nói.
Bà Hương cũng cho hay song song với việc chi thu nhập tăng thêm, UBND Q.Bình Tân có kế hoạch theo dõi tiến độ công việc hằng tháng, hằng quý, từ đó xác định trách nhiệm của người đứng đầu, cán bộ, nhân viên. Nếu công việc bị đình trệ hay không hoàn thành nhiệm vụ thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm. “Khoản thu nhập tăng thêm nhằm để động viên cán bộ, công chức nhưng sẽ không “cào bằng”. Bây giờ mức tăng 0,6 lần chưa cao lắm nhưng sang năm 2019, 2020 mức tăng sẽ tương ứng là 1,2 và 1,8 lần, rất cao. Nếu làm không công tâm sẽ nảy sinh tâm lý không tốt, người làm tốt cũng như người làm không tốt”, bà Hương nói và cho biết thêm trong quá trình triển khai cũng gặp phải một số vướng mắc. Điển hình như quy định cán bộ, công chức nghỉ quá 22 ngày sẽ không được đánh giá hoàn thành xuất sắc công việc để tính thu nhập tăng thêm nhưng đối với nhân viên nghỉ thai sản thì luật cho phép nghỉ 6 tháng; trường hợp tai nạn, chấn thương (nguyên nhân khách quan - PV) buộc phải nghỉ dài ngày...
Thêm căn cứ để tinh giản biên chế
Bà Hứa Thị Hồng Đang, Chủ tịch UBND Q.Tân Phú, cho biết hiện tất cả đơn vị ở quận đã gửi báo cáo về cho Phòng Nội vụ tổng hợp để trình UBND quận nhận xét. Theo hướng dẫn, Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận sẽ nhận xét bí thư, phó bí thư, chủ tịch HĐND phường; còn chủ tịch UBND quận sẽ nhận xét đối với lãnh đạo các phòng ban, chủ tịch UBND các phường. UBND Q.Tân Phú dự kiến kinh phí để chi thu nhập tăng thêm của quận trong 3 quý cuối năm 2018 lên tới 94 tỉ đồng. Theo bà Đang, phần đánh giá này ngoài việc để xét hiệu quả, thu nhập tăng thêm cho năm 2018 sẽ còn làm cơ sở để quận thực hiện tinh giản biên chế trong thời gian tới.
“Nếu thủ trưởng đơn vị cứ đánh giá xuất sắc, tốt hết cho cán bộ, nhân viên thuộc đơn vị mình mà sau này anh nợ báo cáo, không hoàn thành nhiệm vụ thì thủ trưởng phải chịu trách nhiệm”, bà Đang nói và cho hay khi thực hiện đánh giá các đơn vị, các phường phải niêm yết công khai danh sách, tránh tình trạng sau này khi nhận tiền xảy ra phân bì, khiếu nại. Theo kế hoạch của quận, trong tháng 12.2018 sẽ chi thu nhập tăng thêm quý 2 và 3/2018, trong tháng 1.2019 sẽ chi thu nhập tăng thêm cho quý 4/2018.
Trong khi đó, bà Đinh Thị Liễu, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính (Sở Y tế TP), cho biết với ngành y tế TP thì những đơn vị quản lý không có nguồn thu sẽ được cấp ngân sách để chi thu nhập tăng thêm. Đối với những bệnh viện, đơn vị sự nghiệp có nguồn thu thì phải lấy từ nguồn cải cách tiền lương, chừng nào thiếu ngân sách mới bù vào. Hiện các phòng ban, bệnh viện đang đánh giá, bình chọn để báo cáo lên Sở Y tế, từ đó sớm triển khai thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức trong ngành.
3 bước đánh giá Nghị quyết 54 là nghị quyết của Quốc hội, thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù cho TP.HCM, trong đó có phân cấp, phân quyền, giải quyết tăng thu nhập cho cán bộ, công chức... Hiện cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp của TP.HCM khoảng 120.000 người. Bình quân thu nhập của mỗi cán bộ, công chức, viên chức trình độ đại học ở TP.HCM chỉ khoảng từ 3 - 6 triệu đồng/tháng. Theo Sở Tài chính TP, tổng dự toán để chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức trong năm 2018 khoảng 3.241 tỉ đồng. Cụ thể, khối quận, huyện là 1.980 tỉ đồng, khối hành chính sự nghiệp là 1.261 tỉ đồng. Còn tổng dự toán để chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức TP trong năm 2019 sẽ tăng lên là 7.236 tỉ đồng. Theo quy định, hệ số điều chỉnh thu nhập tăng thêm được điều chỉnh theo lộ trình: năm 2018 tăng tối đa là 0,6 lần so với tiền lương theo ngạch, bậc, chức vụ; năm 2019 tăng tối đa 1,2 lần và năm 2020 tối đa là 1,8 lần. Chỉ chi thu nhập tăng thêm trong quý đối với công chức hoàn thành xuất sắc, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trong đó, người làm xuất sắc được hưởng mức tối đa như trên, người làm tốt nhiệm vụ được hưởng 80% của người làm xuất sắc. Việc đánh giá thực hiện từ ngày 25 - 30 tháng cuối quý, trải qua 3 bước: công chức tự đánh giá, đồng nghiệp góp ý kiến và cấp hoặc người có thẩm quyền đánh giá. |
Có dấu hiệu “hình thức” Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong nhận định quá trình chuẩn bị giải quyết thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức ở TP được triển khai theo Nghị quyết 54 là hơi chậm. Do đây là chính sách mới nên ban đầu triển khai gặp một số vướng mắc cần tháo gỡ. UBND TP sẽ điều chỉnh phù hợp với đánh giá thực tế. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại thì việc triển khai ở quận huyện, sở ngành đang được thực hiện và việc chi trả thu nhập tăng thêm sẽ bắt đầu tính từ tháng 4.2018. UBND TP tính toán và kỳ vọng hiệu quả công việc của việc chi thu nhập tăng thêm này sẽ phát huy từ năm 2019. Ông Phong cũng khẳng định việc chi trả thu nhập tăng thêm phải căn cứ vào hiệu quả, năng suất của người lao động. Muốn tạo thành động lực cho người lao động thì việc đánh giá phải chính xác, công bằng. Trong khi đó, một lãnh đạo Sở Nội vụ TP cho hay với những vướng mắc của sở ngành, quận huyện liên quan đến việc đánh giá cán bộ, công chức, Sở Nội vụ đang tập hợp để xử lý. Ông này cũng cho biết có nơi việc đánh giá còn bất cập và hình thức, thể hiện qua số lượng cán bộ, công chức “hoàn thành xuất sắc công việc” chiếm tuyệt đối. Tuy nhiên, nếu đánh giá không đúng, sau này người đứng đầu sẽ phải chịu trách nhiệm nếu đơn vị, công chức không hoàn thành nhiệm vụ. Bởi song song với việc đánh giá, TP cũng có cơ chế giám sát hiệu quả công việc sau khi thu nhập tăng thêm được áp dụng. Chưa kể qua đánh giá, người nào trong 2 năm liền không hoàn thành nhiệm vụ sẽ đưa vào diện phải tinh giản. |
Ý KIẾN Tăng thu nhập phải gắn với tăng chất lượng công vụ Khối lượng công việc mà cán bộ, công chức TP.HCM giải quyết cao hơn rất nhiều so với bình quân cả nước. Do đó, tính toán tăng thêm thu nhập với mức độ tương xứng và đảm bảo mặt bằng sinh hoạt chung ở TP là điều hợp lý. Tuy nhiên, việc tăng thêm này rất hệ trọng, không đơn thuần chỉ là sự “đo đếm” bằng con số thu nhập của mỗi cán bộ, công chức được tăng thêm bao nhiêu so với mức cũ; mà đòi hỏi đặt ra từ câu chuyện này là chất lượng công vụ bắt buộc cũng phải được cải thiện, tăng lên tương ứng. Chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận một tâm lý sẽ rất không hay nếu tăng thu nhập mà chất lượng công vụ không tăng. Số tiền hàng ngàn tỉ phục vụ tăng thu nhập, cũng chính từ tiền thuế của dân. Cán bộ, công chức phải ý thức sâu sắc về điều này để cải thiện hoạt động công vụ với tinh thần vì dân phục vụ, ý thức giải quyết việc cho dân cũng như giải quyết công việc của chính mình, không sách nhiễu, phiền hà, tuyệt đối không được “hành” dân. Vấn đề quan trọng nữa là cách thức đánh giá, không thể theo kiểu “bình quân chủ nghĩa”, bởi nếu như vấn đề này không được chú trọng và lựa chọn phương thức đánh giá đúng, thì việc tăng thu nhập chưa hẳn sẽ tạo ra động lực lao động, cống hiến trong đội ngũ cán bộ, công chức. TS Diệp Văn Sơn, chuyên gia cải cách hành chính Lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo Quản trị nhân lực trong bộ máy nhà nước cũng phải tuân theo một số nguyên tắc cơ bản của quản trị nhân lực trong doanh nghiệp, đánh giá công chức cũng phải dựa vào mức độ hoàn thành công việc như là lao động trong doanh nghiệp. Dĩ nhiên khi xây dựng hệ số đánh giá công chức thì những tiêu chí như trung thành với tổ chức, với Tổ quốc, vì dân phục vụ..., đương nhiên phải cao hơn người lao động trong doanh nghiệp. Việc xác định yếu tố trung thành, tận tụy, vì dân phục vụ cũng bắt buộc phải có hệ thống tiêu chí đánh giá để đo lường được cụ thể là công chức làm gì được cho dân, chứ không chung chung, định tính. Một anh giải quyết 1.000 hồ sơ đất đai cho dân, thì phải khác anh chỉ giải quyết 10 hồ sơ; anh giải quyết lượng hồ sơ đó 20 ngày thì phải khác anh giải quyết 30 ngày. Mình lấy sự hài lòng của người dân làm đầu, làm thước đo thông qua định lượng cụ thể công việc mà công chức giải quyết. Đặc biệt, phải có hệ số vì dân phục vụ, không “bôi trơn” và tham nhũng vặt; đồng thời cũng phải căn cứ vào các hệ số định lượng để làm cơ sở tăng thu nhập, cũng như tạo cơ hội thăng tiến công bằng cho cán bộ, công chức. PGS-TS Võ Trí Hảo, Phó trưởng khoa Luật Trường ĐH Kinh tế TP.HCM |
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/