Tình hình 'làm ăn' ở nước ngoài của các tập đoàn nhà nước
Theo báo cáo tình hình đầu tư ra nước ngoài được Bộ Kế hoạch & Đầu tư gửi Thủ tướng cho thấy, trong năm 2019 tổng vốn đăng kí đầu tư ra nước ngoài đạt trên 528,78 triệu USD, tăng 10,7% so với năm 2018. Có 172 dự án đầu tư ra 33 quốc gia và vũng lãnh thổ.
Ủy ban Quản lí vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho biết, hiện có 8 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước thuộc quản lí của Ủy ban này đầu tư ở nước ngoài.
Trong 15 dự án đầu tư ở nước ngoài thuộc quản lí của Ủy ban, có 6 dự án hoạt động đúng tiến độ, hai dự án chậm tiến độ, 5 dự án đang gặp khó khăn và hai dự án không có khả năng triển khai.
Về tình hình thực hiện, theo báo cáo, tổng vốn chuyển ra nước ngoài trong năm 2019 là 564,89 triệu USD, giảm 5,6% so với 2018.
Năm 2019, top các doanh nghiệp (DN) có vốn chuyển ra nước ngoài lớn nhất cũng là DN nhà nước. Trong đó, Viettel lớn nhất với 161,6 triệu USD chuyển đi thực hiện dự án tại Myanmar năm 2019.
Theo sau là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam PVN chuyển 38,9 triệu USD sang đầu tư ở Malaysia và 33,2 triệu USD tại Angeri. Vị trí thứ ba là 35,7 triệu USD của Vintech đầu tư tại Tây Ban Nha.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) là đơn vị có số dự án triển khai ở nước ngoài nhiều nhất, với 27 dự án, tổng vốn đăng kí 7,1 tỉ USD. Các dự án PVN đầu tư tại nước ngoài chủ yếu trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí và một số dự án lĩnh vực khoáng sản khác.
Tuy nhiên, theo báo cáo, trong tổng số 27 dự án, có 11 dự án triển khai đúng tiến độ, 6 dự án bị chậm tiến độ, 13 dự án đang gặp khó khăn vướng mắc, và 7 dự án không có khả năng thực hiện.
Tổng vốn PVN đã chuyển ra nước ngoài để thực hiện số dự án này đến nay khoảng 3,12 tỉ USD, tập trung chủ yếu giai đoạn 2008 - 2013. Theo đó, PVN đã chuyển lợi nhuận và tiền đã chuyển về nước lũy kế đến 2019 là 2 tỉ USD.
Tập đoàn Viettel đã đầu tư 13 dự án và là một trong số ít các DN đem vốn ra nước ngoài đầu tư và hầu hết dự án đều đem lại hiệu quả.
Đến nay, Viettel đã rót 1,79 tỉ USD thực hiện số dự án này, riêng năm 2019 đã rót hơn 188,4 triệu USD. Lợi nhuận và vốn đầu tư đã chuyển về nước lũy kế đến nay là 803,2 triệu USD, lợi nhuận và vốn đầu tư đã chuyển về nước trong năm 2019 là 113,3 triệu USD.
Hai dự án tại Lào và Campuchia mang lại hiệu quả cao cùng lợi nhuận và đầu tư chuyển về nước lũy kế lần lượt là 168,3 triệu USD và 265,1 triệu USD. Tại đây, thương hiệu viễn thông của Viettel thuộc các mạng di động lớn nhất thị trường và chiếm hơn 50% thị phần.
Các dự án viễn thông của Viettel tại các nước châu Phi cũng đã hoạt động và bắt đầu có dòng tiền chuyển về nước. Tuy nhiên, tình hình chính trị không ổn định tại một số nước châu Phi đã ảnh hưởng đến hoạt động của Viettel tại Cameroon, Tanzania,... Dự án tại Myanmar của Viettel đã khai trương dịch vụ, bắt đầu hoạt động và tạo ra doanh thu.
Tập đoàn Cao su Việt Nam (VRG) hiện đang đầu tư 23 dự án trồng cao su tại Lào và Campuchia. Tổng vốn đăng kí đầu tư ra nước ngoài khoản 1,31 tỉ USD, với 8 dự án đã được triển khai thực hiện gồm: 5 nhà máy chế biến cao su tại Campuchia, ba nhà máy tại Lào.
Do giá mủ cao su xuống thấp nên các dự án đang trong giai đoạn cân đối thu chi hằng năm, chưa có lãi nhiều. Lợi nhuận lũy kế về nước đến nay mới chỉ đạt được 4,357 triệu USD, lợi nhuận giữ lại tái đầu tư là 0,51 triệu USD. Dự kiến lợi nhuận chuyển về nước năm 2020 khoản 5,3 triệu USD.
Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) khi góp vốn 49% thành lập Hãng hàng không Cambodia Angkor Air (CCA) tại Campuchia với tổng vốn đầu tư ra nước ngoài là 49 triệu USD, tuy nhiên kinh doanh của CCA lại không hiệu quả.
Hiện VNA đã có kế hoạch thoái vốn tại hãng hàng không này sau hơn 10 năm góp vốn, nhưng đến nay việc thoái vốn chưa hoàn thành.
Ở giai đoạn đầu đầu tư vào CCA, hãng này ghi nhận doanh thu hơn 676 triệu USD, trong đó 3 năm (2009 - 2012) có lãi sau thuế gần 1 triệu USD. Nhưng từ năm 2013 đến nay hãng thua lỗ. Ủy ban Quản lí vốn cho biết đã báo cáo Thủ tướng việc thoái vốn tại dự án này.