|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Hơn 15 tỉ USD vốn FDI đầu tư vào Việt Nam trong 6 tháng đầu năm

20:03 | 02/07/2020
Chia sẻ
Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI vào Việt Nam trong tháng 6/2020 đã tăng trở lại nhưng chưa thấy rõ được làn sóng chuyển dịch.

Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính chung cả 6 tháng, theo số liệu đến ngày 20/6/2020, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng kí cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 15,67 tỉ USD, bằng 84,9% so với cùng kì năm 2019. 

Theo đó, có 1.418 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng kí đầu tư, tổng vốn đăng kí đạt 8,44 tỉ USD.

Vốn đầu tư tăng là do trong 6 tháng năm 2020 có dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu với tổng vốn đầu tư là 4 tỉ USD (chiếm 47,4% tổng vốn đăng kí mới) đã đẩy qui mô dự án bình quân tăng hơn so với cùng kì, từ 4,3 triệu USD năm 2019 lên gần 6 triệu USD trong năm 2020.

Về vốn điều chỉnh chính sách, có 526 lượt dự án đăng kí điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng kí tăng thêm hơn 3,7 tỉ USD, giảm 16,2% về số lượt dự án nhưng tăng 26,8% về vốn tăng thêm so cùng kì năm 2019.

Vốn điều chỉnh trong 6 tháng tăng nhờ có Dự án tổ hợp hoá dầu Miền Nam của nhà đầu tư Thái Lan tại Bà Rịa-Vũng Tàu điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 1,386 tỉ USD.

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong tháng 6 năm 2020, cả nước đã thu hút được 1,79 tỉ USD vốn đăng kí cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư, tăng 3,1% so với cùng kì năm 2019, tăng 14,9% so với tháng 5/2020. 

Trong đó, có 206 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đăng kí đầu tư, tổng vốn đăng kí đạt 997,1 triệu USD, tăng 4,5% so với cùng kì năm 2019, tăng 51% so với tháng 5/2020.

Qui mô dự án cũng tăng đáng kể (đạt 4,8 triệu USD/dự án) với sự xuất hiện một số dự án sản xuất qui mô lớn (trên 200 triệu USD). 

Như vậy, sau sự sụt giảm nhiều tháng trước, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI vào Việt Nam trong tháng 6/2020 đã tăng trở lại. Qui mô dự án đầu tư mới cũng tăng đáng kể và xuất hiện một số dự án sản xuất qui mô lớn.

Ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp (Tổng cục Thống kê) đánh giá, dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam có nhiều dấu hiệu tích cực, vẫn giữ tốc độ tăng trưởng tốt.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 trên toàn cầu đã khiến các hoạt động sản xuất, kinh doanh đã bị đình trệ. Nhiều doanh nghiệp rơi vào tình cảnh khó khăn khiến vốn thực hiện của các dự án FDI vẫn tiếp tục xu hướng giảm trong 6 tháng đầu năm, nhưng đã có cải thiện so các tháng trước đó. Vốn thực hiện của dự án FDI ước đạt 8,65 tỉ USD, bằng 95,1% so với cùng kì.

Bên cạnh đó, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới nên việc đi lại của các nhà đầu tư khó khăn cũng như các quyết định đầu tư mới và mở rộng qui mô dự án FDI vẫn còn bị ảnh hưởng. Số dự án mới và điều chỉnh vốn đều giảm so với cùng kì, nhất là các dự án đăng kí mới.

Vốn FDI không như kì vọng về một cuộc dịch chuyển sản xuất và đầu tư khỏi Trung Quốc thì FDI sẽ vào Việt Nam như một làn sóng mới.

Dù vốn đầu tư cấp mới và tăng vốn tăng lên, song vẫn chủ yếu tăng là nhờ các dự án lớn, đã được nộp hồ sơ và đàm phán trong một thời gian dài trước đó.

Nếu không tính các dự án lớn trên tỉ USD thì tổng vốn đăng kí cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư trong 6 tháng đầu năm 2020 chỉ bằng 70,4% so với cùng kì năm 2019.

Về làn sóng FDI, ông Phạm Đình Thúy thận trọng, chưa có bằng chứng rõ ràng về sự chuyển dịch dòng vốn trên thế giới do tác động kép từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc và đại dịch COVID-19, trong đó Việt Nam có thể là điểm đến mới.

Ông Phạm Đình Thúy cho rằng, các doanh nghiệp có chuỗi giá trị toàn cầu đều phải lo chống dịch COVID-19. Vì thế hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các tập đoàn lớn chủ yếu đều nằm trên giấy hoặc vẫn ở trong suy tính, chưa thực hiện được nên chưa có số lượng cụ thể.

Mai Anh

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.