|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Tình cảnh 'rút quảng cáo thì tiếc, tiếp tục thì sợ' của doanh nghiệp đối với Facebook, YouTube

08:19 | 22/04/2019
Chia sẻ
Một tổ chức của các nhà quảng cáo - với chi phí lên tới vài nghìn tỷ USD mỗi năm - yêu cầu các tập đoàn công nghệ hàng đầu như Facebook, YouTube công bố kế hoạch rõ ràng về việc "dọn dẹp mớ hỗn độn" trong nội dung của họ.

Các doanh nghiệp không ngần ngại khi rút quảng cáo khỏi các nền tảng phổ biến như Facebook, YouTube, Instagram, Google sau những bê bối nội dung như video của bọn khủng bố, livestream cảnh tượng tự sát hay tự làm hại bản thân. Mặc dù vậy, sau khi rút quảng cáo theo phong trào, nhiều doanh nghiệp lại âm thầm quay trở lại các nền tảng.

Song ít nhất một tổ chức của các nhà quảng cáo - với chi phí lên tới vài nghìn tỷ USD mỗi năm - đã phác thảo kế hoạch để buộc các tập đoàn công nghệ hàng đầu như Facebook, Google "dọn dẹp mớ hỗn độn" của họ.

Hiệp hội Các nhà quảng cáo Thế giới (WFA) - với nhiều thành viên là tập đoàn hàng đầu thế giới như Pepsi, P&G, Diegeo - kêu gọi các thành viên gây áp lực để các nền tảng hàng đầu nỗ lực hơn nữa trong việc ngăn chặn những nội dung tiêu cực.

Tình cảnh rút quảng cáo thì tiếc, tiếp tục thì sợ của doanh nghiệp đối với Facebook, YouTube - Ảnh 1.

Raja Rajamannar, Giám đốc tiếp thị của Hiệp hội Các nhà quảng cáo Thế giới. Ảnh: CNBC

Raja Rajamannar, Giám đốc tiếp thị của tập đoàn Mastercard, vừa đảm nhận vị trí Chủ tịch WFA từ cuối tháng 3. Trong buổi trả lời phỏng vấn CNBC hôm 20/4, vì các tập đoàn công nghệ hàng đầu nhận quá nhiều tiền từ quảng cáo, nên họ không thể phớt lờ hoàn toàn những yêu cầu chính đáng của các nhà quảng cáo.

"Vấn đề không chỉ là cung cấp một nơi an toàn để các thương hiệu quảng cáo. Với việc những nội dung như vụ thảm sát bằng súng ở New Zealand hồi tháng 3 được livestream trên Facebook rồi lan truyền trên YouTube và Twitter. 

"Đó cũng là trách nhiệm với xã hội. Là những nhà tiếp thị, chúng tôi phải có trách nhiệm đối với cộng đồng", Raja bình luận.

Hồi cuối tháng 3, WFA kêu gọi các thành viên suy nghĩ kỹ về nơi họ sẽ quảng cáo, và coi trọng trách nhiệm xã hội hơn tính hiệu quả đối với thương hiệu.

Song, bất chấp những vấn đề của Facebook, YouTube hay Twitter, rời khỏi họ không phải việc dễ dàng đối với doanh nghiệp.

"Họ (Facebook, YouTube, Instagram và nhiều nền tảng khác) là những tập đoàn mạng xã hội lớn, với phạm vi ảnh hưởng siêu rộng. Ngoài ra họ cũng có khả năng định vị đúng đối tượng mà doanh nghiệp cần. Đó là yếu tố doanh nghiệp không thể làm ngơ. Doanh nghiệp không thể rút quảng cáo một cách dứt khoát", ông Raja thừa nhận.

WFA muốn các nền tảng mạng xã hội lớn nhất thế giới công bố kế hoạch rõ ràng về hoạt động lọc nội dung tiêu cực. Câu trả lời phổ biến của các "ông lớn" công nghệ mỗi khi đối mặt với yêu cầu lọc nội dung xấu là: Chúng tôi sẽ tăng nhận sự kiểm duyệt nội dung. YouTube và Facebook đã tuyển thêm vài nghìn người trong mấy năm qua để giám sát nội dung trên nền tảng của họ.

"Đó không phải là kế hoạch rõ ràng. Vì thế, chúng tôi muốn biết kế hoạch của họ sẽ dựa vào công nghệ hay con người, hay cả hai? Chúng tôi yêu cầu họ suy nghĩ thấu đáo về chiến lược kiểm duyệt nội dung rồi chia sẻ với chúng tôi", ông Raja nhấn mạnh.

Nhạc Dương