Tin vui cho ngành du lịch: Các chủ DN vừa và nhỏ, homestay, người lao động bị mất việc vì COVID-19 được đề xuất vào nhóm nhận hỗ trợ 62.000 tỉ đồng
Việt Nam vẫn đang trong trạng thái cách li xã hội và nhiều ngành nghề chịu tác động lớn, trong đó có du lịch. Trên thực tế, ngay từ những ngày đầu tiên của dịch bệnh, ngành du lịch đã phải hứng chịu tác động nặng nề từ COVID-19.
Theo thống kê từ Tổng cục Du lịch, riêng quý I năm 2020, khách quốc tế đến Việt Nam chỉ có gần 3,7 triệu lượt khách, giảm 18,1% so với cùng kỳ năm 2019. Trong khi đó tổng doanh thu từ khách du lịch đạt 143.600 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ năm 2019.
Chính vì thế, trong phiên họp chính phủ, Bộ Văn hóa thể thao và du lịch (VHTTDL) đã có những đề xuất hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động trong ngành dịch vụ, dưới những hình thức tài chính và phi tài chính.
Về chính sách hỗ trợ tài chính, Bộ đề xuất bỗ trợ gói tài chính cho các doanh nghiệp du lịch trong việc hoàn huỷ tour thay vì thực hiện huỷ tour; gói tài chính này sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp phát hành "phiếu mua tour" có thời hạn 12-18 tháng với giá trị tương đương tour đã đặt cho các khách hàng không thể thực hiện được chuyến đi do tình hình dịch bệnh.
Đồng thời, Bộ cũng đề xuất hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, đưa những người kinh doanh homestay, những lao động mất việc do dịch vào diện nhận hỗ trợ tài chính trong gói 62.000 tỉ của Chính phủ.
Về các chính sách hỗ trợ phi tài chính, Bộ VHTTDL đề xuất các công ty du lịch sẽ được miễn phí cấp mới, cấp đổi, cấp lại Giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế, nội địa; thẻ hướng dẫn viên du lịch cho các hướng dẫn viên trong năm 2020.
Hỗ trợ doanh nghiệp du lịch tham gia xúc tiến du lịch quốc gia. Cụ thể, doanh nghiệp không phải đóng bất kỳ khoản chi phí nào; được hỗ trợ chi phí thị thực, hỗ trợ chi phí vé máy bay cho 1 cán bộ/1 doanh nghiệp du lịch tham gia chương trình.
Bộ cũng đề nghị Cục Hàng không Việt Nam chỉ đạo các hãng hàng không hỗ trợ doanh nghiệp lữ hành giải phóng tiền đặt cọc mua vé máy bay trong thời gian dịch bệnh.
Ngoài ra, Bộ cũng đề xuất kế hoạch hỗ trợ đào tạo cho các doanh nghiệp trong ngành. Trong giai đoạn còn dịch sẽ hỗ trợ tự đào tạo trực tuyến hoặc theo nhóm nhỏ tại doanh nghiệp; giai đoạn kết thúc dịch sẽ hỗ trợ cho các địa phương đào tạo nghiệp vụ cho hướng dẫn viên tại điểm, điều hành tour, cơ sở lưu trú du lịch, đặc biệt là các homestay.
Với cá nhân lao động trong ngành du lịch, các chính sách về bảo hiểm thất nghiệp cũng được đề xuất điều chỉnh: Giảm yêu cầu thời gian làm việc tối thiểu, từ 12 tháng xuống còn 3 tháng trong 24 tháng; đơn giản hóa quy trình giải quyết quyền lợi cho lao động.
Đáng chú ý, Bộ đề xuất miễn đóng bảo hiểm thất nghiệp cho toàn bộ người lao động trong ngành du lịch trong năm 2020. Mức trợ cấp thất nghiệp hàng tháng cũng tăng từ 60% lên 80%.
Cả người lao động lẫn các doanh nghiệp trong ngành đều có cơ hội giãn nộp bảo hiểm xã hội năm 2019, năm 2020 đến hết tháng 6 năm 2021.