|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Tín hiệu tích cực từ kinh tế Trung Quốc trợ lực cho thị trường kim loại quý

23:30 | 15/09/2023
Chia sẻ
Giá vàng tại thị trường châu Á đi lên trong phiên giao dịch cuối tuần 15/9, khi đồng USD giảm giá so với đồng NDT của Trung Quốc, sau khi dữ liệu kinh tế đầy hứa hẹn của Trung Quốc thúc đẩy hy vọng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ phục hồi, mặc dù khả năng Mỹ tiếp tục tăng lãi suất vẫn khiến các nhà đầu tư lo lắng.

(Ảnh minh hoạ: Reuters).

Giá vàng tại thị trường châu Á đi lên trong phiên giao dịch cuối tuần 15/9, khi đồng USD giảm giá so với đồng NDT của Trung Quốc, sau khi dữ liệu kinh tế đầy hứa hẹn của Trung Quốc thúc đẩy hy vọng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ phục hồi, mặc dù khả năng Mỹ tiếp tục tăng lãi suất vẫn khiến các nhà đầu tư lo lắng.

Cụ thể, chiều phiên này, tại thị trường Bengaluru (Ấn Độ), giá vàng giao ngay tăng 0,3% lên 1.915,27 USD/ounce, trong khi giá vàng giao kỳ hạn của Mỹ tăng 0,2%, lên 1.936,90 USD/ounce.

Đồng NDT đạt mức cao nhất trong hai tuần so với đồng USD sau khi dữ liệu cho thấy sản lượng công nghiệp và doanh số bán lẻ của Trung Quốc trong tháng 8 vượt dự báo của giới phân tích. Đồng USD suy yếu khiến vàng, vốn được định giá bằng "đồng bạc xanh" trở nên hấp dẫn hơn đối với người mua ở nước ngoài.

Bất chấp đà tăng trong phiên này, giá vàng vẫn có xu hướng giảm nhẹ trong tuần qua, sau khi giảm xuống mức gần 1.900 USD/ounce, mức thấp nhất kể từ ngày 23/8.

Yeap Jun Rong, chiến lược gia thị trường tại ngân hàng IG, cho biết: “Triển vọng lãi suất của Mỹ sẽ được giữ ở mức cao trong thời gian dài hơn đã khiến giá vàng, vốn là tài sản không sinh lời, chịu áp lực giảm. Điều kiện kinh tế Mỹ vẫn còn vững chắc, việc cắt giảm lãi suất sớm dường như không cần thiết”.

Dữ liệu hôm 14/9 cho thấy giá sản xuất của Mỹ tăng mạnh nhất trong hơn một năm vào tháng Tám, trong khi doanh số bán lẻ cũng vượt kỳ vọng của giới phân tích, được thúc đẩy bởi giá xăng tăng vọt.

Các số liệu này được đưa ra sau khi báo cáo mới nhất từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy giá tiêu dùng tại nước này trong tháng 8/2023 đã tăng mạnh nhất trong hơn một năm do giá xăng tăng cao, nhưng lạm phát cơ bản chỉ tăng nhẹ có thể khuyến khích Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giữ nguyên lãi suất ở mức hiện tại.

Lãi suất cao nhằm kiềm chế lạm phát, nhưng nó lại khiến nhu cầu đối với vàng sụt giảm.

Chính phủ Trung Quốc cho hay sản lượng công nghiệp của Trung Quốc đã tăng tốc và doanh số bán lẻ cũng đạt được động lực trong tháng 8/2023, cho thấy nền kinh tế nước này có thể đang dần phục hồi sau tình trạng bất ổn từ đại dịch.

Tuy nhiên, bất chấp hoạt động khởi sắc tại các nhà hàng và cửa hàng, các số liệu cho thấy sự yếu kém trong lĩnh vực bất động sản, vốn đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với nền kinh tế, vẫn tiếp diễn. Các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc tiếp tục vật lộn để trả khoản nợ khổng lồ trong thời điểm nhu cầu sụt giảm. Đầu tư vào bất động sản Trung Quốc trong tháng 8/2023 giảm 8,8% so với năm trước đó.

Để duy trì đà phục hồi, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) hôm 14/9 thông báo sẽ hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc lần thứ hai trong năm nay để tăng tính thanh khoản cho các ngân hàng. Trước đó trong cùng ngày, PBoC cũng gia hạn các khoản vay chính sách trung hạn đã đáo hạn để bơm thêm thanh khoản vào hệ thống tài chính, đồng thời giữ nguyên lãi suất.

Dữ liệu đáng khích lệ của Trung Quốc cũng hỗ trợ các kim loại quý khác. Giá bạc giao ngay tăng 1,3% lên 22,92 USD/ounce. Giá bạch kim tăng 0,6% lên 911,90 USD/ounce và giá palladium tăng 0,1% lên 1.252,56 USD/ounce.

Còn tại Việt Nam, vào chiều 15/9, giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 68,00 - 68,72 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Minh Trang

31 doanh nghiệp chốt quyền chia cổ tức trong tuần tới, Dược Hậu Giang có tỷ lệ cao nhất
Trong tuần từ 23/12 đến 27/12, thị trường chứng khoán có 31 doanh nghiệp chốt ngày giao dịch không hưởng quyền để nhận cổ tức tiền mặt.