|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Tín dụng đến 10/5 mới tăng 1,95%, Thống đốc lý giải nguyên nhân

07:58 | 24/05/2024
Chia sẻ
Tín dụng đến ngày 10/5 đã tăng 1,95% so với cuối năm 2024, tương ứng số vốn hơn 264.000 tỷ đồng được bơm ra nền kinh tế. Theo Thống đốc, tín dụng tăng trưởng chậm do cầu tín dụng yếu, khó khăn trong triển khai các chương trình chính sách.

Trong báo cáo gửi tới Quốc hội tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết đến ngày 10/5/2024, tín dụng tăng 1,95% so với cuối năm 2024. Như vậy kể từ đầu năm, dư nợ tín dụng đã tăng thêm hơn 264.400 tỷ đồng.

Tín dụng vẫn tăng chậm hơn đáng kể so với cùng kỳ năm trước. 

Theo báo cáo, trong những tháng đầu năm 2024, mặc dù thanh khoản hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) dồi dào và còn rất nhiều dư địa tăng trưởng tín dụng, các TCTD hiện có điều kiện thuận lợi để cung ứng vốn cho vay ra nền kinh tế nhưng tín dụng vẫn gặp khó khăn.

Hai tháng đầu năm tín dụng toàn hệ thống vẫn giảm so với cuối năm 2023. Cụ thể, đến ngày 31/1, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt 13.479.677 tỷ đồng, giảm 0,6% so với cuối năm 2023 (cùng kỳ năm 2023 tăng 0,10%). Đến ngày 29/2, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt 13.472.474 tỷ đồng, giảm 0,72% so với cuối năm 2023 (cùng kỳ năm 2023 tăng 0,87%). 

Mãi đến cuối tháng 3, tín dụng mới quay đầu tăng trưởng 1,34%. Tuy nhiên, từ 29/3 đến 10/5 (42 ngày), tín dụng mới tăng thêm 0,61%, tương đương 82.700 tỷ đồng, chậm lại đáng kể so với kết quả của tháng 3. Từ cuối tháng 2 đến cuối tháng 3, dư nợ tín dụng từng tăng hơn 279.000 tỷ đồng. 

Theo lý giải của Thống đốc, tín dụng trong những tháng đầu năm chậm lại do một loạt nguyên nhân như cầu tín dụng yếu, khó khăn trong triển khai các chương trình chính sách. 

Cụ thể, cầu và sức hấp thụ vốn của nền kinh tế đang gặp khó khăn, nhiều khách hàng vay chưa đáp ứng đủ điều kiện vay vốn. Đầu tư, SXKD, tiêu dùng giảm, dẫn tới cầu tín dụng của người dân, doanh nghiệp giảm tương ứng, báo cáo cho hay.

Một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, nhất là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) trong khi việc triển khai các giải pháp tăng khả năng tiếp cận tín dụng thông qua Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho SME, Quỹ Phát triển SME ... chưa phát huy hiệu quả.

Ngoài ra, Thống đốc cũng chỉ ra những khó khăn, vướng mắc trong triển khai một số chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng.

Trước hết, đối với Chương trình 120.000 tỷ đồng: các quy định pháp luật liên quan đến dự án nhà ở xã hội (quỹ đất, trình tự, thủ tục mua bán, định giá…) còn nhiều vướng mắc; số lượng dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư rất ít; một số điều kiện đối với người mua nhà không còn phù hợp; 

Các gói cho vay tiêu dùng gặp khó khăn khi thu nhập của người lao động sụt giảm trong bối cảnh thất nghiệp, mất việc làm tăng cao nên không có nguồn để trả nợ dẫn đến cầu tín dụng tiêu dùng giảm…. Đồng thời, công nhân, người lao động chưa nắm bắt rõ thông tin trong khi các doanh nghiệp, công đoàn cơ sở chưa thật sự chú trọng truyền thông, phổ biến gói vay.

Với một số chương trình tín dụng ưu đãi khác, Thống đốc cho biết hiện nay, NHNN đang theo dõi, triển khai một số chương trình tín dụng ưu đãi theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nguồn hỗ trợ đối với các chương trình này là từ ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách nhà nước là hạn chế và trong giai đoạn 2021 - 2025, ngân sách nhà nước không bố trí kế hoạch vốn đầu tư công để cấp bù lãi suất cho các ngân hàng thương mại đã hỗ trợ lãi suất cho khách hàng.

Minh Quang