|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Tin đồn thất thiệt: Nghiêm trị trước pháp luật

08:33 | 28/10/2022
Chia sẻ
Trước các thông tin thất thiệt, doanh nghiệp cần có phản ứng phản biện lại ngay. Về phía người dân, bình tĩnh, tỉnh táo là điều cần thiết. Và những đối tượng tung tin đồn thất thiệt đều sẽ bị nghiêm trị trước pháp luật.

Doanh nghiệp cần phản biện ngay những thông tin thất thiệt 

Luật sư Bùi Quang Thu (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng, tin đồn thất thiệt sẽ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, tài chính vừa qua bị "tung" tin xấu không đúng sự thật. Ví dụ như: Công ty A đang bị điều tra, ông giám đốc công ty sắp bị bắt… Chỉ nghe phong thanh như vậy, nhưng nhiều đối tác, nhà đầu tư liên quan đến các đơn vị này lo sợ, lảng tránh và dừng các quan hệ.

Một số doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán, bị dính tin đồn xấu, lập tức cổ phiếu bị nhà đầu tư bán tháo, giảm sàn nhiều phiên. Phản ứng dây chuyển xấu, các cổ phiếu tài chính khác cũng giảm theo… khiến thị trường bị giảm hàng nghìn tỷ đồng, doanh nghiệp và nhà đầu tư cùng thiệt hại nặng.

Ông Bùi Quang Thu cho rằng, để kiểm soát, ngăn chặn triệt để thông tin thất thiệt, bản thân các doanh nghiệp cần phải linh hoạt và có phản ứng phản biện lại những thông tin thất thiệt đó ngay, để nhà đầu tư và khách hàng tin tưởng, an tâm khi hợp tác, hay mua cổ phiếu của mình.

Mặt khác, các cơ quan chức năng cần có phản ứng nhanh chóng, đưa ra giải pháp ngay khi có thông tin thất thiệt. Đồng thời, cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, phổ biến việc thực hiện pháp luật để người dân hiểu, nghiêm chỉnh chấp hành, không có các hành vi tung tin thiếu kiểm chứng; nếu xảy ra vi phạm phải kịp thời, chủ động, tích cực cải chính, khắc phục.

Chúng ta cũng cần xây dựng không gian mạng an toàn, lành mạnh. Trong đó, cơ quan chức năng cần tiếp tục tăng cường các biện pháp hữu hiệu quản lý không gian mạng; thường xuyên kiểm tra, rà soát và xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm, đăng tin không đúng sự thật. Cần có chế tài xử phạt, thậm chí xử lý hình sự nghiêm khắc hơn đối với các đối tượng tung tin đồn thất thiệt gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Luật sư Bùi Quang Thu, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội (Ảnh: VGP).

Việc tung tin thất thiệt, nhất là thông tin xấu độc, gây hoang mang dư luận xã hội là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy thuộc vào nội dung, tính chất, mức độ, động cơ của hành vi, hậu quả của việc tung tin thất thiệt... các đối tượng tung tin sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, hoặc bị xử lý trách nhiệm hình sự. 

Điều 34 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín như sau: Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Vì vậy, người nào tung tin đồn thất thiệt xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của một tổ chức, cá nhân cụ thể thì tổ chức, cá nhân đó có quyền khởi kiện ra tòa án để yêu cầu người tung tin đồn phải xin lỗi và bồi thường thiệt hại, đồng thời còn có quyền yêu cầu tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân, tổ chức.

Điều 258 Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009 về "Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân" có quy định: "Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm".

Nếu không xác định được chính xác người tung tin đồn thất thiệt, mà chỉ xác định được người đưa tin thì áp dụng theo quy định tại Điều 226 được sửa đổi bởi Điều 27 Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2009 về tội sử dụng trái phép thông tin trên mạng và trong máy tính. Cụ thể như sau: "Người nào thực hiện hành vi đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet những thông tin trái với quy định của pháp luật, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 88 và Điều 253 của Bộ luật này xâm phạm lợi ích của cơ quan, tổ chức, cá nhân, xâm phạm trật tự, an toàn xã hội gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm". Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 200 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Vì vậy những người tung tin đồn thất thiệt lên mạng để nhằm "câu like" hay nhằm thu lợi bất chính, hoặc để thu hút sự chú ý nhằm quảng cáo, bán hàng đều bị nghiêm trị trước pháp luật. Có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị xử lý hình sự tùy theo mức độ ảnh hưởng tới uy tín, danh dự của cá nhân, tổ chức.

 PGS.TS. Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, Trường- Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội (Ảnh: VGP).

Người dân rất cần bình tĩnh, tỉnh táo 

PGS.TS. Trần Thành Nam (Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, Trường- Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, khi có tin đồn thất thiệt ngay lập tức cần nhanh chóng cắt đứt tin đồn, lời đàm tiếu bằng cách tham gia ngay trước khi mọi thứ bị lan truyền đi quá xa (nguyên tắc là trước 72 giờ sau khi tin đồn đầu tiên bị phát tán).

Và để ngăn chặn những tin đồn thất thiệt, cần tập trung thực hiện một số biện pháp, như cơ quan Nhà nước phải chủ động thông tin đúng đắn, chính xác; người dân cần phải tỉnh táo trước những tin đồn thất thiệt. Để ngăn chặn những tin đồn thất thiệt, trước hết các cơ quan quản lý nhà nước phải nắm bắt thông tin một cách kịp thời, nhanh chóng có phát ngôn chính thống để bác bỏ các tin đồn thất thiệt.

Khi có tin đồn thất thiệt thuộc lĩnh vực bộ, ngành nào quản lý, nhất thiết phải cử cơ quan chuyên ngành xác minh kịp thời, truy nguyên nguồn gốc, diễn biến hình thành tin đồn, đưa ra kết luận để công bố trước công luận, không thể để chậm trễ, nhằm chủ động ngăn chặn sự lan rộng của nó, hạn chế tác động tiêu cực.

Nhanh chóng cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về sự kiện đang xảy ra tin đồn thất thiệt. Việc công bố có thể thực hiện ngay thông qua thông cáo báo chí trên các phương tiện truyền thông để người dân nắm được. Đồng thời có những biện pháp xử lý kiên quyết những đối tượng cố tình tung tin đồn thất thiệt để trục lợi, phá hoại.

Về phía người dân, cần bình tĩnh, tỉnh táo trước những tin đồn thất thiệt là điều cần thiết. Thực tế, nhiều người do không rõ thông tin thực hư và cũng không có điều kiện tìm hiểu, đã hành động theo thói quen, theo cảm tính hoặc theo phong trào. Trước những tin đồn thất thiệt, người dân phải thực sự bình tĩnh, tự mình thẩm định, đánh giá thông tin hoặc chờ tin chính thống được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng.

 Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an (Ảnh: VGP).

Xử lý nghiêm việc tung tin đồn làm ảnh hưởng môi trường đầu tư, kinh doanh

Theo Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an: Chỉ thị số 12 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế xác định "Bảo vệ an ninh kinh tế là bảo vệ an ninh quốc gia". 

Quán triệt thực hiện nghiêm túc quan điểm chỉ đạo của Đảng, Bộ trưởng Bộ Công an đã quyết liệt chỉ đạo tăng cường các biện pháp bảo vệ an ninh kinh tế với tinh thần mọi hoạt động vi phạm pháp luật, trong đó có hoạt động tung tin đồn thất thiệt làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh, đều phải được phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.

Tất cả hành vi đưa tin đồn thất thiệt, thiếu kiểm chứng trên không gian mạng đều đang được lực lượng công an rà soát. Những đối tượng, hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật sẽ có bị xử lý nghiêm minh.

Trong thời gian qua, để hạn chế tình trạng tung tin đồn thất thiệt làm ảnh hưởng môi trường đầu tư kinh doanh, Bộ Công an đã triển khai bài bản rất nhiều giải pháp. Trong đó, trọng tâm là tham mưu Đảng, Nhà nước hoàn thiện chính sách pháp luật. Đồng thời củng cố cơ sở pháp lý vững chắc để xử lý những hành vi đưa tin đồn thất thiệt, thiếu kiểm chứng, vi phạm pháp luật.

Tổ chức lực lượng, thực hiện các biện pháp nghiệp vụ chuyên biệt để thu thập, củng cố tài liệu, chứng cứ về các hành vi đưa tin thiếu kiểm chứng, gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng môi trường đầu tư kinh doanh.

Cùng với đó, kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật về hành chính và hình sự đối với những đối tượng có hành vi đưa tin thiếu kiểm chứng, ảnh hưởng tiêu cực đến lợi ích chính đáng, hợp pháp của tổ chức, cá nhân, đến sự phát triển kinh tế-xã hội, môi trường đầu tư kinh doanh.

Hải Liên